ĐBQH TP. HCM: Không để công nhân ở lăn lóc, sống lụp xụp quanh các khu công nghiệp
Nhiều ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP. HCM cho rằng, việc hỗ trợ vaccine Covid-19 lẫn chính sách cho TP. HCM trong thời gian qua còn hạn chế. TP. HCM đang rất khó khăn. Doanh nghiệp, lẫn đời sống của người lao động cần được quan tâm, hỗ trợ kịp thời.
Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. HCM tổ chức giám sát một số sở, ngành TP. HCM về một số chế độ, chích sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP. HCM ngày 23/9.
Toàn cảnh buổi giám sát của Đoàn ĐBQH TP. HCM. Ảnh: Thái Sơn
"3 tại chỗ" phát sinh nhiều hệ lụy
Báo cáo với đoàn công tác, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP. HCM cho biết, các doanh nghiệp trong thời gian qua đã rất nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để tổ chức phương án sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", một cung đường 2 địa điểm (gọi tắt là sản xuất 3T).
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều đánh giá rằng mô hình sản xuất 3T không thể kéo dài bởi nhiều vấn đề.
Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Tuấn Anh lý giải, hạ tầng, cơ sở vật chất nhà máy chỉ thiết kế xây dựng để sản xuất, vốn dĩ không có phương án để tổ chức theo mô hình 3T, do vậy khi phải điều chỉnh sắp xếp để sản xuất theo 3T thì không thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho người lao động sinh hoạt thoải mái như bình thường, chắc chắn có nhiều thiếu thốn.
Nếu kéo dài cách làm này, sức khỏe, tinh thần người lao động sẽ bị ảnh hưởng do cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn, ảnh hưởng tới cuộc sống của từng gia đình và tâm sinh lý người lao động.
Một công nhân trong ngôi nhà "3 tại chỗ" trên công trường xây dựng. Ảnh: Thái Sơn
Mô hình 3T cũng khiến chi phí sản xuất đội lên cao do phải tăng các chi phí cho người lao động, cho công tác phòng chống dịch, cho chi phí xét nghiệm Covid-19.
Sở KH-ĐT TP. HCM đề nghị, cần ban hành ngay hướng dẫn quy trình xử lý F0, F1 khi phát hiện trong các doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo 3T. Ưu tiên tiêm vaccine nhanh và dứt điểm đối với các doanh nghiệp sản xuất 3T. Cần hỗ trợ doanh nghiệp 3T giảm chi phí do tổ chức 3T gây ra, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho công nhân miễn phí.
Cần hỗ trợ vaccine lẫn chính sách
Về tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động, Sở KH-ĐT TP. HCM đề nghị Nhà nước cấp vaccine cho doanh nghiệp theo nhu cầu cần tiêm và cho phép các đơn vị tiêm chủng tư nhân có đủ điều kiện tiêm dịch vụ cho doanh nghiệp. Như vậy sẽ nhanh và giảm gánh nặng cho Nhà nước về chi phí tổ chức tiêm.
Về gói hỗ trợ doanh nghiệp, theo Sở KH-ĐT TP. HCM, cần phân loại doanh nghiệp thành 3 nhóm để doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đúng, trúng và hiệu quả: Doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động; doanh nghiệp đang hoạt động. Việc hỗ trợ doanh nghiệp theo nguyên tắc doanh nghiệp đang còn hoạt động sẽ được nhận nhiều giải pháp đồng bộ, để được giải cứu đến cùng.
Bên cạnh đó, rà soát và quy định chi tiết, đầy đủ các loại thuế doanh nghiệp được giảm, giãn, chậm nộp đến 31/12 và lộ trình đến hết tháng 3/2022; Rà soát và quy định chi tiết, đầy đủ các loại phí doanh nghiệp được giảm, giãn, chậm nộp đến 31/12 và lộ trình đến hết tháng 3/2022, kể cả bảo hiểm xã hội, công đoàn, tiền thuê đất, sử dụng đất. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ cho doanh nghiệp…
Tại buổi giám sát, ĐB Trần Hoàng Ngân đánh giá sự khó khăn về tài chính của TP. HCM đang là rất lớn.
ĐB Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Việt Dũng
ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, TP. HCM là một địa phương đóng góp rất lớn cho ngân sách quốc gia, mỗi năm từ 300.000 - 330.000 tỷ đồng, nhưng khi gặp khó khăn trong đại dịch, thành phố đề nghị hỗ trợ 28.000 tỷ đồng thì xem xét tới lui mới cho được 2.000 tỷ đồng.
Vì thế, theo ĐB Ngân, Đoàn ĐBQH TP. HCM nên có bản kiến nghị đại diện tiếng nói của cử tri TP. HCM để kịp thời phản ánh đến với Quốc hội, Chính phủ. Bản kiến nghị có chiều sâu và từ kiến nghị này chất vấn thành viên Chính phủ về y tế, về tài chính.
Cùng mối quan tâm đến chiến lược trong bình thường mới, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị các sở nêu kế hoạch cụ thể về mở cửa trở lại, nỗ lực để từ ngày 1/10 “chung sống với Covid-19”. ĐB Nghĩa đề nghị cần có chính sách xây dựng nhà trọ, có nhà ở xã hội khang trang cho công nhân ở các khu công nghiệp, “không để công nhân ở lăn lóc, lụp xụp xung quanh các khu công nghiệp”.
Về việc hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cần đánh giá, dự báo về tình hình kinh tế - xã hội của TP để có kế hoạch, chiến lược phục hồi phù hợp. Bên cạnh đó, phải rà soát, dự báo tình trạng phá sản của doanh nghiệp để tham mưu, xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Đồng thời, cần quan tâm đến kết nối cung – cầu, thu hút đầu tư trong bình thường mới.
Số liệu Báo cáo của Phòng Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm xã hội, Sở LĐTB-XH TP. HCM cho biết: đợt bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn TP có trên 1,5 triệu hộ lao động gặp khó khăn, trên 220.000 lao động bị ngừng việc, hoãn việc, thiếu việc làm do doanh nghiệp gặp khó khăn...