ĐBQH TRẦN KHÁNH THU: QUY ĐỊNH PHẢI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHẬN BHXH MỘT LẦN Ở THỜI ĐIỂM CẦN THIẾT ĐỒNG THỜI BẢO BẢM QUYỀN LỢI NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG DÀI HẠN

Tham gia góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Phiên thảo luận Tổ chiều 2/11, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, quy định hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần vừa phải đáp ứng được nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần của người lao động trong thời điểm cần thiết, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (Luật BHXH năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều). Dự thảo Luật đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở các chính sách trên, dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; Sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; Sửa đổi căn cứ đóng BHXH bắt buộc; Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; Về chi phí quản lý BHXH.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình tại Phiên họp toàn thể

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình tại Phiên họp toàn thể

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ thống nhất với sự cần thiết phải xem xét, sửa đổi toàn diện Bảo hiểm xã hội để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và để cập nhật, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đề nghị rà soát, hoàn thiện quy định về: xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc (Điều 37); Về bảo hiểm xã hội một lần (Điều 70 và Điều 102); về chi phí quản lý BHXH (Điều 118). Cụ thể:

Về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc: Khoản 1 dự thảo quy định: “1. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Điều 36 của Luật này, nếu hết thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không đóng thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.”

Đại biểu đề nghị sửa đổi khoản 1 như sau: “1. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Điều 36 của Luật này, nếu hết thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không đóng thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.”

Theo đại biểu cần thiết định danh khoản tiền nộp 0,03%/ ngày là tiền gì để thuận tiện cho công tác quản lý, chấp hành quy định của pháp luật.

Liên quan tới Khoản 4 Điều 37 dự thảo quy định: “4. Người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng thì cơ quan BHXH có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.”

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định này vì: Quy định khởi kiện đối với việc trốn đóng BHXH là không phù hợp vì trốn đóng là hành vi vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật hành chính, nếu phát hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải xử lý hình sự đối với tội danh trốn đóng.

Ngoài ra, việc chậm đóng BHXH của người sử dụng lao động nếu đặt trong mối quan hệ với người lao động thì sẽ là quan hệ dân sự (vi phạm thỏa thuận giữa các bên), nếu khởi kiện dân sự thì chủ thể thực hiện phải là người lao động (khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích cho bản thân) hoặc Tổ chức công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động.

Quang cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 10

Quang cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 10

Tuy nhiên, nếu đặt trong mối quan hệ với nhà nước thì đó là hành vi vi phạm về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhà nước và chỉ có thể xử lý hành chính hoặc cao hơn hành chính là xử lý hình sự. Do đó, khi phát hiện người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, cơ quan BHXH sẽ thực hiện thẩm quyền mang tính quyền lực nhà nước sẽ hiệu quả hơn.

Cũng theo đại biểu, việc khởi kiện dân sự hoàn toàn độc lập với xử lý hành chính, xử lý hình sự, việc dự thảo đang quy định theo hướng khởi kiện vụ án dân sự sau khi cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính là không phù hợp.

Đối với Khoản 5 dự thảo quy định: “5. Người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự thì cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.”

Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung chủ thể có quyền/trách nhiệm kiến nghị khởi tố, đồng thời sửa đổi như sau: “Người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự thì cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật”.

Về bảo hiểm xã hội một lần: Tại điểm đ khoản 1 Điều 70 và Điều 102, đại biểu đề xuất lựa chọn phương án 2 "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.".

Theo đại biểu quy định như phương án 2 là đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Hài hòa quyền lợi trước mắt của người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài.

Ngoài ra, mặc dù, số lượt người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành nhưng khi người lao động hưởng BHXH một lần thì người lao động cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại (không ảnh hưởng tới số người tham gia); Người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ BHXH với quyền lợi hưởng cao hơn; có nhiều cơ hội hơn để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.

Đại biểu nhấn mạnh, đây là phương án vừa đáp ứng được nhu cầu nhận BHXH một lần của người lao động trong thời điểm cần thiết, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn.

Về chi phí quản lý BHXH: Đại biểu đề nghị sửa đổi Điều 118 cụm từ “Chi phí quản lý BHXH” thành “Chi tổ chức hoạt động quỹ BHXH” để đảm bảo phù hợp với các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 118 dự thảo Luật BHXH sửa đổi (không phải là chi phí quản lý thuần túy mà bao gồm cả các nội dung liên quan đến hoạt động tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH và quản lý, sử dụng quỹ BHXH tại các đơn vị trong và ngoài Ngành BHXH Việt Nam).

Tại khoản 2 đại biểu đề xuất phương án 1 “Mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi BHXH (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH) và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH”.

Lý giải đề xuất này, đại biểu cho biết, cơ quan BHXH có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); đồng thời thực hiện cả nhiệm vụ thu, phát triển đối tượng tham gia và nhiệm vụ chi, phục vụ đối tượng thụ hưởng, đối tượng tham gia với hiệu quả sử dụng chi phí quản lý.

Đồng thời, nếu mức chi phí quản lý chỉ tính trên số thu thì không có cơ sở xác định chi phí quản lý đảm bảo hoạt động bộ máy của cơ quan BHXH trong trường hợp trong năm cơ quan BHXH không thu BHXH, BHYT, BHTN theo các chính sách của Nhà nước (hoãn đóng, tạm dừng đóng) nhưng cơ quan BHXH vẫn phải thực hiện thanh toán các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81672