Hiện thực hóa giấc mơ có nhà của người thu nhập thấp

Nhiều góp ý về chính sách đẩy nhanh mục tiêu phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đã được các đại biểu kiến nghị tại phiên thảo luận tại hội trường vào sáng 24/5.

Với mức lương dưới 15 triệu đồng mỗi tháng, việc sở hữu căn nhà là giấc mộng xa vời. Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội vào sáng 24/05, nhiều ý kiến góp ý đã được các đại biểu kiến nghị nhằm đẩy nhanh mục tiêu phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, phát biểu: “Tiền lương thì không tăng, nhưng giá nhà tăng liên tục. Nên dù chả là mong muốn bình thường, nhưng cũng vẫn chỉ là… mơ ước. Dù Luật Nhà ở đã ban hành, dù nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở đã được triển khai.”

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, nhận định: “25 triệu/m2 với người thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng thì rất khó để mua được nhà ở xã hội. Giá thuê nhà nếu ở mức 6 triệu đồng/tháng vẫn là cao so với đối tượng cần nhà ở xã hội, bởi họ chủ yếu là người trẻ, lương thấp, công việc bấp bênh, chưa ổn định.”

Từ mong muốn có nhà của hàng triệu người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các đại biểu kiến nghị nghị quyết về một số cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội cần bổ sung cơ chế hiện thực hóa giấc mơ có nhà của họ.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, kiến nghị: “Tôi kiến nghị Quốc hội bổ sung cơ chế thiết thực như trợ giá, bù giá từ ngân sách nhà nước hoặc Quỹ nhà ở quốc gia, đảm bảo giá thuê, mua nhà ở xã hội tương ứng với thu nhập của người lao động, đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch khi xét duyệt để người lao động có cơ hội công bằng tiếp cận nhà ở xã hội.”

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho hay: “Tôi đề nghị mở rộng đối tượng đóng góp vào Quỹ nhà ở quốc gia là những người dân có nhu cầu mua nhà. Họ sẽ được xếp ưu tiên mua hay thuê mua nhà ở xã hội hoặc trở thành đối tượng thuê. Và như vậy, nguồn tiền đóng góp từ người dân này sẽ được dùng để xây dựng nhà góp vào nhà bán, chứ không chỉ có thuê và thuê mua như hiện nay.”

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nêu thực trạng: trong 5 năm qua, trên cả nước mới có 679 dự án nhà ở xã hội. Trong số này, chỉ có 108 dự án hoàn thành với tổng số 73 nghìn căn, tương đương đạt 15% mục tiêu. Riêng năm 2025, chỉ tiêu đặt ra là 100.000 căn nhưng đến nay mới có khoảng 15.600 căn hoàn thành, hơn 19.000 căn đang được khởi công, mới đạt khoảng 44% mục tiêu.

Ông Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nhấn mạnh: “Vừa qua, Bộ Xây dựng mới đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư nhà ở xã hội với 2 nhóm vấn đề: quỹ nhà ở, giá thuê, giá mua, rồi điều kiện các đối tượng được hưởng.”

Về thủ tục, nếu theo quy định hiện hành, để giao chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thông qua đấu thầu, riêng việc thực hiện trình tự, thủ tục có khi mất đến 300 ngày khiến nhà đầu tư rất ngán ngẩm. Do đó, dự thảo nghị quyết đã có nhiều quy định được lược giản, lồng ghép nhằm giảm đáng kể thời gian làm thủ tục.

Hoàng Hợp

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/hien-thuc-hoa-giac-mo-co-nha-cua-nguoi-thu-nhap-thap-334085.htm