ĐBQH Trần Quốc Tuấn: 'Những người uống nhầm sữa giả, thực phẩm chức năng giả… có được bồi thường thiệt hại hay không?', cần có quy định pháp luật để ngăn chặn

Những vụ việc vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm bị pha trộn hóa chất, đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng trong thời gian gần đây đã bị phát hiện. Câu hỏi đặt ra là: 'những người uống nhầm sữa giả, thực phẩm chức năng giả đó… có được bồi thường thiệt hại hay không?' - ĐBQH Trần Quốc Tuấn đặt vấn đề khi góp ý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV, đơn vị tỉnh Trà Vinh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ chiều ngày 15/5.

Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 15/5 Quốc hội tiến hành thảo luận Tổ với 03 nội dung: Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh tham gia thảo luận, kiến nghị, đề xuất nội dung rất quan trọng đối với Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Thể hiện sự đồng tình cao với quan điểm về sự cần thiết xây dựng ban hành Nghị quyết dựa trên cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, ĐBQH Trần Quốc Tuấn cho rằng đây là một dấu mốc rất quan trọng với nhiều nội dung đột phá chưa từng có tiền lệ, phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức và hành động của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân. Nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã khẳng định rõ hơn vai trò trung tâm, động lực then chốt của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh việc tạo điều kiện, Dự thảo Nghị quyết cũng đã quy định những chính sách vượt trội, đặc thù để kinh tế tư nhân thực sự “lớn mạnh về lượng, nâng cao về chất”, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn nhận định, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang rất hân hoan và kỳ vọng Nghị quyết sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, rút ngắn quy trình cấp phép, tiếp cận đất đai và vốn tín dụng dễ dàng hơn, hình thành môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn; doanh nghiệp sẽ giảm lo ngại bị hình sự hóa trong các tranh chấp dân sự, nhấn mạnh yếu tố "không làm khó người làm ăn chân chính", khi các quy định pháp luật được thông qua sẽ bảo vệ doanh nghiệp khỏi rủi ro pháp lý không đáng có; không bị phân biệt so với doanh nghiệp nhà nước hoặc FDI khi tham gia đấu thầu, tiếp cận tín dụng, đất đai, chính sách hỗ trợ khác để doanh ghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng hơn đối với các nguồn lực; giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế, để có thêm nhiều thương hiệu có sức cạnh tranh toàn cầu.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn góp ý Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân tại phiên thảo luận Tổ chiều ngày 15/5.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn góp ý Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân tại phiên thảo luận Tổ chiều ngày 15/5.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn tham gia góp ý 02 nội dung cụ thể:

Về nội dung “Thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng", quy định tại khoản 1, Điều 4 dự thảo Nghị quyết.

Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, nhà nước để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh. Nhưng đại biểu rất lo lắng nếu các quy định không rõ ràng, sẽ tạo khoảng trống pháp lý, dễ bị lợi dụng,

“Muốn kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh, thì cần phải có các quy định thông thoáng, hỗ trợ đặc biệt để tạo thuận lợi tối đa, giúp cho doanh nghiệp tư nhân thật sự là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế quốc gia” - ĐBQH Trần Quốc Tuấn nêu rõ.

Tuy nhiên, các quy định đó cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả 02 nhóm đối tượng liên quan mật thiết với doanh nghiệp tư nhân, đó là các nhà nước và người tiêu dùng, cộng đồng xã hội; các quy định pháp luật tuyệt đối không vì hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân mà bỏ sót quyền và lợi ích hợp pháp của 02 nhóm đối tượng này.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn nêu điển hình những vụ việc vừa mới xảy ra, gây bức xúc cho xã hội; như các vụ việc vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm bị pha trộn hóa chất, trong đó có món ăn “Lòng Se Điếu” là loại thực phẩm đang được quan tâm đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng gần đây đã bị phát hiện. Câu hỏi nhức nhói được xã hội quan tâm đặt ra, đó là “những người uống sa giả, thực phẩm chức năng giả đó có được bồi thường thiệt hại hay không?” hay nói cách khác là “quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng có được pháp luật bảo vệ, hay sẽ bị lãng quên và đi vào dĩ vãng”?

Nêu thêm điển hình khác, thực tế đã có một số doanh nghiệp có khả năng sẽ vi phạm một trong nhiều nội dung quy định pháp luật vào từng thời điểm khác nhau trong năm, như vi phạm quy định về: sản xuất hàng giả; vi phạm về các quy định an toàn thực phẩm; vi phạm môi trường, xử lý nước thải; vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy; hay vi phạm các hành vi kê khai trốn thuế và nhiều quy định khác… Nếu Nghị quyết chỉ quy định thanh tra một lần trong năm, mà thiếu sự phối hợp chặt chẽ và đầy đủ của các cơ quan chuyên ngành liên quan thì không thể phát hiện hết các hành vi vi phạm nêu trên có thể xảy ra tại nhiều thời điểm khác nhau trong năm của những doanh nghiệp không chân chính. Nhưng không vì thế mà để các cơ quan nhà nước thanh tra nhiều lần trong năm, sẽ làm mất thời gian của doanh nghiệp chân chính khi phải tiếp nhiều lần các đoàn thanh tra;

Để đảm bảo vừa hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, nhưng cũng vừa không bỏ sót các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh và cá nhân kinh doanh không chân chính, gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguồn thu ngân sách và người tiêu dùng. ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề nghị cần bổ sung cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra với các cơ quan khác có liên quan vào nội dung khoản 1, Điều 4 dự thảo Nghị quyết để vừa đảm bảo tính nhân văn, vừa tính khả thi của pháp luật.

Về quy định Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 01/7/2026. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế, tại khoản 6, Điều 10 Dự thảo Nghị quyết

Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, với quy định mới về việc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, sẽ giúp tăng cường công bằng trong việc nộp thuế, vì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ phải nộp thuế dựa trên thu nhập thực tế của họ; đồng thời sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong việc kê khai nộp thuế và quản lý tốt nguồn thu thuế.

Tuy nhiên, Quy định nêu trên sẽ tạo nên những bất cập cần phải được quan tâm dự báo và phải kịp thời có giải pháp tháo gỡ khi áp dụng quy định này, không để các cơ sở, hộ kinh doanh gặp phải những rào cản, khó khăn khi áp dụng các quy định pháp luật, Cụ thể là: Khi triển khai áp dụng quy định này, có khả năng sẽ tăng gánh nặng cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, vì họ sẽ phải thực hiện các thủ tục phức tạp để nộp thuế, phải có kế toán, sổ sách theo dõi… và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, họ cũng sẽ phải có kiến thức và kỹ năng tối thiểu để thực hiện các thủ tục kê khai, nộp thuế hằng tháng.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề xuất khi quy đinh này được ban hành, Chính phủ cần chỉ đạo triển khai đồng loạt các giải pháp hỗ trợ hiệu quả như:

- Tạo cơ chế hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn cung cấp thông tin rõ ràng và minh bạch về quy định và thủ tục nộp thuế để giúp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hiểu và dễ dàng thực hiện đúng các quy định về nộp thuế.

- Tăng cường áp dụng công nghệ, đặc biệt là hỗ trợ công nghệ thông tin để không những giúp cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh dễ dàng thao tác thực hiện, nhưng, mà còn giúp các cơ quan thuế dễ dàng kiểm tra và giám sát việc nộp thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh một cách dễ dàng hơn. Trong đó đặc biệt quan tâm đến triển khai giải pháp hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt cho các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

“Khi quy định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế, sẽ giúp tăng cường tính công bằng, hiệu quả và minh bạch trong việc nộp thuế, nhưng rất cần có cơ chế hỗ trợ, cung cấp thông tin rõ ràng, tăng cường công nghệ thông tin, tạo cơ chế kiểm tra và giám sát, và tăng cường hợp tác giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng hỗ trợ. Đặc biệt là đẩy mạnh triển khai giải pháp hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt cho các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Như vậy sẽ giúp cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh an tâm và mạnh dạn đăng ký thành lập doanh nghiệp” - ĐBQH Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Báo Trà Vinh Online

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/3/n-46056.html