Cơ chế thông thoáng, ưu đãi, bảo đảm công bằng, minh bạch

Thảo luận tại Tổ 6 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hà Giang, Bình Định) về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nêu rõ, cần cơ chế thông thoáng, ưu đãi để phát triển kinh tế tư nhân, bảo đảm công bằng, minh bạch.

Bảo đảm công bằng, minh bạch

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dẫn kinh nghiệm phát triển kinh tế tư nhân tại Hàn Quốc, Nhật Bản, qua đó nêu rõ, để phát triển kinh tế tư nhân cần cơ chế đột phá, thông thoáng, ưu đãi, bảo đảm công bằng, minh bạch, không phân biệt thành phần kinh tế tư nhân, Nhà nước hay vốn đầu tư nước ngoài.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu

Phó Thủ tướng cũng cho biết, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm với các dự án về đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh đã có trong Nghị quyết số 57, vậy đưa vào Nghị quyết về kinh tế tư nhân thì các thành phần kinh tế khác có được hay không?

Về Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, theo Phó Thủ tướng, quỹ này nên hình thành từ nhiều nguồn, đóng góp từ các nguồn khác nhau và làm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời phải quy định rõ hỗ trợ doanh nghiệp những vấn đề gì, như chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ hay hỗ trợ nâng cao nhân lực, thu hút công nghệ cao, giải phóng mặt bằng, khen thưởng… "Phải chi và quyết toán theo đúng quy định còn đưa vào cho vay thì không ai dám cho vay hết. Vì vậy, cần phải xem lại chính sách này, thiết kế chính sách phải khả thi", Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Đối với hỗ trợ về thuế, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, theo Phó Thủ tướng, nên quy định trong luật thuế. Trong luật thuế quy định với lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, kinh tế xanh, kinh tế số, thuế thu nhập doanh nghiệp được hỗ trợ, được miễn, thì doanh nghiệp tư nhân và nhà nước quy định như nhau.

Tại Điều 11 về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, theo Phó Thủ tướng, nên cho phép chỉ định thầu, nếu dự án không quá 20 tỷ đồng với doanh nghiệp vừa và nhỏ đấu thầu không đạt phải đấu thầu lại, như vậy thực tiễn làm rất khó. Bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ năng lực, điều kiện sẽ yếu hơn, cũng có thể phía sau có doanh nghiệp khác giật dây, đấu thầu không minh bạch. Đấu thầu không được thì doanh nghiệp lớn lại nhảy vào đấu thầu. Vì vậy phải xem xét việc chỉ định thầu luôn, ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước, cấp có thẩm quyền chỉ định thầu và không phải đấu thầu.

Cần bổ sung đối tượng hỗ trợ là đội ngũ cán bộ công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH các tỉnh

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang) cho biết, tại khoản 1 Điều 7, Phụ lục I ban hành kèm theo dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh sửa theo hướng làm rõ đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ hằng tháng theo cách tiếp cận chặt chẽ hơn, có trọng tâm, trọng điểm.

Đại biểu ghi nhận các đối tượng đã rõ, chắc chắn, có sự thống nhất cao giữa các cơ quan để bảo đảm tuân thủ đúng, thực hiện sớm chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66- NQ/TW về việc “hỗ trợ hàng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng đối với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị”.

ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang) phát biểu tại tổ, chiều 15/5

ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang) phát biểu tại tổ, chiều 15/5

Tuy nhiên, theo đại biểu Lý Thị Lan về chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Ví dụ như Phòng Công tác Quốc hội và Phòng Công tác Hội đồng Nhân dân tại các địa phương cùng một văn phòng thì Phòng Công tác Hội đồng nhân dân được hưởng rất nhiều chính sách về xây dựng nghị quyết, các chính sách của địa phương nhưng Phòng Công tác Quốc hội là bộ phận tham mưu trực tiếp cho Đoàn ĐBQH lại không được hưởng các chế độ về xây dựng nghị quyết ở tại địa phương.

Do đó, các cán bộ phòng công tác Quốc hội rất thiệt thòi mặc dù đây là bộ phận hỗ trợ trực tiếp và không thể thiếu cho hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của cả ĐBQH chuyên trách và kiêm nhiệm tại địa phương. Chất lượng công việc của Văn phòng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tham mưu, thẩm tra và hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH.

Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung nhóm đối tượng này vào dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

Tại điểm c, khoản 1, Điều 7 dự thảo Nghị quyết có quy định "Đối tượng khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định". Đại biểu Lý Thị Lan đề nghị, Chính phủ khi quy định chi tiết cần xem xét kỹ lưỡng để có chính sách đãi ngộ phù hợp, tương xứng với tính chất công việc đặc thù và áp lực của cán bộ, công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, nhằm thu hút, giữ chân và động viên đội ngũ này yên tâm công tác, cống hiến.

"Chính sách này có thể không nhất thiết phải là 100% lương như nhóm làm trực tiếp pháp luật, nhưng cần có sự vượt trội đáng kể so với chế độ chung để phản ánh đúng vị trí, vai trò hỗ trợ đặc thù của họ đối với cơ quan lập pháp và giám sát", đại biểu nhấn mạnh.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/co-che-thong-thoang-uu-dai-bao-dam-cong-bang-minh-bach-10372547.html