ĐBQH TRẦN THỊ HỒNG THANH: QUAN TÂM THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP KÍCH CẦU TIÊU DÙNG

Để thúc đẩy kinh tế tăng tốc phục hồi, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đã nêu, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tạo chuyển biến rõ nét về sức cầu tiêu dùng, cả chi tiêu công hợp lý và tiêu dùng tư nhân.

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Kết quả giải ngân các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43 cho phục hồi kinh tế còn hạn chế

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Việt Nam đang vận động trong một thế giới bất định với nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta đã có những con số ấn tượng về tăng trưởng GDP và quy mô kinh tế Việt Nam giai đoạn phục hồi sau Covid-19. Tăng trưởng GDP giai đoạn 2022 2024 ước đạt khoảng từ 6 đến 6,5%, gấp 2 lần tăng trưởng GDP bình quân thế giới và thuộc top 15 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Quy mô kinh tế năm 2023 đạt hơn 435 tỉ USD, đứng thứ 35/195 thế giới và đứng thứ 3/10 trong khu vực ASEAN.

Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác

Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác

Cùng với đó, môi trường kinh doanh được cải thiện và các cân đối đối vĩ mô lớn được đảm bảo. Nếu nhìn sâu hơn vào mức độ đóng góp của động lực tăng trưởng thì tiêu dùng bao gồm tiêu dùng của Nhà nước và tiêu dùng của dân cư, đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong đó, việc tăng chi tiêu hợp lý của Nhà nước sẽ góp phần giúp người dân có thêm tiền để chi tiêu, tăng sức mua. Các khoản hỗ trợ trợ cấp sẽ góp phần giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội. Theo đó, việc tăng chi tiêu công hợp lý song vẫn đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, an toàn tài khóa sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội và sinh kế cho người dân.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cả chi tiêu Nhà nước và tiêu dùng tư nhân vẫn còn nhiều điều đáng phải bàn. Với chi tiêu công, trong khi đầu tư công đang được thúc đẩy và có nhiều kết quả tích cực thì giải ngân các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43 cho phục hồi kinh tế, kết quả còn hạn chế, trong đó nhiều cấu phần có tỷ lệ giải ngân thấp. Sự chậm trễ này khiến khả năng lan tỏa ý nghĩa chi tiêu công giảm đáng kể, đặt ra vấn đề ở khâu thực thi luôn là điều khiến chúng ta phải băn khoăn. Về tiêu dùng tư nhân, xuất khẩu tiêu dùng dù có nhiều tín hiệu phục hồi song còn khá yếu, tăng trưởng của tiêu dùng tư nhân ước chỉ tăng 5,2 - 5,5% trong giai đoạn 2022- 2024, thấp hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Đóng góp người tiêu dùng tư nhân vào GDB có xu hướng giảm từ mức khoảng 62% đến 65 % giai đoạn 2016- 2019 xuống mức 41% năm 2023 và 57 % trong quý 1/2024. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng loại trừ yếu tố giá chỉ khoảng 60% mức tăng trung bình của cả giai đoạn trước dịch bệnh Covid-19. Cấu phần bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu bán lẻ, nhưng lại tăng thấp nhất trong 4 cấu phần. Chi tiêu lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành còn ở mức thấp dù lượng khách du lịch tăng mạnh và vượt mức trước dịch bệnh cho thấy tâm lý tiêu dùng của người dân, khách du lịch vẫn thận trọng do thu nhập giảm sút.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để có bước đột phá

Để thúc đẩy kinh tế tăng tốc phục hồi, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đã nêu trong báo cáo, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tạo chuyển biến rõ nét về sức cầu tiêu dùng, cả chi tiêu công hợp lý và tiêu dùng tư nhân. Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh kiến nghị 03 giải pháp cần tập trung thực hiện:

Một là, hiện nay các chỉ tiêu an toàn nợ công ở mức thấp và an toàn. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục sớm xem xét các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp và người dân tương tự như năm 2023, trong đó có việc giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024, giảm phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước vừa là kích cầu tiêu dùng, vừa tăng doanh thu bán hàng, qua đó tăng thu thuế.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu và đào tạo phục vụ sản xuất chip bán dẫn, chuyển đổi năng lượng. Đối với các cấu phần có tỷ lệ giải ngân thấp trong chương trình phục hồi nên sớm nghiên cứu có phương án cụ thể để điều chuyển các cấu phần còn lại này sang hỗ trợ doanh nghiệp địa phương chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, sản xuất chip, phát triển thị trường tín chỉ carbon, nhà ở xã hội, phát triển du lịch bền vững. Cùng với đó, có chính sách, giải pháp kích cầu tín dụng tiêu dùng một cách hợp lý để vừa kích cầu tiêu dùng cá nhân, vừa giảm tín dụng đen.

Hai là, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kích cầu đầu tư tư nhân, tăng niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi Nghị quyết số 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam để có bước đột phá. Cùng với đó, nên nghiên cứu đề xuất luật hóa việc bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm đổi mới sáng tạo vì cái chung.

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh mong Chính phủ có đánh giá cụ thể hơn về tình hình doanh nghiệp khi mà 4 tháng đầu năm số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại nhiều hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường để có giải pháp ứng phó phù hợp, cải thiện thực chất số liệu này; Đánh giá về các chỉ số như đổi mới sáng tạo cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, quy mô chính xác của kinh tế số, kinh tế xanh để có quyết sách cải thiện mạnh mẽ, phù hợp hơn, tốt hơn.

Ba là, phát huy vai trò của các đầu tàu kinh tế trong phát triển tiêu dùng. Đây có lẽ là câu chuyện không mới song lại đang đặt ra cấp thiết trong bối cảnh một số động lực tăng trưởng hay các vùng kinh tế trọng điểm đang có mức tăng trưởng còn khiêm tốn, làm giảm vai trò và mức đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Vì vậy, cùng với việc hoàn thiện, ban hành các quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế xã hội vùng, địa phương và các cơ chế chính sách đặc thù cho một số địa phương, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến việc thực thi hiệu quả các cơ chế chính sách liên kết vùng và cơ chế đặc thù theo các nghị quyết của Bộ Chính trị. Qua đó, phát huy tốt hơn vai trò các đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, các địa bàn tiềm năng, tăng khả năng dẫn dắt, lan tỏa tới các vùng, địa bàn khác trong việc tiên phong phát triển tiêu dùng và đầu tư tư nhân./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=87143