ĐBQH Trần Thị Thu Hằng: Quy định mức thuế suất phù hợp đối với các mặt hàng nông, lâm sản

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng: Cần quy định các sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại để làm cơ sở áp dụng.

Tham gia thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào chiều 24/6, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng dự thảo Luật chưa thiết kế một điều riêng quy định về giải thích từ ngữ. Do đó, để thống nhất cũng như áp dụng đúng các quy định trong Luật, đề nghị bổ sung thêm một điều về giải thích từ ngữ để tạo sự thống nhất chung, thuận lợi cho việc thực thi và áp dụng, như: công trình phục vụ công cộng, phiếu đóng gói, việc chưa chế biến thành các sản phẩm khác, sơ chế thông thường...

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 24/6

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 24/6

Ngoài ra, đại biểu Hằng đề nghị đơn vị soạn thảo rà soát lại nội dung của một số quy định trong dự thảo không nên quy định quá chi tiết dẫn đến thiếu sót hoặc có thể phát sinh các nội dung mới trong quá trình thực thi luật như điểm đ, e, g khoản 2 Điều 9,... hoặc quy định những nội dung không cần thiết và đã được quy định trong các luật khác như việc ”Đưa hối lộ” là hành vi bị nghiêm cấm theo Khoản 10, Điều 13 của dự thảo.

Đối với đối tượng không phải tính, nộp thuế giá trị gia tăng nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo quy định tại đoạn 2 Khoản 1, Điều 5 quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mua sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác thì không phải tính, nộp thuế giá trị gia tăng nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.”

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng: Dự thảo không nên quy định quá chi tiết dẫn đến thiếu sót hoặc có thể phát sinh các nội dung mới trong quá trình thực thi luật

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng: Dự thảo không nên quy định quá chi tiết dẫn đến thiếu sót hoặc có thể phát sinh các nội dung mới trong quá trình thực thi luật

Đại biểu đề nghị rà soát thêm sự phù hợp của quy định này với quy định tại điểm d Khoản 2, Điều 9 của dự thảo quy định mức thuế suất 5% áp dụng đối với sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, trừ sản phẩm quy định tại Khoản 1, Điều 5 của Luật này để đưa ra mức thuế suất cho phù hợp.

Đối với ngưỡng doanh thu không chịu thuế theo Khoản 25, Điều 5 của dự thảo quy định mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định. Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành thì hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế. Dự thảo lần này đã quy định mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định rõ mức doanh thu tối thiểu hàng năm là bao nhiêu và giao cho Chính phủ quy định từ mức tối thiểu đó trở lên; trong đó, lưu ý việc điều chỉnh mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh phải phù hợp với mức biến động của giá cả, tình hình sản xuất kinh doanh,...

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại hội trường chiều 24/6

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại hội trường chiều 24/6

Về thuế suất đối với sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường theo quy định tại điểm d Khoản 2, Điều 9 Dự thảo Luật, các mặt hàng này chịu thuế suất 5%. Tuy nhiên, để xác định được là chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường là rất khó vì trong luật không định nghĩa đối với hai hình thức này. Ngoài ra, một số người nộp thuế cũng lợi dụng phần chưa quy định rõ của nội dung này để lách luật, nhằm tránh thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, cần quy định các sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại để làm cơ sở áp dụng.

Bên cạnh đó, hiện nay một số địa phương có rất nhiều đơn vị kinh doanh mặt hàng nông sản (tiêu, ca cao…), chỉ cần sấy khô, phơi khô là có thể đưa vào sử dụng ngay. Do đó, cần nghiên cứu quy định mức thuế suất đối với các mặt hàng này cho phù hợp.

Tại điểm e Khoản 1, Điều 14 quy định: Đối với số thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ, cơ sở kinh doanh được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định, trừ số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Chính phủ. Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị làm rõ nội dung: không được khấu trừ. Trường hợp thuế giá trị gia tăng đủ điều kiện khấu trừ nhưng đơn vị không kê khai khấu trừ thuế mà tính vào chi phí có được hay không?.

Đức Diệu

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dbqh-tran-thi-thu-hang-quy-dinh-muc-thue-suat-phu-hop-doi-voi-cac-mat-hang-nong-lam-san-218527.html