ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN: PHÂN LOẠI ĐẤT CẦN BẢO ĐẢM THỐNG NHẤT VỚI CÁC LOẠI ĐẤT, NHÓM ĐẤT TRONG CÁC QUY HOẠCH CÓ LIÊN QUAN

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, ĐBQH Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, nội dung về phân loại đất cần rà soát, bảo đảm thống nhất với các loại đất, nhóm đất trong các quy hoạch có liên quan.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Qua nghiên cứu, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản đồng tình và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo trong việc tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời cho rằng dự thảo luật đã có nhiều đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng và khai thác đất đai hiệu quả và phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn hiện nay như: Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng đơn giản, hạn chế sự trùng lặp với các quy hoạch khác có liên quan. Các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đảm bảo công khai, minh bạch các loại dự án do Nhà nước thu hồi được cụ thể và làm rõ trách nhiệm của các cấp trong việc thu hồi, bỏ khung giá đất, làm rõ phương pháp và thẩm quyền trong việc xác định giá đất, mở rộng quyền của người sử dụng đất và hạn mức nhận quyền sử dụng đất, xử lý các tồn tại về đất đai.

Để dự thảo luật được hoàn thiện, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị dự thảo Luật giải thích bổ sung một số cụm từ như "giá đất cụ thể", “dự án khu đô thị”, “dự án khu dân cư nông thôn", "dự án khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn". Đề nghị giải thích khi nào dùng từ "đất" và khi nào dùng cụm từ "đất đai" trong dự thảo luật.

Về phân loại đất tại Điều 9, đại biểu Tiến cho rằng, việc phân loại đất cần rà soát, bảo đảm thống nhất với các loại đất, nhóm đất trong các quy hoạch có liên quan. Ví dụ theo quy hoạch sử dụng đất phân làm 3 loại đất, gồm: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng; theo quy hoạch xây dựng, gồm đất dân dụng, đất ngoài dân dụng và đất khác, trong đó chi tiết từng nhóm đất cũng có sự mâu thuẫn như: Đất có cùng mục đích, đất có mục đích công cộng, đất phát triển hạ tầng ở mỗi quy hoạch cũng có sự khác nhau... Đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu để tránh trùng lẫn.

Về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tại điểm b khoản 3 Điều 27 quy định hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp. Cũng tại điểm b khoản 1 Điều 37 đề cập tới việc chuyển đổi đất nông nghiệp. “Vấn đề đặt ra là đất ở có cùng diện tích, có cùng giá đất, cùng lô đất trong khu đô thị, khu ở có được chuyển đổi hay không? Thực tế rất nhiều đối tượng muốn được chuyển đổi, vì nhiều lý do khác nhau.”, đại biểu Tiến nêu ý kiến.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Đối với nội dung về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tại Điều 67, theo quy định tại điểm c thì dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải có quyết định phê duyệt hoặc có chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng khi thẩm định dự án đầu tư yêu cầu phải có kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Đại biểu băn khoăn: “vậy kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có trước hay chủ trương đầu tư có trước. Đây là vấn đề đang gây khó khăn cho các nhà đầu tư.”

Liên quan đến việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 73. Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị nghiên cứu theo hướng nhóm điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm thay đổi mục tiêu, chỉ tiêu sử dụng đất phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Nhóm điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà không làm thay đổi mục tiêu, chỉ tiêu sử dụng đất thì được thực hiện theo quy trình rút gọn và cần bổ sung quy định về quy trình rút gọn.

Đối với quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng tại Điều 79 khoản 27, đại biểu Tiến ủng hộ phương án 2 để nhằm phù hợp với việc Nhà nước thu hồi để tạo quỹ đất sạch dùng cho việc đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Về bố trí tái định cư tại Điều 111 khoản 4 nêu: “Hộ gia đình, cá nhân có đất ở..... khi Nhà nước thu hồi đủ điều kiện thì được bồi thường về đất theo quy định tại Điều 95 của luật này mà phải di chuyển chỗ ở thì được bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà tái định cư". Tuy nhiên, không quy định cụ thể về hình thức giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét.

Về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất tại điểm d khoản 6, đại biểu đề nghị lựa chọn phương án 1.

Liên quan đến xử lý các dự án chuyển tiếp tại Điều 254 và Điều 255, đại biểu Tiến cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung trường hợp dự án triển khai đã hoàn thành các thủ tục về đầu tư trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, nhưng hiện nay phải điều chỉnh do mở rộng các yêu cầu bắt buộc trong Luật Xây dựng, Luật Nhà ở... như yêu cầu về tỷ lệ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại trong các khu đô thị thì việc mở rộng này thực hiện theo trình tự, thủ tục dự án mới hay tiếp theo dự án cũ mà không phải làm lại các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về xử lý tồn tại đất đai, thực tế hiện nay rất nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã nộp tiền sử dụng đất ở thuộc các thời điểm khác nhau nhưng đến nay chưa được giao đất ở. “Đây là tồn tại gây bức xúc ở nhiều địa phương. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cần bổ sung.”, đại biểu Tiến nêu rõ./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=84077