ĐBQH Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa góp ý vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 11-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Tham gia góp ý vào nội dung này, ĐBQH Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) quan tâm quy định về công nhận và sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài. Đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng quy định như dự thảo Luật có thể dẫn đến cách hiểu tất cả các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài sẽ phải trải qua thủ tục kiểm tra về mặt pháp lý. Tuy nhiên cần cân nhắc cho phép các bên được tự thỏa thuận về việc sử dụng các loại chữ ký điện tử hoặc chứng thư điện tử. Bởi tôn trọng quyền tự do lựa chọn của các bên giao dịch thương mại có đặc điểm là tôn trọng tối đa quyền tự do lựa chọn của các bên, pháp luật chỉ can thiệp khi trái với quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội.
Do vậy, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị các cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng như sau: Cho phép các bên trong hoạt động thương mại được tự thỏa thuận về việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài hoặc chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài. Trong trường hợp đó chữ ký điện tử nước ngoài vẫn có giá trị xác nhận giao dịch giữa các bên. Việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài trong các hợp đồng thương mại cho mục đích giao dịch với các cơ quan Nhà nước vẫn phải thực hiện theo quy định và công nhận chữ ký điện tử ở trên.
Về dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, Điều 31 dự thảo bổ sung thêm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mới là dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu. Tuy nhiên, đại biểu Võ Mạnh Sơn nhận thấy, quy định này có nguy cơ chồng chéo, trùng lặp với dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 85/2013/NĐ-CP). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc nâng cấp toàn bộ quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP lên thành dịch vụ chứng thực dữ liệu điện tử. Đồng thời xác định rõ Bộ chuyên ngành quản lý dịch vụ này để phù hợp với nguyên tắc việc ban hành điều kiện kinh doanh phải tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ cho nhà đầu tư.
Liên quan về giao dịch điện tử giữa các cơ quan Nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung nguyên tắc cơ quan Nhà nước buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan này không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ là bản cứng thì mới tiến hành xử lý hồ sơ. Quy định về các tiêu chuẩn cụ thể tối thiểu về chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký để người dân, cơ quan Nhà nước có thể áp dụng ngay mà không cần chờ văn bản pháp luật chuyên ngành sửa đổi.
Về dữ liệu mở, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 44 theo hướng: Các dữ liệu được công khai theo quy định pháp luật được coi là nguồn dữ liệu mở, ngoại trừ các ngoại lệ. Các ngoại lệ này phải được quy định trong Nghị định hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định theo hướng các dữ liệu được công khai theo quy định pháp luật được coi là nguồn dữ liệu mở, ngoại trừ các ngoại lệ. Các ngoại lệ này phải được quy định trong Nghị định hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như trên là phù hợp. Giảm bớt thủ tục cơ quan Nhà nước công bố dữ liệu mở như dự thảo quy định.
Về xử lý vi phạm tại khoản 8 Điều 6, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị Dự thảo Luật cần có quy định cụ thể để làm rõ tính chất, mức độ vi phạm và chế tài phù hợp đối với từng mức độ vi phạm nhất định hoặc có các quy định dẫn chiếu cụ thể đến các Luật chuyên ngành về phương thức giải quyết tranh chấp đặc thù, liên quan đến việc ký kết và thực hiện giao dịch điện tử.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn cũng cho rằng Luật Giao dịch điện tử quy định về Hợp đồng điện tử và trên thực tế hợp đồng điện tử đã và đang được áp dụng để giao kết rộng rãi. Tuy nhiên, pháp luật về công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm chưa có quy định hướng dẫn các hoạt động này cho loại hình Hợp đồng điện tử dẫn đến hạn chế các bên trong quá trình lựa chọn phương thức giao kết hợp đồng. Do đó, đề nghị cần cân nhắc xem xét bổ sung thêm điều khoản nguyên tắc về công chứng, chứng thực, đăng ký hợp đồng điện tử để làm khung pháp lý cho các hoạt động này và cũng là căn cứ để sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng hoặc các văn bản pháp lý liên quan đến công chứng.