ĐBQH Võ Mạnh Sơn đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 27/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.
Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sau khi tiếp thu ý kiến của ĐBQH đã được chỉnh lý, tại dự thảo mới nhất gồm 5 chương, 34 điều.
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật, ĐBQH Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) bày tỏ thống nhất cao với phần giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, ĐBQH Võ Mạnh Sơn tham gia một số ý kiến đó là:
Điểm c, khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Phát huy trách nhiệm của công dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT theo quy định của pháp luật không chỉ là trách nhiệm của công dân mà là của toàn xã hội, không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan và có thể là trách nhiệm của cá nhân không phải công dân Việt Nam mà là người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, đề nghị biên tập nội dung này như sau: “Phát huy trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT theo quy định của pháp luật”.
ĐBQH Võ Mạnh Sơn cũng đề nghị bổ sung cụm từ “vi phạm pháp luật” vào khoản 2 Điều 6 dự thảo Luật như sau: “Lợi dụng, lạm dụng trong việc thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Lý do, việc bổ sung nội dung này là cần thiết để tránh trường hợp Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có hành vi tiếp tay, bảo kê cho các hoạt động tệ nạn xã hội ở địa bàn.
Đề nghị bổ sung cụm từ “tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình” vào tên gọi của Điều 7 dự thảo Luật cho đầy đủ với nội dung điều Luật, cụ thể như sau: "Điều 7. Hỗ trợ nắm tình hình ANTT, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình".
Theo ĐBQH Võ Mạnh Sơn, khoản 4 Điều 5, dự thảo Luật quy định: “Đối với huyện không có đơn vị hành chính cấp xã, HĐND, UBND, Công an, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) thực hiện các nhiệm vụ của HĐND, UBND, Công an, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã theo quy định của Luật này”.
Khoản 3 Điều 30 dự thảo Luật quy định: "Tại nơi không tổ chức HĐND cấp xã thì UBND cấp xã báo cáo UBND cấp huyện về kết quả tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn. HĐND cấp huyện tại nơi không tổ chức HĐND cấp xã hoặc HĐND cấp tỉnh tại nơi không tổ chức HĐND cấp xã và HĐND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này".
Đề nghị nghiên cứu, quy định lại hai khoản của 2 Điều này cho đồng bộ, thống nhất.
Tại khoản 1 Điều 15 dự thảo Luật quy định: “1. Căn cứ yêu cầu về bảo đảm ANTT ở cơ sở, Công an cấp xã có trách nhiệm tham mưu giúp UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyển chọn tổ viên Tổ bảo vệ ANTT tự phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật này”.
ĐBQH Võ Mạnh Sơn nhận thấy, nội dung của Điều 15 chính là quy định về việc tuyển chọn tổ viên Tổ bảo vệ ANTT. Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 14 Luật này chỉ quy định về việc UBND tỉnh quyết định số lượng Tổ cần thành lập và số lượng từng chức danh của Tổ bảo vệ ANTT mà không có quy định về tiêu chuẩn của Tổ viên. Do vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung lại khoản 1 Điều 15 như sau: “1. Căn cứ yêu cầu về bảo đảm ANTT ở cơ sở, Công an cấp xã, Công an huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm tham mưu giúp UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyển chọn tổ viên Tổ bảo vệ ANTT phù hợp với quy định tại Điều 13 và khoản 4 Điều 14 Luật này”.
Tại khoản 2 Điều 16 dự thảo Luật quy định: “2. Căn cứ kết quả xét tuyển, Công an cấp xã báo cáo Chủ tịch UBND cùng cấp ra quyết định thành lập Tổ bảo vệ ANTT, quyết định công nhận chức danh của Tổ bảo vệ ANTT và được niêm yết công khai”. ĐBQH Võ Mạnh Sơn đề nghị sửa đổi, bổ sung lại khoản 2 Điều 16 như sau: “2. Căn cứ kết quả xét tuyển, Công an cấp xã, Công an huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã báo cáo Chủ tịch UBND cùng cấp ra quyết định thành lập Tổ bảo vệ ANTT, quyết định công nhận chức danh của Tổ bảo vệ ANTT và được niêm yết công khai”.
Nhiệm vụ chi của Bộ Công an quy định tại Điều 25 đề nghị gộp vào Điều 28 quy định về trách nhiệm của Bộ Công an; nhiệm vụ chi của địa phương quy định tại Điều 26 gộp vào Điều 30 quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Hoặc đề nghị giao nhiệm vụ quy định các nội dung chi cho Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể (tách Điều 29 thành 2 Điều riêng), do liên quan đến việc sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách. Trên cơ sở đó, Bộ Công an và chính quyền địa phương thực hiện hiện việc lập dự toán và thanh quyết toán theo quy định.
Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể mức tối thiểu đối với các mức chi để chính quyền địa phương khó khăn về nguồn ngân sách có thể áp dụng, tránh tình trạng quy định tùy nghi dẫn đến một số địa phương sẽ không bố trí đầy đủ nguồn kinh phí này cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Ngoài ra, có thể huy động kinh phí từ nguồn xã hội để hỗ trợ, xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.