ĐBSCL đang đối mặt với mùa hạn, mặn khốc liệt
Sáng nay (27/3), tại Cần Thơ, Báo Tiền Phong phối hợp Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo 'Sống chung với hạn, mặn vùng ĐBSCL'.
Tính từ cuối năm 2015 đến nay, nhiều nơi ở cả 13 địa phương thuộc ĐBSCL đều đã bị nhiễm mặn, trong đó đã có 11/13 tỉnh, thành công bố tình trạng thiên tai hạn hán, mặn xâm nhập và đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cả vùng ĐBSCL.
Theo số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 12 năm ngoái tới nay, toàn bộ ĐBSCL gần như không mưa. Tổng lượng mưa thời gian này thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62-94%. Trong điều kiện hạn gay gắt, kéo dài, tổng lượng dòng chảy từ sông Mê Kông về bị thiếu hụt khiến ĐBSCL trải qua mùa hạn, mặn khốc liệt.
Số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho thấy, mặn xâm nhập mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Ngay từ nửa cuối tháng 11/2023, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các sông theo đỉnh triều trong ngày. Từ tháng 12 năm ngoái cho đến nay, nhiều đợt xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra, trong đó đỉnh điểm là tháng 3 này. Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 8- 13/3 với ranh mặn 4‰ vào sâu 40-66 km, có nơi sâu hơn.
Tính đến nay, mức độ mặn xâm nhập ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ so với năm 2016 – một trong những năm hạn, mặn kỷ lục ở ĐBSCL.
Riêng tại tỉnh Bến Tre, mặn xâm nhập ở mức xấp xỉ ranh mặn sâu nhất năm 2016, xâm nhập mặn trên sông Cổ Chiên đã sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016.
PGS-TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ phân tích: "Bên cạnh yếu tố tự nhiên thì yếu tố con người tác động không nhỏ trong vấn đề mặn tác động. Việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước, đất hiện nay cũng chưa phù hợp dẫn đến tình trạng sụt lún của đồng bằng; cũng như tình trạng khai thác cát lòng sông cũng dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông, tạo thuận lợi cho mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Việc chuyển đổi sử dụng đất có những nơi những chỗ chưa phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân đưa nước mặn vào sâu nội đồng".
PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung phân tích rõ, mặc dù các cơ quan chức năng đã có những giải pháp áp dụng để kiểm soát như xây dựng các hệ thống kênh rạch dẫn và trữ nước, các công trình ngăn mặn lớn ở ĐBSCL như hệ thống thủy lợi quản lộ Phụng Hiệp, hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở Bến Tre, cống đập Ba Lai, hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển ĐBSCL… tuy nhiên, tình hình mặn xâm nhập vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao và khó lường.
Chính vì thế, vấn đề đặt ra cần phải thực hiện cấp bách cũng như dài hạn là việc nâng cao nhận thức, thiết kế và triển khai chương trình hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề ứng phó với tình trạng hạn mặn cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đang rất khó khăn ở các địa phương trong vùng. Bên cạnh các biện pháp chung ở cấp vùng, mỗi địa phương trong khu vực cần thực hiện những biện pháp riêng phù hợp với điều kiện của mình.
Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh quan điểm thuận thiên. Trong đó chỉ ra, việc phát triển vùng ĐBSCL phải tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dbscl-dang-doi-mat-voi-mua-han-man-khoc-liet-post1085232.vov