ĐBSCL: Nông dân điêu đứng vì thuốc và phân bón giả
Trong khi giá thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón tăng chóng mặt, nông dân lại thêm nỗi lo chất lượng sản phẩm. Thực tế, không ít thuốc BVTV, phân bón nhập lậu kém chất lượng tràn lan...
Mối nguy từ hàng nhập lậu
Theo nhận định của cán bộ ngành nông nghiệp, thuốc BVTV nhập lậu cực kỳ nguy hiểm. Do toàn chữ viết nước ngoài, nông dân không nắm được thời hạn sử dụng nên phần lớn thuốc BVTV hết hạn sử dụng. Ngoài ra, một số mặt hàng sử dụng nhiều hoạt chất bị cấm ở Việt Nam. Thuốc BVTV được vận chuyển ở biên giới Tây Nam, sau đó các đối tượng phân phối cho các cửa hàng.
Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói, có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả. Đứng trước lợi nhuận quá lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân.
Trung tuần tháng 4-2022, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 2, thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT) và các lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Công ty TNHH TM-DV-SX Trang Điền (Công ty Trang Điền, khóm 1, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, do ông Nguyễn Phương Trí (SN 1977) làm Giám đốc.
Tại đây, lực lượng phát hiện tại Công ty Trang Điền có 80 bao nguyên liệu than bùn (40kg/bao) không nhãn hiệu, 22 bao nguyên liệu bột sắt (25kg/bao), 9 bao nguyên liệu aminoacid (20kg/bao), 158 bao phân thành phẩm nhãn mác nước ngoài (50kg/bao), 480 chai phân bón thành phẩm vi lượng Bò vàng 9999 và 2.300 bao bì nhãn mác nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra, công ty chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số bao bì nhãn mác nước ngoài; chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu đầu vào và không xuất trình được chứng nhận hợp quy, thông báo tiếp nhận hợp quy.
Tổ liên ngành cho biết, công ty từng vi phạm nhưng không sửa chữa. Trước đó, ngày 14-10-2020, UBND tỉnh An Giang ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Trang Điền số tiền 152 triệu đồng về các hành vi "kinh doanh hàng hóa trên nhãn có các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó và sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng".
Cũng thời điểm trên, lực lượng tuần tra phát hiện ôtô chở 320 chai thuốc BVTV chứa hoạt chất nằm trong danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam. Đến khu vực ấp Vĩnh Thuận (xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh phát hiện ôtô BS: 67A-137.25 do Lê Quốc Thiện (SN 1985) cầm lái chở 8 thùng giấy carton bên trong có chứa 320 chai thuốc BVTV nhãn mác nước ngoài, hiệu DECO 600SL, loại 450 ml/chai có chứa hoạt chất 2.4D nằm trong danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam. Tài xế không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa trên, đồng thời thừa nhận được người khác thuê vận chuyển số thuốc BVTV trên từ xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn) đến TP.Long Xuyên với 500.000 đồng tiền công.
Người dân lãnh đủ
Thuốc BVTV nhập lậu tràn lan, phân bón giả, phân bón kém chất lượng làm khổ người dân. UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 265 triệu đồng đối với 3 hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn do hành vi kinh doanh sản phẩm vi phạm nhãn hàng hóa, giả, kém chất lượng... tổng trị giá tang vật vi phạm gần 65.000.000 đồng. Trước đó, ngày 16 và 17-3-2022, Đội quản lý thị trường số 1 phối hợp với Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, Phòng kinh tế TP.Mỹ Tho kiểm tra 3 hộ kinh doanh trên, ghi nhận một số dấu hiệu vi phạm như phân bón có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc; chưa cung cấp được quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Đồng thời, đoàn kiểm tra lấy 3 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng.
Kết quả kiểm nghiệm phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng với chỉ tiêu chất lượng đạt từ 60% trở xuống, đáng chú ý có chỉ tiêu chỉ đạt 0,8% so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng. Ngoài ra, 3 hộ kinh doanh còn có các hành vi vi phạm như buôn bán phân bón có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa; không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam... Ngày 17-5, Chủ tịch UBND Tiền Giang đã có quyết định xử phạt một cơ sở kinh doanh tại huyện Tân Phước 180 triệu đồng, vì hành vi bán phân bón giả. Trước đó qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra lấy 1 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, mẫu phân bón này là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng vì có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, thời gian qua, cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành đã kiểm tra và phát hiện nhiều vụ vi phạm trong kinh doanh phân bón, đặc biệt có không ít sản phẩm phân bón vi phạm có chất lượng kém, phân bón giả đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua kiểm tra nhiều cửa hàng bán phân bón trên địa bàn, phát hiện nhiều lô phân bón NPK cao cấp, kali silic 61%, phân bón cao cấp 19-3-20+TE và phân bón hỗn hợp NPK BDH-2 giả và kém chất lượng. Các hàm lượng chính của những lô phân này thấp hơn rất nhiều so với quy định. Chủ nhân của những lô phân kém chất lượng này đến từ một doanh nghiệp ở Long An và hai doanh nghiệp tại TPHCM.
UBND tỉnh Vĩnh Long ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hộ kinh doanh bán phân bón vì cung cấp thông tin không trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng với số tiền 65 triệu đồng. Ngày 26-4 lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Long đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Nguyễn Nghĩa (do bà T.T.L.T, 58 tuổi làm chủ), vì có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng. Phân bón NPK Hà Lan 20-20-15 cung cấp thông tin trên nhãn hàng hóa là bổ sung vi lượng Bo, Cu, Zn, Mg nhưng thông tin về thành phần, hàm lượng dinh dưỡng ghi trong Quyết định số 644/QĐ-BVTV-PB ngày 21-6-2018 của Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật về việc công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam thì không có thể hiện thông tin trên; Buôn bán phân bón hiệu phân bón Siêu lúa 1&2 NPK 22-10-5+TE Premium không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh An Giang đã chuyển 2 vụ kinh doanh phân bón giả sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh An Giang để tiếp tục thụ lý theo quy định. Trong đó, lô phân bón gồm 150 bao (50kg/bao) NPK 16-16-8+TE của một doanh nghiệp (có địa chỉ tại TP.HCM và Long An) bị phát hiện là hàng giả. Một lô với 281 bao phân bón giả khác, gồm 167 bao phân bón NPK 16-16-8+TE và 114 bao phân bón kali silic 61% tại một cơ sở ở huyện Tịnh Biên, cũng do một doanh nghiệp khác có trụ sở tại Long An sản xuất.