ĐBSCL thoát khỏi 'vùng trũng' về giáo dục

Báo cáo về thực trạng GD-ĐT vùng ĐBSCL từ giai đoạn 2011-2020 của Bộ GD-ĐT cho thấy các chỉ số của vùng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước.

Ngày 27-2, tại TP Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị "Phát triển GD-ĐT vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Báo cáo về thực trạng GD-ĐT vùng ĐBSCL từ giai đoạn 2011-2020 của Bộ GD-ĐT cho thấy các chỉ số của vùng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước.

Tính đến năm học 2019-2020, tỉ lệ biết chữ của vùng ĐBSCL trong độ tuổi 15-60 là 93,85%; trong độ tuổi 15-35 là 97,6% (trong khi tỉ lệ này trên cả nước lần lượt là 97,85% và 99,3%). Ở cấp tiểu học, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của vùng ĐBSCL còn thấp hơn mức trung bình chung của cả nước (60,24% so với 68,11%), cấp THCS cũng thấp (54,04% so với 58,89%). Bên cạnh đó, vẫn có hiện tượng thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

ĐBSCL cần đầu tư ngân sách để nâng cao dân trí Ảnh: NGỌC TRINH

ĐBSCL cần đầu tư ngân sách để nâng cao dân trí Ảnh: NGỌC TRINH

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết ngành GD-ĐT địa phương gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng giáo viên. Cà Mau còn hơn 1.500 vị trí việc làm trong ngành giáo dục chưa tuyển được. Năm 2022, tỉnh tuyển chưa tới 200 vị trí. "Ngoài ra, tỉnh không chủ động được việc xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, việc đầu tư nặng tính xin - cho" - ông Luân nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực GD-ĐT vùng ĐBSCL giai đoạn 2010-2021 là hơn 491.549 tỉ đồng. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nhận định chi ngân sách địa phương cho GD-ĐT thấp. "Ngoài ra, mức hỗ trợ từ trung ương dành cho vùng ĐBSCL cũng thấp nên các chương trình, kế hoạch, đề án đầu tư hầu như các tỉnh ĐBSCL rất ít được đưa vào" - bà Thanh nêu thực tế.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng tuy còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng trong 10 năm trở lại đây, GD-ĐT của vùng ĐBSCL có bước tiến bứt phá.

Chất lượng giáo dục phổ thông khu vực đạt kết quả khả quan, đặc biệt là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, chất lượng đứng thứ 2 trong 6 vùng trên cả nước. "Vì vậy có thể nói ĐBSCL đã thoát khỏi "vùng trũng" về giáo dục" - ông Nguyễn Kim Sơn nhận định.

Đầu tư ngân sách để nâng cao dân trí

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng sau khi thoát khỏi "vùng trũng", ĐBSCL cần đi sâu và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và phổ thông; đẩy mạnh tỉ lệ sinh viên đại học và phát triển hệ thống các trường đại học.

"Mục tiêu nâng cao mặt bằng dân trí là yêu cầu thiết thân của ĐBSCL. Vì thế, về ngân sách, địa phương cần quan tâm hơn, nhất là thời điểm 2023 - 2024 khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đi vào trọng tâm của đổi mới. Địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành để kiến nghị, đề xuất chính sách đầu tư" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gợi ý.

Ca Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dbscl-thoat-khoi-vung-trung-ve-giao-duc-20230227213510316.htm