ĐBSCL ưu tiên nguồn vốn đầu tư công trình nước sạch phục vụ xây dựng nông thôn mới
Ngày 21/9, tại tỉnh Bạc Liêu, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng ĐBSCL. Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT dự và chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị còn có: ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi; ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu; lãnh đạo UBND, Sở NN&PTNT, Hiệp hội Cấp nước, các doanh nghiệp các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
Theo báo cáo của Cục Thủy lợi, ĐBSCL hiện có 3.928 công trình cấp nước nông thôn tập trung, số lượng công trình hoạt động bền vững khoảng 2.450 công trình (đạt 62%, tỷ lệ cao cao so với trung bình toàn quốc).
Trong đó, các tỉnh: Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu có số lượng công trình hoạt động bền vững cao từ 70-100%; các tỉnh: Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre, Long An có số lượng công trình hoạt động tương đối bền vững cao từ 40-50%.
Giá nước trong vùng ĐBSCL chưa tương ứng với giá thành sản xuất, thấp nhất là 2.000 - 3.000 đồng, cao nhất từ 11.000 - 12.000 đồng. Hiện nay, các tỉnh vẫn chưa ban hành chính sách hỗ trợ giá nước cho các công trình có giá nước thấp so với quy định.
Trước hiện tượng biến đổi khí hậu và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn nên nguồn nước ngọt vùng ĐBSCL đang có xu hướng suy giảm về trữ lượng và chất lượng. Nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt vào mùa khô, đặc biệt các tỉnh ven biển, tình hình hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn làm cho hàng ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt....
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đề ra nhiều giải pháp về đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung, nâng cao chất lượng nước sạch cho vùng ĐBSCL.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu có 115 hệ thống cấp nước tập trung ở nông thôn hoạt động hiệu quả; tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9% và tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt gần 73,3%. Toàn tỉnh có 100% xã đạt tiêu chí nước sạch trong xây dựng NTM.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất Chính phủ, Bộ NN&PTNT hỗ trợ Bạc Liêu triển khai thêm 22 công trình cấp nước nông thôn tập trung; hỗ trợ tỉnh xây dựng mô hình thí điểm thu gom, xử lý nước thải nông thôn tập trung thuộc Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam cho rằng: ĐBSCL, nhất là khu vực hạ nguồn, hạn hán, xâm ngập mặn nên nguồn nước ngọt hạn chế. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT giao Cục Thủy lợi và Văn phòng Điều phối NTM Trung ương tiếp thu ý kiến các tỉnh, thành về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện tiêu chí nước sạch nông thôn.
Đối với vấn đề xây dựng NTM, Thứ trưởng đề nghị Văn phòng Điều phối làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội về hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nước sạch nông thôn.
Đồng thời, rà soát lại, đề nghị các địa phương sử dụng nguồn NTM để đầu tư cho hạ tầng nước sạch nông thôn. Ưu tiên hỗ trợ cho các tổ khuyến nông cộng đồng ở các địa phương; cần có các mô hình trữ nước ngọt cộng đồng nhưng đạt chuẩn ở các cụm dân cư nông thôn… để xây dựng mô hình và bố trí nguồn vốn vào năm 2024.
“Các tỉnh, thành ĐBSCL cần ưu tiên ngân sách địa phương kết hợp với ngân sách Trung ương và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng công trình cấp nước tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, khu vực bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo. Bố trí kinh phí thường xuyên hàng năm cho việc duy trì thực hiện Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch nông thôn. Đẩy nhanh việc thực hiện dự án đầu tư công trình cấp nước trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo đúng tiến độ và mục tiêu của dự án…”, Thứ trưởng chỉ đạo.