Để ai cũng được quan tâm

Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy giảm dần theo lộ trình 5 năm trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính chắc chắn sẽ tác động đến nhiều đối tượng trong hệ thống chính trị. Đúng với quan điểm 'không để ai không được quan tâm', cùng với các chính sách hỗ trợ theo quy định đối với những người bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp, việc tạo việc làm, đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp với người có nhu cầu cũng được quan tâm.

Những con số thống kê được đưa ra qua quá trình rà soát, tiến hành các bước trong lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính, dự kiến cấp tỉnh sẽ giảm hơn 18.440 biên chế cán bộ, công chức so với số biên chế được cấp có thẩm quyền giao năm 2022; cấp xã sẽ giảm hơn 110.780 biên chế cán bộ, công chức so với tổng số biên chế cấp huyện và cấp xã giao năm 2022 do sắp xếp vị trí việc làm, tinh giản biên chế, nghỉ chế độ theo quy định. Cùng với đó, sẽ kết thúc hoạt động của khoảng 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Thực tế cho thấy, đa số cán bộ, công chức đều sẵn sàng ra khỏi bộ máy nếu thuộc diện sắp xếp, nghỉ trước tuổi, nhiều người trong số này cũng tự nguyện nghỉ hưu sớm. Khi thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, cán bộ, công chức sẽ được nhận hỗ trợ theo quy định với nhiều chính sách được triển khai trong thời gian qua.

Trong quá trình đó, một vấn đề được nhắc đến nhiều là không ít người vẫn còn trong độ tuổi lao động, còn sức khỏe, cần có việc làm phù hợp để ổn định cuộc sống. Nhìn về mặt lực lượng lao động, đây cũng là những người có kinh nghiệm, góp phần bổ sung lực lượng đáng kể cho thị trường lao động hiện nay. Do đó rất cần các cấp, ngành, địa phương hướng dẫn, giới thiệu việc làm, tổ chức đào tạo nghề cho những đối tượng này; không chỉ giải quyết vấn đề an sinh xã hội, mà còn góp phần phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, tránh lãng phí.

Để chuẩn bị cho vấn đề này, nhiều chương trình liên quan đến tổ chức giới thiệu việc làm, kết nối việc làm giữa DN với người lao động hoặc nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, vấn đề đào tạo, thông tin thị trường lao động, cho vay vốn đã được khởi động, triển khai. Tại Hà Nội, bên cạnh chế độ, chính sách của T.Ư, Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ đạo lập đề án về xây dựng các cơ chế, chính sách đối với các đối tượng bị tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, trong đó có chế độ, chính sách về nghỉ, tìm việc làm mới, đào tạo và đào tạo lại, bố trí công việc phù hợp... Việc có định hướng tư vấn, trao đổi cụ thể, nắm tình hình sẽ giúp người lao động sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động tốt hơn, tìm được việc làm phù hợp với trình độ kiến thức và kỹ năng.

Nhiều ý kiến nhận định, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cũng là cơ hội để định hướng lại xu hướng, nhu cầu nghề nghiệp. Do đó, vẫn rất cần sự rà soát, đánh giá sát tình hình, đúng đối tượng, để có thể xây dựng các mô hình việc làm linh hoạt; thiết kế các cơ chế, chính sách như hỗ trợ đào tạo lại nghề, ưu tiên tuyển dụng tại các DN hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ công mà không phải trả lương từ ngân sách Nhà nước... Việc hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề nghiệp không chỉ góp phần giảm áp lực thất nghiệp, mà còn thúc đẩy các ngành nghề phát triển, mở rộng thị trường lao động và tạo điều kiện đa dạng hóa nguồn nhân lực. Việc này cũng sẽ góp phần thực hiện quan điểm "không để ai không được quan tâm"; để nhận được sự đồng tình, chia sẻ, ủng hộ chủ trương chung trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy và tránh đi những băn khoăn, lo lắng.

Hà Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-ai-cung-duoc-quan-tam.705038.html