Chủ tịch Kinh Bắc đề xuất gì trong thu hút FDI từ Hàn Quốc
Chia sẻ từ thực tiễn đầu tư tại Quảng Ninh, Hưng Yên, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc Đặng Thành Tâm nhấn mạnh cần đẩy mạnh liên kết đào tạo, phát triển công nghiệp phụ trợ và định hướng đầu tư xanh để thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc.

Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc Đặng Thành Tâm . Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.
Kinh nghiệm thu hút FDI và vai trò của Quảng Ninh, Hưng Yên
Nêu nhận xét về đặc điểm dòng vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam tại hội nghị "Gặp gỡ Hàn Quốc 2025" diễn ra tại tỉnh Hưng Yên ngày 14/5 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc Đặng Thành Tâm cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế Hàn Quốc đang chịu tác động từ một số bất ổn chính trị nhất định, dòng vốn đầu tư từ quốc gia này vào Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt.
Các địa phương như Quảng Ninh đang có nhiều lợi thế để đón dòng vốn đầu tư này. Ngoài tiềm năng về kinh tế cửa khẩu thuận lợi cho các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu 100%, Quảng Ninh còn nổi bật về du lịch, một lĩnh vực mà Hàn Quốc cũng đang phát triển mạnh song song với công nghệ cao, giải trí và văn hóa. Vì vậy, khu vực này hoàn toàn có khả năng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong cả lĩnh vực du lịch lẫn sản xuất.
Từ góc độ doanh nghiệp, Kinh Bắc đã chủ động lựa chọn đầu tư vào Quảng Ninh nhờ mức thu nhập bình quân đầu người tại đây vốn cao hơn nhiều địa phương khác như Hải Dương, Thái Bình hay Hưng Yên, do đó, việc tính toán để thu hút đầu tư cần gắn với lợi thế so sánh của từng địa phương.
Trong thời gian qua, Kinh Bắc cũng thu hút đầu tư khá hiệu quả tại Hưng Yên với dự án tổ hợp khách sạn 5 sao, sân golf, khu dân cư tổng giá trị 1,5 tỷ USD hợp tác với Tập đoàn Trump Organization.
Theo ông Tâm, yếu tố quan trọng nhất để hút vốn là quyết tâm của lãnh đạo địa phương còn các doanh nghiệp như Kinh Bắc chỉ là những người thực hiện tiếp theo. Dù Hưng Yên không phải địa phương mạnh về du lịch, nhưng vẫn có thể thu hút được những tập đoàn lớn, như Tập đoàn Trump Organization đến đầu tư nhờ định hướng rõ ràng và chính sách hợp lý, từ đó có thể thấy được quyết tâm của lãnh đạo địa phương.
Phát triển công nghiệp phụ trợ và cơ hội từ thị trường Mỹ
Đề cập đến thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Hoa Kỳ nơi Việt Nam đạt kim ngạch khoảng 136 tỷ USD trong năm vừa qua, ông Tâm nhấn mạnh vai trò sống còn của việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.
Theo ông Tâm, hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn thấp chỉ khoảng hơn 30% khiến giá trị gia tăng giữ lại trong nước chưa cao, nếu nâng được tỷ lệ nội địa hóa lên khoảng 50%, giá trị gia tăng nội địa có thể đạt tới 70 tỷ USD - một con số rất đáng kể.
Với mong muốn thực hiện hóa mục tiêu này, ông Tâm cho biết Kinh Bắc đã làm việc với các doanh nghiệp Hàn Quốc, các hiệp hội và thống nhất đề xuất thành lập một quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và liên kết quốc tế
Bên cạnh việc đầu tư cho các ngành công nghiệp quan trọng, ông Tâm cũng lưu ý vấn đề nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp này.
Theo ông Tâm, khi mở rộng sản xuất và thu hút các ngành công nghệ cao, nhu cầu về nguồn nhân lực cũng tăng lên, nhưng không chỉ dừng ở lao động phổ thông mà cần đội ngũ chất lượng cao vì vậy, tại các địa phương có thu nhập cao, cần đầu tư mở rộng các trung tâm đào tạo nhân lực phù hợp với định hướng phát triển.
Ông cũng gợi mở Việt Nam cần phối hợp với các đối tác quốc tế trong việc phát triển lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, du lịch, cũng như đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. Việc liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Ông Tâm bày tỏ Kinh Bắc sẵn sàng phối hợp cùng lãnh đạo các địa phương đến Hàn Quốc kết nối với các trường đại học, thiết lập các trung tâm đào tạo công nghệ cao ngay tại Việt Nam.
Cuối cùng, ông Tâm nhấn mạnh rằng hiện nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam rất quan tâm đến phát triển bền vững, sử dụng năng lượng xanh và thân thiện môi trường. Đây cũng là xu hướng và định hướng chiến lược của Chính phủ Việt Nam. Do đó, việc các địa phương định hướng phát triển theo hướng xanh và bền vững không chỉ giúp thu hút được các nhà đầu tư chất lượng, mà còn đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài.