Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Đánh thức tiềm năng thế mạnh vùng lúa Đồng bằng sông Cửu Long

Vừa qua, tỉnh Sóc Trăng khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đánh dấu một bước tiến mới trong việc đánh thức tiềm năng của vùng lúa Cửu Long.

Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 được Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai thực hiện.

Cuối năm 2023, tại sự kiện Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang (diễn ra từ ngày 11 – 14/12/2023), Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chính thức được phát động, qua đó đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo nông dân và các cấp chính quyền địa phương trong vùng.

Đề án 1 triệu ha lúa kỳ vọng đánh thức thế mạnh còn bỏ ngỏ trong chuỗi ngành hàng sản xuất lúa gạo của vùng lúa Đồng bằng sông Cửu Long -(Ảnh: Hồng Bỉnh Hiếu).

Đề án 1 triệu ha lúa kỳ vọng đánh thức thế mạnh còn bỏ ngỏ trong chuỗi ngành hàng sản xuất lúa gạo của vùng lúa Đồng bằng sông Cửu Long -(Ảnh: Hồng Bỉnh Hiếu).

Đề án này được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường như: Nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; 1 triệu hộ được đào tạo và áp dụng canh tác bền vững và góp phần bảo vệ môi trường và giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính. Đề án có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh thức những tiềm năng, thế mạnh còn bỏ ngỏ trong chuỗi ngành hàng sản xuất lúa gạo của vùng lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Với mô hình sản xuất thí điểm, dựa trên các đặc điểm về thổ nhưỡng, khí hậu và hạ tầng nông nghiệp, năng lực canh tác của nông dân… hiện có 5 địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được lựa chọn triển khai, bao gồm: Kiên Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, TP. Cần Thơ.

Về quy mô đăng ký thí điểm, TP. Cần Thơ 50 ha, tỉnh Sóc Trăng đăng ký 2 địa điểm với tổng diện tích 689 ha; tỉnh Kiên Giang cũng có 2 địa điểm, quy mô 340 ha; tỉnh Trà Vinh 1 địa điểm, 100 ha. Còn tỉnh Đồng Tháp, sau nhiều lần thay đổi, diện tích đăng ký mô hình sản xuất thí điểm được chốt lại 50 ha.

Theo kế hoạch, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025 sẽ có diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao là 38.500ha, với 78 hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia. Đến năm 2030, diện tích canh tác là 76.000ha, với trên 100 hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia.

Đề án sẽ được triển khai tại các huyện gồm: Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Kế Sách, Long Phú, Châu Thành, Trần Đề, thị xã Ngã Năm và TP. Sóc Trăng.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Toàn tỉnh có khoảng 146.000ha đất trồng lúa với sản lượng đạt hàng năm khoảng 2 triệu tấn, phần lớn là lúa chất lượng cao, chiếm trên 97%, trong đó, lúa thơm, lúa đặc sản chiếm khoảng 56%”.

Trước đó, ngày 5/4, TP. Cần Thơ cũng đã tổ chức lễ khởi động cánh đồng 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết toàn thành phố có 78.000 ha đất trồng lúa, hằng năm gieo trồng ba vụ lúa với tổng sản lượng 1,350 triệu tấn. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp với quy mô 38.000ha và giai đoạn 2026-2030 đạt 50.000ha theo kế hoạch.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thí điểm, khảo sát tại các địa phương còn cho thấy ở thời điểm phát động, ban đầu nhiều nông dân hào hứng đăng ký tham gia nhưng sau khi tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng thì có hộ xin rút. Mặc dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu, họ chưa thật sự an tâm với quy trình canh tác và mô hình liên kết mới. Kể cả những nông dân đã tham gia thí điểm như mô hình tại xã Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ), mặc dù đã được tập huấn kỹ lưỡng nhưng khi có tình huống phát sinh cũng thấy dao động.

Do đó, để các mô hình sản xuất thí điểm của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đạt được kết quả như mong đợi, xuyên suốt quá trình triển khai rất cần có sự chỉ đạo sâu sát và công tác phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, địa phương. Từ thí điểm thành công, mô hình sẽ được áp dụng rộng rãi tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có khả năng mở rộng ra toàn quốc.

Ngân Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-danh-thuc-tiem-nang-the-manh-vung-lua-dong-bang-song-cuu-long-322263.html