Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao: Hiệu quả bước đầu triển khai
Hiện 12 tỉnh thành ở đồng bằng sông Cửu Long đã bắt tay thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh từ đây cho đến năm 2030. Để thực hiện đề án, các địa phương đã triển khai nhiều kế hoạch cụ thể, trong đó có những cách làm hay, mô hình hiệu quả, qua đó đạt được một số kết quả bước đầu. Ghi nhận tại An Giang, địa phương đăng ký tham gia đến 152.000ha trong đề án và là một trong những địa phương có sản lượng và diện tích trồng lúa lớn nhất cả nước.
Đây là cánh đồng lúa 15ha canh tác theo quy trình chất lượng cao, phát thải thấp tại xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân. Giống lúa được trồng là OM 5451 với lượng giống gieo sạ là 80kg/ha. Đây là mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra theo đề án.
Hiện đồng lúa này đang phát triển rất tốt. Tâm trạng e dè, ngán ngại ban đầu giờ gần như đã không còn trong tâm trí của người nông dân.
Nông dân cho biết, quy trình canh tác mới này không quá khó, chỉ cần một 1 - 2 vụ đã có thể thuần thục. Thực hiện theo quy trình, nông dân cắt giảm được chi phí, năng suất lúa tăng cao; không những thế, lúa còn được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hiện địa phương đã triển khai 22 mô hình với diện tích hơn 1.100ha, trong đó có 4 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của đề án. Bước đầu, các mô hình này đều có kết quả khá tốt, giúp nông dân thay đổi tập quán và tư duy, dần chuyển sang canh tác theo hướng bền vững, tuân thủ quy trình chặt chẽ.
Cánh đồng thực hiện theo đề án hiện đã được 75 ngày. Ngành chuyên môn và nông dân cho biết, cây lúa đang phát triển khá tốt và hầu như đạt tất cả các tiêu chí đề ra, ngoài ra, mỗi bông lúa cho đến 120 hạt so với 90 hạt/bông lúa của cách trồng truyền thống.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!