Để an toàn của người dân không phải chịu rủi ro theo sự cảnh báo chậm trễ

Phải 8 ngày sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, chiều ngày 5-9, UBND TP. Hà Nội có công văn 'hỏa tốc' về việc tiếp tục quan trắc, đánh giá, theo dõi ảnh hưởng ô nhiễm môi trường và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vụ cháy tại khu vực Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng chính quyền địa phương đã chưa lường hết tác hại to lớn về môi trường sau sự cố, và an toàn của người dân phải chịu rủi ro bởi sự cảnh báo chậm trễ nói trên.

 Vụ cháy nhà máy sản xuất phích nước, bóng đèn Rạng Đông. Ảnh: Tiền Phong

Vụ cháy nhà máy sản xuất phích nước, bóng đèn Rạng Đông. Ảnh: Tiền Phong

Liên quan đến sự cố cháy kho Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) vào tối ngày 28-8, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) công bố những con số chứng minh môi trường khu vực đám cháy bị nhiễm thủy ngân vượt ngưỡng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, không hề an toàn đối với sức khỏe người dân vào ngày 4-9, Sở TNMT Hà Nội đã có báo cáo, giải trình về những việc cơ quan này thực hiện từ sau khi vụ cháy được dập tắt.

Trong báo cáo, Sở TNMT Hà Nội xác định có sự sai lệch kết quả về hàm lượng thủy ngân trong không khí xung quanh khu vực Công ty Rạng Đông sau vụ cháy với kết quả của Tổng cục Môi trường. Nguyên nhân được cho là do thời điểm thực hiện quan trắc của cơ quan này khác với Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc thuộc Tổng cục Môi trường.

Trên thực tế, Bộ TNMT đã so sánh kết quả quan trắc thủy ngân với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO, và cho biết một số điểm quan trắc không khí trong khuôn viên công ty và trong nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO.

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 4-9, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân cho biết, ban đầu công ty Rạng Đông báo cáo nguồn thủy ngân có thể phát tán ra ngoài môi trường là khoảng 15,1 kg. Nhưng theo tính toán của các nhà khoa học, cần 30 mmg thủy ngân để sản xuất 1 bóng đèn huỳnh quang, 8 mmg cho 1 bóng đèn compact nên khối lượng thủy ngân phát tán là 23,2 kg. “Chúng tôi xác định số thủy ngân đã phát tán ra môi trường nằm trong khoảng 15,1-27,2 kg”, ông Nhân nói.

Về kết quả quan trắc, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân thông tin, trong 12 mẫu chất thải rắn, tro xỉ sau cháy để xác định nồng độ thủy ngân thì chỉ có duy nhất một mẫu vượt 1,3 lần quy chuẩn Việt Nam, và đó là mẫu lấy từ cống nước thải cách nhà máy 1,5 km đổ ra sông Tô Lịch. Ngoài ra, trong 8 mẫu nước thì cũng có 1 mẫu có giá trị vượt quy chuẩn 2,76 lần. Trong khi đó, có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy, vượt quy chuẩn.

Theo ông Nhân, các chất này phát tán vào không khí và môi tường xung quanh. Một phần vào nước, chảy vào sông Tô Lịch, tích tụ trầm tích ở bùn đáy. Bộ TNMT xác định phạm vi vùng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân là trong khoảng cách 500 m tính từ hàng rào nhà máy bị cháy.

Những thông tin nêu trên đã gây sự chú ý trong dư luận, bởi không chỉ cư dân đang cư trú quanh khu vực nhà máy Rạng Đông mà đại bộ phận người dân đều quan tâm đến vấn đề an toàn sức khỏe cộng đồng sau khi một lượng lớn thủy ngân phát tán ra môi trường và trông chờ vào những giải pháp quyết liệt của chính quyền. Nhiều người dân, qua các kênh truyền thông và mạng xã hội, đã bày tỏ mong muốn phải làm rõ thông tin về quy định, trách nhiệm của các ngành, các cấp chức năng trong việc đưa ra lời cảnh báo kịp thời ngay sau sự cố, chứ không phải nhiều ngày sau đó.

Báo Thanh Niên cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên của báo, bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội khóa 13, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ - môi trường, cho rằng chính quyền Hà Nội đã chưa lường hết hậu quả khủng khiếp về môi trường trong sự cố cháy tại Công ty Rạng Đông nên chưa có cách ứng phó, xử lý kịp thời.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, nhìn nhận việc chính quyền quận Thanh Xuân ra quyết định thu hồi thông báo của UBND phường Hạ Đình, và vội vã ra thông báo mọi chỉ số môi trường đều an toàn với người dân, trái ngược với kết quả chính thức mà Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố ngày 4-9, là “không ổn”. Ông Sơn cho rằng, trong sự việc này phải kiểm điểm chính các lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân, chứ không không phải kiểm điểm trách nhiệm của UBND phường Hạ Đình.

Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, qua diễn biến vụ việc những ngày vừa qua, dư luận không đồng tình với UBND quận Thanh Xuân trong việc phản ứng với thông báo của UBND phường Hạ Đình, cũng như việc đưa ra thông báo an toàn một cách một vội vã, thiếu cơ sở.

Bên cạnh đó, người dân cũng bày tỏ sự thất vọng khi chính quyền TP. Hà Nội đã chỉ đạo không kịp thời, thiếu đi những biện pháp để xử lý hiệu quả, đặc biệt trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cho người dân. Những yêu cầu đặt ra lúc này là chính quyền Hà Nội phải huy động cơ quan y tế, môi trường kiểm tra sức khỏe cho người dân và đánh giá mức độ ô nhiễm do thủy ngân phát tán vào môi trường để đưa ra biện pháp khắc phục sớm, từng bước xử lý, giải quyết cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Điều quan trọng là các chỉ số về mức độ ô nhiễm và giải pháp đưa ra cần phải công khai, minh bạch để người dân cùng bàn thảo và lựa chọn giải pháp.

Một số vị đại biểu dân cử cũng khuyến nghị đây là sự cố môi trường nghiêm trọng nên TP. Hà Nội phải có trách nhiệm, chứ không thể để chính quyền cấp dưới tự làm.

Trên thực tế, rủi ro lúc nào cũng có thể xảy ra, nhưng điều quan trọng là người dân luôn kỳ vọng và mong chờ vào việc các cơ quan chức năng nhanh chóng trong việc điều tra, xử lý vấn đề để cung cấp thông tin chính thức rõ ràng, minh bạch và kịp thời, từ đó có những giải pháp đảm bảo cuộc sống an toàn cho cộng đồng.

Yên Minh - Việt Dũng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/293737/de-an-toan-cua-nguoi-dan-khong-phai-chiu-rui-ro-theo-su-canh-bao-cham-tre-.html