Để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Áo dài là hồn cốt, phong cách, khí chất của người Việt Nam. Vì thế, nhiều đơn vị, tổ chức, các chuyên gia văn hóa đều đang bàn cách đưa trang phục này trở thành di sản văn hóa.
Ngày 7/6, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam phối hợp với câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức tọa đàm Nếp áo thanh xuân, mong muốn lan tỏa các giá trị của áo dài, tiến tới để trang phục này trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; góp phần xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tại tọa đàm, TS. Đặng Thị Bích Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, lúc đương nhiệm, bất cứ kỳ họp nào của UNESCO đều mặc áo dài. Bà thấy tự hào vì Việt Nam có trang phục rất đặc biệt, trong khi các nước đa phần mặc váy, vest.
“Mỗi lần bảo vệ một di sản nào đó của Việt Nam trước Đại hội đồng UNESCO tôi đều mặc áo dài của một nhà thiết kế, thương hiệu khác nhau. Khi di sản Việt Nam được ghi danh, trong một phút máy quay chĩa vào tôi, cả thế giới biết tới áo dài của chúng ta. Làm gì có truyền thông quảng bá nào tốt hơn thế!
Áo dài là hồn cốt, phong cách, khí chất của người Việt Nam. Cứ nói đến áo dài là nói đến Việt Nam, tôi mong rằng chúng ta sẽ tiếp bước, tự hào với trang phục truyền thống của dân tộc”, bà Liên chia sẻ.
Vì thế, bà Liên đánh giá cao ý tưởng về tọa đàm Nếp áo thanh xuân, đưa áo dài đến trường học đầu tiên trong hành trình lan tỏa trang phục này ra khắp mọi miền đất nước và quốc tế.
Bà Liên hiến kế, nên khuyến khích các trường quy định một ngày trong tuần học sinh phải mặc áo dài và một ngày mặc trang phục dân tộc của họ. Như thế, vừa lan tỏa được áo dài vừa gìn giữ phát huy bản sắc dân tộc, từ đó đóng góp vào nền công nghiệp văn hóa.
“Cứ thực hiện thí điểm việc này trong 3 năm, sau đó chúng ta tổng kết lại để có cái nhìn tổng quan, cụ thể hướng tới làm hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể”, bà Liên nói.
GS.TS. Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định, đến nay áo dài gần như đã trở thành quốc phục của Việt Nam, có thể sánh ngang kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, sườn xám của Trung Quốc. Áo dài cũng là một trong số ít từ thuần Việt được người nước ngoài sử dụng dưới dạng từ nguyên, không qua dịch thuật trong các văn bản, tương tự như phở, nem, nước mắm, nón lá... và mặc được trong mọi sự kiện của đời sống.
“Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, những quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam”, bà Loan khẳng định.
Theo bà Loan, để áo dài ngày càng phát huy giá trị trong đời sống đương đại, cần đẩy mạnh văn hóa mặc áo dài, tôn vinh, quảng bá rộng rãi trang phục này, quan trọng là đa dạng hóa đối tượng, giới tính, lứa tuổi sử dụng.
Bà Loan cho biết, việc xây dựng một hồ sơ di sản bước đầu bao giờ cũng có những khó khăn. Có nhiều bàn luận trong cộng đồng việc nếu làm hồ sơ công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể thì nên lấy mẫu áo ngũ thân của Huế dành cho cả nam và nữ. Song theo bà Loan, các mẫu trang phục lễ tân quốc tế luôn có quy định rõ ràng mặc riêng cho nam và nữ, nên lấy mẫu áo ngũ thân của Huế để bắt đầu hành trình làm hồ sơ di sản thì chưa hợp lý.
“Hợp lý và tiện sử dụng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội là mẫu áo dài của người Việt Nam bắt đầu mặc từ thời Pháp”, bà Loan chia sẻ.
Theo bà Loan, mọi khó khăn đều có cách giải quyết, quan trọng người đứng đầu có thực sự tâm huyết, có chiến lược lâu dài xây dựng hình ảnh áo dài Việt Nam.
Muốn thế, việc may, mặc, quảng bá hình ảnh áo dài phải trở thành một chính sách, chủ trương và hành động ở cấp quốc gia chứ không phải là các hoạt động đơn lẻ hay nỗ lực của một số nhà thiết kế, nhà hoạt động văn hóa và tổ chức xã hội.
Tham dự tọa đàm với vai trò Phó Giám đốc Trường quay Cổ Loa, diễn viên Minh Tiệp chia sẻ, mỗi lần dự các liên hoan phim quốc tế, đoàn Việt Nam đều diện áo dài. Khi mọi người nhìn thấy đoàn bước vào, họ biết ngay đến từ Việt Nam, hình ảnh áo dài khi đó như là bộ nhận diện quốc gia. Anh mong tương lai trang phục này sẽ được thế giới công nhận như thế.
Minh Tiệp tiết lộ, sắp tới tại Trường quay Cổ Loa sẽ quay vài bộ phim về đề tài lịch sử, chắc chắn hình ảnh áo dài Việt Nam sẽ xuất hiện trong đó.