Để bản sắc văn hóa trở thành 'mã định danh' của địa phương
Ninh Bình là vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống do các cộng đồng dân tộc sáng tạo ra trong quá trình sinh tồn, phát triển chính là những yếu tố làm nên giá trị đặc sắc riêng của địa phương. Làm thế nào để bản sắc văn hóa trở thành 'mã định danh' của địa phương? Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, sau đây là nội dung cuộc trò chuyện.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Ninh Bình được biết đến là một vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Vậy những nét văn hóa đặc sắc nào đã tạo nên giá trị riêng biệt của vùng đất kinh đô Ninh Bình xưa và nay?
Đồng chí (Đ/c) Nguyễn Mạnh Cường: Bản sắc văn hóa là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn… của một địa phương. Bản sắc văn hóa thường xuyên hun đúc, bổ sung và lan tỏa trong lịch sử để trở thành tài sản tinh thần đặc sắc, tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng và để phân biệt sự khác nhau giữa địa danh này với địa danh khác.
Ninh Bình là một vùng đất cổ, có con người cư trú từ rất sớm, từ thời tiền - sơ sử cách nay hàng vạn năm. Văn hóa Ninh Bình nằm trong không gian văn minh vùng châu thổ sông Hồng nói chung, có sự giao thoa ảnh hưởng của văn hóa châu thổ sông Mã, tiếp thu các yếu tố bên ngoài.
Nơi đây, vừa là vùng văn hóa cổ, nhưng có những vùng đất "trẻ", nơi dân cư quần tụ gần đây như Kim Sơn, Tam Điệp, nơi môi trường đất mở với nếp sống của cư dân lấn biển mang tính chất động tạo nên bản sắc cho đất và người nơi đây.
Cư dân Ninh Bình có hai dân tộc chính là Kinh và Mường, đã cùng nhau kề vai sát cánh xây dựng và bảo vệ dải đất quê hương từ thuở khai sơn phá thạch, dựng cơ đồ. Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa truyền thống và phong tục riêng nhưng đều có bản chất chung là cần cù trong lao động, dũng cảm trong đấu tranh chống thiên tai, giặc dã, gắn bó và yêu quê hương, đất nước, chất phác, giản dị, chân thành và có khí tiết.
Quá trình đó đã tích tụ và thăng hoa nhiều giá trị văn hóa, làm nên cốt cách người Ninh Bình: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Vùng đất Ninh Bình, nơi khởi phát của ba vương triều Đinh - tiền Lê - Lý với các dấu ấn lịch sử như: thống nhất giang sơn, kháng Tống - bình Chiêm và phát tích quá trình định đô ở Thăng Long, Hà Nội.
Do ở vào vị trí chiến lược ra Bắc vào Nam, vùng đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc mà dấu tích lịch sử còn để lại trong các đình, chùa, đền, miếu, từng ngọn núi, dòng sông. Đây còn là vùng đất chiến lược để tụ quân giành lại Thăng Long của triều đại Tây Sơn, là căn cứ để nhà Trần chiến thắng giặc Nguyên- Mông…
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người Ninh Bình có mặt ở khắp mọi nơi, xông pha trên những trận tuyến đầu đầy cam go, khốc liệt, kiên cường, anh dũng lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng, thống nhất đất nước.
Trong dòng chảy chung của nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng giàu bản sắc, văn hóa Ninh Bình kế thừa đầy đủ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, mang nét đặc trưng riêng có của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử.
Đó là các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người được hình thành, tích lũy, bồi đắp qua hàng nghìn năm và trao truyền đến ngày nay, hòa quyện với kết quả quá trình lao động sáng tạo, giao lưu và tiếp biến văn hóa, thể hiện trong hệ thống di sản văn hóa của tỉnh.
Di sản văn hóa hiện diện cả ở dạng văn hóa vật thể và phi vật thể khắp nơi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
PV: Có ý kiến cho rằng, di sản văn hóa chính là "điểm tựa" để Ninh Bình sáng tạo các giá trị vật chất, tinh thần mới, tạo nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội, phát triển du lịch văn hóa hướng tới xây dựng đô thị di sản. Đồng chí đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Đúng vậy, di sản chính là thế mạnh của tỉnh Ninh Bình trong phát triển kinh tế-xã hội, trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc xây dựng thương hiệu di sản văn hóa tỉnh Ninh Bình là một nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của ông cha, để di sản văn hóa có sức lan tỏa và hội tụ, tạo thành nguồn lực giúp định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương.
Ninh Bình có nhiều giá trị di sản văn hóa có giá trị nổi bật, phong phú, đa dạng, mang bản sắc của vùng đất Cố đô. Đây chính là tiềm năng để biến di sản thành "tài sản", đồng thời xây dựng, quảng bá giá trị di sản văn hóa riêng biệt đặc trưng của Ninh Bình, có tầm ảnh hưởng vùng, quốc gia và quốc tế.
Việc xây dựng thương hiệu di sản văn hóa tỉnh Ninh Bình với mục tiêu khẳng định và nâng tầm giá trị di sản văn hóa, định vị Ninh Bình trong cả nước và trên thế giới, không chỉ là vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, tươi đẹp mà còn là mảnh đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm lịch sử, địa linh nhân kiệt, đa dạng về văn hóa, con người thân thiện, mến khách.
Ninh Bình tự hào là kinh đô đầu tiên của Việt Nam thế kỷ X, nơi khai sinh Nhà nước Đại Cồ Việt, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý với các dấu ấn lịch sử oai hùng của dân tộc.
Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế như: Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động, núi Non Nước, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An...
Các giá trị văn hóa, nghệ thuật ở Ninh Bình cũng rất phong phú, trong đó nổi bật là nghệ thuật hát Chèo, hát Xẩm, hát Văn, múa Trống; dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Mường… được nhân dân lưu truyền, bảo tồn, phát huy đã khẳng định giá trị trường tồn và sức sống mãnh liệt của các loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của dân tộc.
Nghệ thuật kiến trúc qua các giai đoạn lịch sử cũng được ghi dấu trên các công trình kiến trúc văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng như Đền Thánh Nguyễn, Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ vua Lê Đại Hành, Nhà thờ đá Phát Diệm, Đền Thái Vi... các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc: Lễ hội Hoa Lư, lễ hội đền Bình Hải, lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê, lễ hội Đền Thái Vi....
Các nghề truyền thống như nghề thêu ren Ninh Hải, nghề cói Kim Sơn, nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, nghề gốm Bồ Bát... Các món ẩm thực độc đáo như thịt dê, cơm cháy, nem chua Yên Mạc, rượu Kim Sơn... ngoài giá trị kinh tế chứa đựng giá trị văn hóa qua các giai đoạn lịch sử.
Đó là tiềm năng, nguồn lực để Ninh Bình xây dựng một thương hiệu di sản văn hóa có tính nhận diện và cạnh tranh cao.
Lễ rước nước tại Lễ hội Hoa Lư. Ảnh tư liệu: Minh Quang
PV: Ngành Văn hóa và Thể thao đã có những nỗ lực gì để góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, định danh văn hóa cho tỉnh Ninh Bình?
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 10- NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.
Nghị quyết nhấn mạnh xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, kiên trì, lâu dài của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nhân dân là chủ thể sáng tạo và đội ngũ trí thức là nòng cốt. Quyết tâm xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình vừa là nguồn lực vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
Thời gian qua, cùng với các ngành, các địa phương, đơn vị khác, ngành Văn hóa và Thể thao cũng có nhiều nỗ lực để thực hiện các đề án, kế hoạch của tỉnh về phát triển văn hóa như: Đề án xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giai đoạn 2021-2030"; Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình"; Đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình"; Kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.... bước đầu đạt được kết quả tốt, văn hóa có sự khởi sắc, khơi dậy ý thức của cộng đồng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đầu tư, đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang được đầu tư trùng tu, nâng cấp phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu.
Các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện hiệu quả, đã và đang đóng góp thiết thực trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, việc xây dựng văn hóa ứng xử, lối sống của mỗi con người cũng là yếu tố không thể xem nhẹ để Ninh Bình được biết đến là điểm đến du lịch thân thiện, hiếu khách.
Do đó, có thể nói, để phát triển du lịch dựa vào nền tảng di sản và văn hóa, chúng ta cần tạo ra sự khác biệt, lan tỏa những giá trị tốt đẹp về con người. Ngành Văn hóa và Thể thao cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm gia tăng tính cố kết cộng đồng.
Từ đó, huy động sức mạnh toàn xã hội ngăn chặn sự mai một các giá trị di sản văn hóa; phát huy các giá trị nhân văn tốt đẹp cùng truyền thống của từng gia đình, dòng tộc và địa phương, góp phần xây dựng văn hóa con người Ninh Bình.
Khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc và nâng cao ý thức trách nhiệm bảo tồn di sản, để di sản thực sự sống trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Phát triển du lịch văn hóa, hướng tới xây dựng đô thị di sản… Phấn đấu, xây dựng Ninh Bình phát triển toàn diện, bền vững, giàu đẹp, văn minh, kiến thiết một không gian văn hóa mang đậm bản sắc Cố đô sạch đẹp về cảnh quan và con người hiền hòa, thân thiện, mến khách, phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của đời sống xã hội.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!