Để báo chí cách mạng luôn tiên phong, dẫn dắt dư luận

Tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí hoạt động là thông điệp mà thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhiều lần chia sẻ trên các diễn đàn hội nghị.ĐỂ BÁO CHÍ PHỤNG SỰ NHIỀU HƠN

Cụ thể ngày 13-6, phát biểu tại buổi họp mặt kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-2023), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có những lời chúc nhiều ý nghĩa trong cuối bài phát biểu, như: Chúc báo chí sống được bằng nghề và phụng sự nhiều hơn; Chúc quản lý báo chí giữ được định hướng, pháp trị đi đều chân với đức trị; Chúc chính quyền các cấp coi truyền thông là việc của mình, là một chức năng của chính quyền, tổ chức bộ máy chuyên trách về truyền thông, bố trí ngân sách hằng năm cho công tác truyền thông để đặt hàng báo chí…

Phóng viên tác nghiệp tại điểm cầu Mỹ Lợi (TX. Cò Công) trong thời điểm phong tỏa Covid-19. Ảnh: T.L

Phóng viên tác nghiệp tại điểm cầu Mỹ Lợi (TX. Cò Công) trong thời điểm phong tỏa Covid-19. Ảnh: T.L

Có thể thấy trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, báo chí cách mạng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; làm sao để thông tin của báo trở thành dòng thời sự chủ lưu, dẫn dắt, định hướng dư luận trên không gian mạng. Để làm được điều đó, việc chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu và cũng là khó khăn lớn hiện nay của các cơ quan báo chí.

Bởi việc chuyển đổi này tùy thuộc vào nhiều yếu tố, cần có sự thống nhất, hỗ trợ từ cơ quan chủ quan báo chí và các sở, ngành liên quan. Bởi nó không chỉ tùy thuộc vào tư duy phải chuyển đổi, mà còn là vấn đề kinh phí và quan trọng là con người phục vụ cho chuyển đổi số. Trong khi kinh tế báo chí, nguồn thu hiện tại là rất khó khăn với các cơ quan báo, ngay cả các cơ quan báo chí chủ lực.

Theo Bộ TT-TT, hiện nay, hằng năm chi thường xuyên cho báo chí, thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Chi đầu tư cho báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.

BÁO CHÍ CÁCH MẠNG THÌ CÁCH MẠNG PHẢI NUÔI

Để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí hoạt động, trong phát biểu của mình tại buổi họp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng thẳng thắn cho rằng: Báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi, nên quan tâm tới báo chí cách mạng nước nhà thì phải cả về định hướng chính trị, cả về con người và cả về kinh tế báo chí. Bộ trưởng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp tăng thêm 30% ngân sách đặt hàng báo chí, tăng từ dưới 0,5% lên ít nhất 0,65% chi ngân sách thường xuyên.

Rõ ràng cơ chế đặt hàng là xu thế để hướng tới việc tự chủ của các cơ quan báo chí, rất cần sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản, cùng hỗ trợ của các sở, ngành liên quan, nhằm tạo điều kiện cho báo chí cách mạng hoạt động hiệu quả.

Mới đây, Bộ TT-TT ban hành Công văn 3355 gửi các Ban Đảng Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội Trung ương; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội Nhà báo Việt Nam… về việc tăng cường điều kiện hoạt động cho cơ quan báo chí trực thuộc. Theo đó, Bộ TT-TT đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí quán triệt thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để tăng cường điều kiện cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu.

Cụ thể là Chỉ thị 09 ngày 31-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ thị 07 ngày 21-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách; căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền hiện nay.

Theo Bộ TT- TT, thời gian qua Bộ nhận được ý kiến phản ánh của cơ quan báo chí về khó khăn trong việc đảm bảo nguồn lực cho nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền và việc giao nhiệm vụ, đảm bảo điều kiện đặt hàng cho cơ quan báo chí theo quy định như: Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ…

Hiện nay, nguồn thu từ hoạt động quảng cáo và các dịch vụ khác của các cơ quan báo chí đang giảm sút, các cơ quan báo chí rất khó khăn; nhất là các cơ quan báo chí được giao tự chủ tài chính Nhóm 1, Nhóm 2 theo Nghị định 60/2021 ngày 21-6-2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Nghị định 60/2021).

Hoạt động báo chí, cơ quan báo chí luôn gắn với nhiệm vụ truyền thông chính sách, phục vụ nhiệm vụ chính trị thuộc lĩnh vực quản lý của chủ quản, vì vậy Bộ TT-TT đề nghị các cơ quan chủ quản quan tâm chỉ đạo hoạt động báo chí, bố trí tăng nguồn kinh phí trong năm 2023 và bố trí tăng dự toán kinh phí năm 2024 cho công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông chính sách cho các cơ quan báo chí trực thuộc để thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu và truyền thông chính sách, đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích được cấp phép và thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 60/2021.

Ngoài ra, để tăng nguồn kinh phí cho công tác thông tin, tuyên truyền thì phải đảm bảo các điều kiện đặt hàng cơ quan báo chí. Điều kiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đã được quy định tại Điều 12 Nghị định 32/2019 của Chính phủ, một trong các điều kiện đặt hàng là “Danh mục dịch vụ sự nghiệp công có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền ban hành làm cơ sở để đặt hàng”.

Hiện tại các cơ quan báo chí đã tiến hành xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho báo in và báo điện tử theo tinh thần Thông tư 18 của Bộ TT-TT hướng tới có đơn giá để phục vụ cho việc đặt hàng và việc xây dựng định mức này, các cơ quan báo chí rất cần sự hỗ trợ trong đóng góp, thẩm định của các sở, ngành có liên quan.

Tại Công văn 3355, Bộ TT-TT cũng đề nghị các cơ quan chủ quản tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí trực thuộc khẩn trương xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của mình trình cơ quan chủ quản ban hành quyết định định mức cụ thể để các cơ quan báo chí có thể thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu và truyền thông chính sách, đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích được cấp phép và thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 60/2021.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị xem xét bố trí dự toán giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cơ quan báo chí trực thuộc theo các điều kiện cụ thể hiện hành; tăng cường điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu và truyền thông chính sách.

DUY SƠN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202308/de-bao-chi-cach-mang-luon-tien-phong-dan-dat-du-luan-987861/