Đê bao ngăn lũ gần trăm tỉ chỉ ngăn được… lũ nhỏ!

Dự án đê bao ngăn lũ ở Đắk Lắk có tổng mức đầu tư lớn nhưng chỉ ngăn được lũ tiểu mãn, còn những cơn lũ chính mùa mưa thì... nước vẫn tràn qua đê bao bình thường.

Ngày 17-7, ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk, cho biết thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở ngành, đơn vị liên quan vừa tổ chức cuộc họp nhằm xem xét lại dự án đê bao ngăn lũ và kè chống sạt lở bờ sông ở xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk.

Tính "trật" giá hơn 5 lần

Dự án trên có tổng mức đầu tư 128 tỉ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Lắk (Ban A) làm chủ đầu tư. Mặc dù thời gian thực hiện hợp đồng hạn cuối đến ngày 31-12-2023 nhưng mới thực hiện được 12% khối lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.

Đoạn bờ kè đang được đề xuất cắt giảm nhưng vẫn giữ tổng mức đầu tư dự án

Đoạn bờ kè đang được đề xuất cắt giảm nhưng vẫn giữ tổng mức đầu tư dự án

Chưa dừng lại, mới đây chủ đầu tư đã đề xuất xin điều chỉnh dự án theo hướng cắt giảm gần 1km bờ kè nhưng vẫn giữ nguyên tổng mức đầu tư 128 tỉ đồng.

Về nguyên nhân đội vốn, theo báo cáo của Ban A, đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Thủy lợi 3 chưa tính toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) không đúng theo quy định, tạm tính khoảng 4 tỉ đồng là thiếu cơ sở.

Tiếp đến, đơn vị tư vấn thẩm tra là Công ty TNHH tư vấn xây dựng Thiên An Phát chưa thẩm tra nội dung chi phí bồi thường GPMB. Còn Ban A chưa kiểm soát tốt nội dung khái toán chi phí bồi thường GPMB trước khi trình thẩm định. Sau đó, Sở NN-PTNT thẩm định chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là 4 tỉ đồng (chênh lệch 0 đồng).

Những tấm sắt hoen gỉ nằm ngổn ngang

Những tấm sắt hoen gỉ nằm ngổn ngang

Tuy nhiên, khi Ban A ký kết hợp đồng thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Krông Pắk thì chi phí GPMB tăng lên khoảng 21,3 tỉ đồng, vượt 17,3 tỉ đồng so với phê duyệt.

Do vậy, để không vượt tổng mức đầu tư dự án, Ban A đã rà soát, đề xuất điều chỉnh giảm quy mô đầu tư kè thôn 5. Theo đó, cắt giảm đoạn kè dài 922m (trong tổng số 2.600m) với các lý do thuộc phạm vi cấp phép khai thác cát, chân kè cách mép sông khoảng 100m, đã được nâng cấp thành đường bê tông, đang khai thác đất làm gạch.

Một đoạn kè nhiều tỉ đồng đã được xây dựng

Một đoạn kè nhiều tỉ đồng đã được xây dựng

Ông Nguyễn Thành Long cho rằng các ý kiến tại cuộc họp thống nhất báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh dự án, chưa đầu tư đoạn kè 922m. Tuy nhiên, yêu cầu Ban A phải đánh giá lại tính hiệu quả của dự án. Đánh giá việc nếu điều chỉnh cắt bớt đoạn kè thì có ảnh hưởng gì đến những đoạn đã thi công hay không.

Chỉ ngăn được lũ tiểu mãn

Gói thầu đê bao ngăn lũ cánh đồng Thanh Niên dài 3km, là hạng mục chính trong tổng mức đầu tư 128 tỉ đồng của dự án. Sau 2 năm khởi công, gói thầu này mới đắp được đoạn đất khoảng 200m.

Đê bao ngăn lũ mới thi công được 200m đất

Đê bao ngăn lũ mới thi công được 200m đất

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc con sông nhỏ là những cánh đồng bạt ngàn, trải dài hàng chục km bên dưới đập thủy lợi Krông Búk Hạ. Phía bên kia đê bao cũng là cánh đồng nên có ý kiến của người dân cho rằng, ngăn bên này nước sẽ tràn về bên kia.

Báo cáo của Ban A cũng cho thấy dọc sông có nhiều khu vực thấp trũng, vùng ngập sâu thuộc xã Vụ Bổn và xã Ea Kly, là "vùng rốn ngập" của khu vực hạ du hồ Krông Búk Hạ. Chỉ cần hồ này xả lũ với lưu lượng nhỏ, khoảng 30-50m³/s kết hợp có mưa ở hạ du là đã gây ngập úng khu vực này.

Đê bao gần trăm tỉ đồng chỉ ngăn được lũ nhỏ

Đê bao gần trăm tỉ đồng chỉ ngăn được lũ nhỏ

Theo số liệu tính toán của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Thủy lợi 3, khi xảy ra lũ thì đê bao có tác dụng ngăn lũ bảo vệ cho 100ha lúa cánh đồng Thanh Niên. Ðồng thời, đối chiếu với kết quả tính toán xây dựng kịch bản lũ của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam lập thì diện tích cần bảo vệ theo mục tiêu dự án tương đồng với diện tích bị ngập khi xảy ra lũ cấp 1, lũ cấp 2 khi không có đê.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long cho biết mục tiêu của dự án là ngăn lũ tiểu mãn (thường là lũ nhỏ vào tháng 5 hàng năm). Còn mùa lũ chính vào khoảng tháng 9 hàng năm thì nước vẫn tràn qua đê bao. Lúc này cây lúa phải thích ứng, chống chịu với lũ lớn hoặc chính quyền địa phương điều chỉnh thời vụ, cây trồng cho phù hợp.

"Đê bao chủ yếu bảo vệ vụ đông xuân khoảng 100 ha mùa thu hoạch. Nhiệm vụ thế thôi còn không ngăn được lũ chính hàng năm" – ông Long khẳng định.

Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, sau hơn 7 tháng hết thời gian thi công nhưng dự án chỉ thực hiện được một khối lượng nhỏ. Ngoài 13 tỉ đồng được nghiệm thu thanh toán thì còn hơn 25 tỉ đồng tạm ứng chưa được thu hồi.

Tại dự án bờ kè, nhiều đoạn được thiết kế nằm cách bờ sông hàng trăm mét. Có những đoạn dài từ mép sông lên đến bờ kè đã được khai thác đất làm gạch, làm ruộng, độ cao đã được hạ thấp. Trong khi đó, ở mép sông cây cối mọc um tùm, rất khó xảy ra sạt lở.

Sau gần 2 năm khởi công, chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn rà soát, đánh giá lại và đề nghị cắt giảm đoạn kè dài 922 m do thấy chưa hoặc không cần thiết nhưng... giữ nguyên tổng mức đầu tư ban đầu.

Mới đây, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin về dự án. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì rà soát lại dự án và báo cáo trong tháng 7-2024.

CLIP: Đê bao ngăn lũ gần trăm tỉ chỉ ngăn được… lũ nhỏ!

Bài, ảnh, clip: Cao Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-bao-ngan-lu-gan-tram-ti-chi-ngan-duoc-lu-nho-196240717142910801.htm