Để các bài giảng lý luận chính trị gần gũi với sinh viên

Bước vào chặng đường phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của giáo dục lý luận chính trị trở nên đặc biệt quan trọng.

Nhận thức của sinh viên đa chiều hơn về vai trò, tầm quan trọng của các môn học lý luận chính trị.

Nhận thức của sinh viên đa chiều hơn về vai trò, tầm quan trọng của các môn học lý luận chính trị.

Củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng trong thế hệ trẻ

Giáo dục lý luận chính trị (LLCT) không chỉ là nhiệm vụ củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng, bồi đắp thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng cho thế hệ trẻ, mà còn là công cụ sắc bén để trang bị tư duy khoa học, phương pháp luận biện chứng, giúp nhận diện, phân tích và giải quyết những vấn đề phức tạp của thời đại.

Việc đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc có ý nghĩa sâu sắc trong việc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư khóa XI và đặt ra những định hướng quan trọng cho công tác giáo dục lý luận chính trị trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, trong những năm qua, công tác giáo dục LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là tại gần 300 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước với đa dạng các lĩnh vực quốc phòng an ninh, kinh tế, kỹ thuật, sức khỏe, giáo viên... đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi, thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn việc triển khai giảng dạy các học phần giáo dục lý luận chính trị tại Công văn số 3056/BGDĐT-GDĐH giúp các cơ sở đào tạo có sự thống nhất, đồng bộ hơn trong quá trình triển khai.

Từ năm 2021, các chương trình đào tạo được tiếp tục tổ chức rà soát thực hiện theo quy định Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT. Các chương trình, giáo trình đã được rà soát, cập nhật, đưa vào những nội dung mới, phản ánh sinh động thực tiễn công cuộc đổi mới của đất nước và các văn kiện, nghị quyết mới của Đảng.

Với sự cố gắng nỗ lực của thầy và trò, với các nền tảng của công nghệ thông tin đi sâu hơn vào cuộc sống, các phương pháp giảng dạy hiện đại tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ từ phương pháp truyền thụ một chiều sang các phương pháp dạy học tích cực. Nhiều giảng viên đã chủ động ứng dụng CNTT, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá, tạo ra không khí học tập sôi nổi và hấp dẫn hơn.

Các cơ sở đào tạo đã quan tâm hơn đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giáo dục lý luận chính trị, cả về số lượng và chất lượng. Nhiều giảng viên được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ, tham gia các khóa, lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần hình thành một đội ngũ ngày càng vững vàng về bản lĩnh chính trị, sâu sắc về chuyên môn và đổi mới về phương pháp.

 Thái độ học tập các môn lý luận chính trị chuyển từ thụ động, đối phó sang chủ động, tìm tòi.

Thái độ học tập các môn lý luận chính trị chuyển từ thụ động, đối phó sang chủ động, tìm tòi.

Yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác học tập giáo dục lý luận chính trị trong các trường đại học vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để có những giải pháp đột phá.

Thứ nhất, mặc dù chương trình giáo trình đã được cập nhật ban hành mới, nhưng vẫn tương đối nặng về lý thuyết, tính hệ thống cao nhưng tính thực tiễn và khả năng vận dụng vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống còn hạn chế. Việc thiếu hụt các học liệu tham khảo làm cho bài giảng chưa thực sự "mềm hóa" và gần gũi với sinh viên.

Thứ hai, sự đổi mới phương pháp giảng dạy chưa đồng đều ở tất cả các cơ sở đào tạo và giảng viên. Áp lực về thời lượng, sĩ số lớp học đông, và thói quen dạy - học truyền thống vẫn là những rào cản lớn. Hoạt động kiểm tra, đánh giá vẫn còn nặng về kiểm tra kiến thức ghi nhớ, chưa thực sự đánh giá được năng lực tư duy lý luận, khả năng phân tích và phản biện của sinh viên.

Thứ ba, vẫn còn tình trạng thiếu hụt giảng viên LLCT có trình độ cao, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành. Một bộ phận giảng viên còn hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn, khả năng liên hệ lý luận với các vấn đề thời sự, kinh tế - xã hội nóng hổi, làm giảm sức hấp dẫn của bài giảng. Chính sách đãi ngộ chưa đủ mạnh để thu hút và giữ chân những người thực sự tài năng và tâm huyết với giảng dạy LLCT.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ của thông tin trên không gian mạng đặt ra yêu cầu cao hơn cho các môn LLCT trong việc trang bị cho sinh viên một thế giới quan khoa học, phương pháp luận vững chắc và khả năng "tự miễn dịch" trước những thông tin xấu độc. Thái độ học tập đối phó, học để thi vẫn còn tồn tại ở một bộ phận không nhỏ sinh viên.

Để công tác học tập lý luận chính trị thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình theo hướng "tinh gọn - hiện đại - thiết thực - liên thông".

Rà soát, giảm tải những nội dung lý thuyết hàn lâm, trùng lặp, tập trung vào những nguyên lý cốt lõi, những giá trị bền vững. Cập nhật thường xuyên những vấn đề lý luận và thực tiễn mới của thế giới và đất nước, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, xã hội số, các nghiên cứu chuyên sâu về LLCT của các cơ quan chuyên ngành.

Tăng cường các nội dung, chuyên đề gắn liền với ngành nghề đào tạo của sinh viên và các vấn đề mà giới trẻ quan tâm; xây dựng kho học liệu tình huống phong phú từ thực tiễn Việt Nam. Đảm bảo tính logic, hệ thống, tránh trùng lặp giữa các môn học trong chương trình LLCT và giữa chương trình LLCT với các môn khoa học xã hội và nhân văn khác và giữa các cấp học.

Chuyển mạnh từ "dạy" sang "tổ chức học"; tăng cường các phương pháp dạy học dự án, dạy học dựa trên vấn đề, tranh luận, phản biện; xây dựng hệ sinh thái học tập số; giảm bớt các bài thi cuối kỳ nặng về ghi nhớ, tăng cường đánh giá quá trình thông qua các bài tiểu luận, bài tập nhóm, dự án nghiên cứu, các sản phẩm học tập sáng tạo.

Xác định giảng viên là nhân tố quyết định của việc đổi mới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, cần tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên LLCT vừa "hồng" vừa "chuyên. Tổ chức các chương trình bồi dưỡng thường xuyên về cả kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm hiện đại và kinh nghiệm thực tiễn; đề xuất chính sách đãi ngộ đặc thù, xứng đáng để thu hút nhân tài và tạo động lực cho đội ngũ giảng viên yên tâm công tác, cống hiến.

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-cac-bai-giang-ly-luan-chinh-tri-gan-gui-voi-sinh-vien-post741620.html