Để các chợ truyền thống luôn nhộn nhịp

Trái với hình ảnh đông đúc, rộn ràng ở các trung tâm thương mại, siêu thị, thì các chợ truyền thống ở Huế lại ảm đạm, vắng khách. Giải pháp nào để chợ truyền thống luôn nhộn nhịp là điều đáng suy ngẫm.

 Không gian của chợ truyền thống

Không gian của chợ truyền thống

Thay đổi thái độ phục vụ và chú trọng chất lượng hàng hóa

Hiện nay, các hoạt động mua, bán hàng qua kênh online phát triển mạnh; đồng thời, sự ra đời của các siêu thị, trung tâm thương mại cũng như cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp nơi đã tác động không nhỏ đến hoạt động của chợ truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Kiều (P. Thủy Châu, TX. Hương Thủy) chia sẻ, nhiều năm nay nhìn chung các chợ truyền thống có sự đầu tư về diện mạo, được tu sửa; các khu bán hàng được bố trí hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, những thay đổi về hình thức chưa đủ để chợ truyền thống giữ vững được vị thế của mình. “Nhiều tiểu thương vẫn chưa chịu thay đổi phương thức, thái độ bán hàng, đáng buồn là vẫn còn tình trạng nói thách, hét giá. Thông thường mỗi khi đến chợ mua hàng, tôi hầu như tìm đến những mối bán quen” - bà Kiều nói.

Nói về nguyên nhân dịch chuyển mua sắm từ chợ truyền thống sang những kênh mua sắm hiện đại, chị Trần Thu Huệ (P. Thủy Xuân, TP. Huế) cho biết, bây giờ số người đến chợ phần là lớn tuổi, còn những người trẻ thường chọn mua hàng qua mạng. Việc mua sắm ở các cửa hàng tiện lợi và siêu thị tiện ích hơn, không gian mua sắm hiện đại, sạch sẽ... “Hàng hóa ở siêu thị được niêm yết giá, vừa thoải mái lựa chọn và chẳng sợ nói thách như mua hàng ở chợ” - chị Huệ chia sẻ.

"Để có thể hấp dẫn được người tiêu dùng, các chợ truyền thống cần được tổ chức, nâng cấp, tạo môi trường ngăn nắp, thông thoáng, nhất là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá rõ ràng, đa dạng các hình thức bán hàng…", anh Nguyễn Thanh Hùng (P. An Cựu, TP. Huế) góp ý.

Nên cập nhật phương thức bán hàng mới

Theo anh Nguyễn Thanh Hùng, các chợ truyền thống vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với những kênh phân phối hiện đại, như siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, vì chi phí thuê mặt bằng thấp hơn, nhiều mặt hàng “thuận mua vừa bán” với người tiêu dùng… Tuy nhiên, nếu không thay đổi cung cách phục vụ, niêm yết giá cả thì việc bán lẻ truyền thống sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với cách bán lẻ hiện đại.

Trước sự cạnh tranh ngày càng lớn, thay vì duy trì cách thức bán hàng truyền thống, tiểu thương tại các chợ cần chủ động thay đổi phương thức bán hàng phù hợp. Đã có nhiều tiểu thương ở các chợ bắt đầu cung cấp thêm nhiều dịch vụ như giao hàng tận nơi, đưa các phương thức thanh toán hiện đại vào giao dịch, kết hợp bán hàng thông qua mạng xã hội…

Ông Nguyễn Văn Cừ, Trưởng Ban quản lý chợ An Lỗ (Phong Điền) chia sẻ: “Tôi tham gia quản lý ở chợ An Lỗ hơn 30 năm, nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng ế ẩm như hiện nay. Ngoài khu vực hàng thịt cá, rau củ quả còn có khách, chứ khu bán quần áo, mỹ phẩm rất vắng khách. Chúng tôi đang trăn trở nhưng rất mong các ban, ngành chức năng có những chính sách, hướng phát triển hợp lý để các chợ truyền thống phát triển theo hướng hiện đại”.

Bà Lê Thị Phương, tiểu thương chợ An Lỗ (Phong Điền) cho biết, mấy người con ở TP. Hồ Chí Minh về thăm quê kể rằng, các khu chợ truyền thống ở khu vực phía Nam hiện đã tổ chức nhiều phiên livestream bán hàng, nên hiệu quả trong việc thu hút, kết nối khách hàng rất cao. Tôi thấy hình thức này hay, nếu các chợ truyền thống ở Huế cũng tổ chức như vậy thì giúp các tiểu thương tiếp cận với hình thức bán hàng mới để tăng doanh thu.

Bà Lê Thị Hằng, Trưởng Ban quản lý chợ An Cựu (TP. Huế) thông tin: Hiện nay, tại chợ có hơn 300 hộ tiểu thương tham gia kinh doanh buôn bán với hơn 400 gian hàng. Do nhiều nguyên nhân, nhất khi các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn ra đời thì lượng khách vào chợ mua bán ít dần. Bà Hằng nhận định, chợ truyền thống vẫn sẽ là kênh mua sắm không thể thiếu của người tiêu dùng, nơi giao thương từ xưa với những nét đẹp mua bán từ lâu đời nên khó thay thế. Để duy trì phát triển, Ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền, vận động các tiểu thương thay đổi dần cách kinh doanh phù hợp với xu thế hiện nay, như mở thêm các kênh kết nối với khách hàng, tận dụng hình thức bán hàng online... Bên cạnh đó, xây dựng văn hóa kinh doanh theo hướng văn minh để giữ vững vị thế của mình.

“Chợ truyền thống không chỉ là nơi để tiểu thương mưu sinh, mà còn là những người truyền bá văn hóa, nét đẹp văn hóa của vùng đất…”, bà Hằng chia sẻ.

Thống kê từ Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 147 chợ đang hoạt động; trong đó có 4 chợ hạng nhất, 22 chợ hạng hai, còn lại là hạng ba. Dù đang trong giai đoạn cao điểm mùa du lịch nhưng sức mua sụt giảm mạnh so với cùng kỳ những năm trước.

Bài, ảnh: MINH HOÀI

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/de-cac-cho-truyen-thong-luon-nhon-nhip-143983.html