Để cách mạng kinh tế xanh về đích
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, khái niệm kinh tế xanh ngày càng được nhắc đến như một giải pháp thiết yếu cho sự phát triển bền vững.
Kinh tế xanh không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam, quốc gia đang trên đà phát triển với nhiều thách thức về môi trường. Những bước đầu tiên đã được thực hiện, nhưng để đạt được mục tiêu cuối cùng, Việt Nam cần có những chiến lược và hành động cụ thể.
Nhiều thách thức
Kinh tế xanh đang trở thành xu thế tất yếu của thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Nhận thức rõ điều này, các quốc gia trên thế giới đã, đang và sẽ đưa ra nhiều quy định, tiêu chuẩn về kinh tế xanh, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Điển hình như Liên minh châu Âu (EU) đã đề ra mục tiêu "Thỏa thuận xanh châu Âu" nhằm giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990 và đạt mức trung hòa khí thải vào năm 2050. Trung Quốc cũng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định phát triển kinh tế xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều chính sách, chương trình, dự án khuyến khích DN áp dụng mô hình kinh tế xanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Nhờ những chính sách này, Việt Nam lọt top 10 quốc gia có đầu tư năng lượng tái tạo cao nhất thế giới với tổng vốn 7,4 tỷ USD, tốc độ phát triển năng lượng tái tạo đứng thứ 4 toàn cầu.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển kinh tế xanh. Đầu tiên là vấn đề tài chính và công nghệ. Nhiều DN còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và công nghệ xanh. Thêm vào đó, hạ tầng kỹ thuật còn chưa đồng bộ, thiếu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Một thách thức lớn khác là việc thay đổi thói quen và nhận thức của cộng đồng về kinh tế xanh.
Nhiều người dân và DN vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của phát triển bền vững và vẫn duy trì các hoạt động kinh tế gây hại cho môi trường. Bên cạnh đó, khung pháp lý về kinh tế xanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng. Các quy định pháp luật chưa đầy đủ và thiếu tính đồng bộ, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án xanh. Ngoài ra, thiên tai, biến đổi khí hậu và sự thiếu hụt tài nguyên là những thách thức lớn đối với phát triển kinh tế xanh.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ
Các chuyên gia cho rằng, để đưa "con thuyền" kinh tế xanh cập bến thành công, đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả Nhà nước, DN và người dân. Vai trò của mỗi bên cần được nâng cao và đẩy mạnh hơn nữa, tạo nên một sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế xanh. Đầu tiên là hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách. Việc ban hành hệ thống pháp luật đồng bộ, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế xanh là vô cùng cần thiết. Hệ thống này bao gồm các quy định về quản lý môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo, khuyến khích đổi mới công nghệ xanh...
Song song đó, cần ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, phí, tín dụng để hỗ trợ DN tham gia kinh tế xanh. Các chính sách này cần cụ thể, minh bạch và có tính hiệu quả cao để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Về phía các DN, họ cũng cần thể hiện vai trò tiên phong trong việc áp dụng các giải pháp kinh tế xanh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các DN chủ động ứng dụng các công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu chất thải.
Việc đầu tư vào các giải pháp này tuy có thể tốn kém ban đầu nhưng sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho DN, bao gồm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời tích cực tham gia vào các chương trình, dự án kinh tế xanh do Chính phủ triển khai. Điều này không chỉ giúp DN nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế xanh.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT nhận định, việc chuyển đổi kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc trên thế giới, với công cụ là mô hình kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn không chỉ tập trung vào nền kinh tế xanh, mà còn chú trọng chuyển đổi từ nâu sang xanh và cả kinh tế nâu. Chính vì vậy, đây được coi là mô hình điển hình trên thế giới để có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và rác thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
“Tất cả những quy định toàn cầu gần đây đã làm thay đổi cấu trúc thương mại, đầu tư toàn cầu. Các yêu cầu đều đã tập trung hướng vào mục tiêu xanh nhằm ứng phó với 3 cuộc khủng hoảng hành tinh, đó là: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học. Trong bối cảnh đó, nếu DN của Việt Nam không chuẩn bị sẵn sàng sẽ không có khả năng đối mặt với tình hình mới” - PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nói.
Theo chuyên gia Nguyễn Đình Thọ, để thực hiện được cuộc cách mạng kinh tế xanh, việc xây dựng báo cáo phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc đối với DN. Ông nhấn mạnh, việc phát triển bền vững theo đúng tiêu chuẩn quốc tế là yêu cầu tất yếu để DN Việt Nam có thể tiếp tục tham gia thương mại toàn cầu. “Động lực từ DN và người dân tích cực tham gia chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi kinh tế tuần hoàn, carbon thấp sẽ giúp Việt Nam có thể tiếp tục duy trì vị trí trong 20 nước có quy mô thương mại toàn cầu lớn nhất thế giới” - PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nói.
Việt Nam cần tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để đạt được các mục tiêu quốc gia về phát triển xanh. Đây là cơ sở giúp các DN vừa và nhỏ bảo đảm thanh khoản tài chính chuỗi cung ứng, giúp hỗ trợ vốn cho các dự án hạ tầng xanh. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho những dự án đầu tư quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị; cũng như học tập kinh nghiệm phát triển xanh của các quốc gia tiên tiến để áp dụng vào Việt Nam.
Bà Trương Thị Quỳnh Vân - Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-cach-mang-kinh-te-xanh-ve-dich.html