Để cán bộ, công chức, viên chức thực sự là công bộc của nhân dân
Bài 1: Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo Tính đến thời điểm hiện tại, 100% TTHC toàn tỉnh đã được cập nhật, đăng tải trên Hệ thống dịch vụ hành chính công của tỉnh với 2.130 bộ TTHC (trong đó: số TTHC thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là: 1.325, mức độ 3 là 548). Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử đã có sự tăng lên rõ rệt. 8 tháng đầu năm 2021, số hồ sơ trực tuyến là 90.796/160.226 (đạt tỷ lệ 56,6%).
Bài 1: Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo
Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên tục có những nghị quyết, kế hoạch, giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), hướng tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, một trong những nhân tố quan trọng nhằm nỗ lực hướng tới hoàn thành mục tiêu nêu trên đã được nhấn mạnh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đó là: siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Bài 1: Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo
Thời gian qua, Hà Nam có những bước tiến quan trọng trên bảng xếp hạng các chỉ số, từ Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số CCHC (Par Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực không ngừng của tỉnh nhằm xây dựng chính quyền thân thiện, chuyên nghiệp, vì nhân dân phục vụ.
Sau hơn 3 năm thực hiện Kế hoạch hành động số 1413 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh, năm 2020, Hà Nam tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt mức điểm trung bình cao về Chỉ số PAPI với 43,45 điểm. Trong đó, tỉnh nằm trong top đầu cả nước ở các tiêu chí: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,37 điểm) và Cung ứng dịch vụ công (7,39 điểm). Các tiêu chí khác như: Công khai minh bạch (5,45 điểm), Trách nhiệm giải trình với người dân (5,02 điểm), Thủ tục hành chính công (7,52 điểm) và Quản trị điện tử (2,79 điểm) cũng nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước.
Về chỉ số Par Index, kết quả điểm số năm 2020 của tỉnh tăng 3,54 điểm so với năm 2019, tăng 2 bậc, xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố với 83,45/100 điểm nhờ một số lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực về điểm số và tăng thứ hạng, gồm: Cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. Đây là sự phản ánh thực chất, khách quan kết quả có được từ việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền, đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Ảnh:
Thanh Vân
Theo đó, các ngành, địa phương, đặc biệt là đội ngũ CBCCVC các cấp trong tỉnh đã tập trung thông tin, tuyên truyền các nội dung về CCHC để người dân, doanh nghiệp (DN) kịp thời nắm bắt và nghiên cứu, ứng dụng. Đồng thời, trong quá trình triển khai các chủ trương, chính sách, chế độ luôn quan tâm đến việc lấy ý kiến đóng góp của người dân, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm ghi nhận tầm quan trọng khi có sự tham gia của người dân vào các vấn đề chung của địa phương. Bên cạnh đó, chủ động niêm yết công khai, minh bạch các TTHC; bố trí vị trí đặt bản tin, số điện thoại lãnh đạo công khai, thuận tiện để người dân dễ thấy, dễ theo dõi. Ngoài việc thực hiện công khai tại trụ sở UBND cấp xã theo quy định, mọi thông tin liên quan đến bộ TTHC, văn bản hành chính mới ban hành đều được đăng tải đầy đủ trên cổng thông tin điện tử theo quy định để người dân, DN dễ dàng tiếp cận, nghiên cứu.
Đối với trách nhiệm giải trình với người dân, DN, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo UBND các cấp thực hiện tốt công tác tiếp công dân, bố trí đầy đủ người đúng chức trách, đủ thẩm quyền tiếp công dân; người đứng đầu cơ quan, đơn vị bảo đảm lịch trực tiếp công dân định kỳ theo quy định; thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng và có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ của đội ngũ CBCCVC trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp dân; tập trung giải quyết kiến nghị, đơn thư khiếu nại đúng thời hạn và có trách nhiệm giải trình đầy đủ với công dân về những vấn đề liên quan theo quy định...
Cũng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên mà kết quả xếp hạng Chỉ số PCI và SIPAS của tỉnh năm 2020 tiếp tục thăng hạng so với năm 2019. Năm 2020, Hà Nam xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số PCI (63,47 điểm) và xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số SIPAS (đạt tỷ lệ điểm 88,39%, tăng 0,06% tỷ lệ điểm so với năm 2019). Trong đó, 5/5 tiêu chí thành phần của SIPAS có tỷ lệ đánh giá hài lòng đều trên 80%; 6/10 tiêu chí thành phần của PCI tăng điểm, thể hiện những bứt phá mới trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, Chỉ số gia nhập thị trường của tỉnh đã tăng 25 bậc so với năm 2019 khi được các DN đánh giá tích cực về nỗ lực rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp mới đăng ký DN. Chỉ trong thời gian 1 tháng, DN đã có thể hoàn thành tất cả các TTHC để chính thức đi vào hoạt động. Tỷ lệ làm thủ tục đăng ký online cũng tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc giảm thời gian, công sức, chi phí đi lại.
Tính đến thời điểm hiện tại, 100% TTHC toàn tỉnh đã được cập nhật, đăng tải trên Hệ thống dịch vụ hành chính công của tỉnh với 2.130 bộ TTHC (trong đó: số TTHC thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là: 1.325, mức độ 3 là 548). Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử đã có sự tăng lên rõ rệt. 8 tháng đầu năm 2021, số hồ sơ trực tuyến là 90.796/160.226 (đạt tỷ lệ 56,6%).
Chia sẻ về những thuận tiện khi thực hiện thủ tục cấp lại đăng ký xe tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, anh Trần Văn Thuần (xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng) cho biết: Trước giờ tôi vẫn nghĩ làm lại giấy tờ xe sẽ mất nhiều thời gian và phức tạp về thủ tục, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của chuyên viên Sở Giao thông vận tải kết hợp với tra cứu trên mạng internet về những giấy tờ cần thiết phải có trước khi đến làm việc nên hồ sơ của tôi đã nhanh chóng được tiếp nhận. Vì nhà xa, công việc bận rộn, tôi được hướng dẫn đăng ký nhận kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, rất nhanh chóng, thuận tiện, kết quả hồ sơ sẽ được trả về tận nhà, tôi không phải mất thời gian, công sức, chi phí đi lại.
Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ nỗ lực đẩy mạnh cải cách TTHC nên thời gian thực hiện thủ tục cấp mới đăng ký DN chỉ còn không quá 2 ngày làm việc. Thông qua khảo sát, trên 95% DN khi được hỏi đều đánh giá cao việc CBCCVC phụ trách mảng đăng ký kinh doanh hướng dẫn TTHC cho DN tại bộ phận “một cửa” rất rõ ràng, đầy đủ, thể hiện rõ sự vững vàng về năng lực chuyên môn, thái độ thân thiện, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC về lĩnh vực kinh doanh. Một điểm nhấn đáng chú ý nữa là: năm 2020 Chỉ số tính năng hoạt động của chính quyền cũng tăng 9 bậc khi đa số DN đánh giá lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã rất linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân; chủ động sáng tạo trong giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến DN.
Nhìn từ các chỉ tiêu thành phần của Chỉ số SIPAS có thể thấy: người dân, DN dành sự đánh giá sự hài lòng về đội ngũ CBCCVC (với tỷ lệ điểm trung bình 89,13%). Theo đó, đa số người dân, DN cho rằng CBCCVC làm việc tại bộ phận giao dịch trực tiếp có thái độ giao tiếp đúng mực, chú ý lắng nghe ý kiến, giải thích đầy đủ câu hỏi của công dân. Việc tiếp nhận, xử lý ý kiến phản ánh, kiến nghị của công dân được đánh giá ở tỷ lệ 81,48%, cho thấy người dân, DN đã ngày càng cảm nhận rõ hơn sự thay đổi tích cực trong cách thức tiếp cận vấn đề phát sinh, cung ứng dịch vụ công, giải quyết khiếu nại, góp ý của các cấp chính quyền trong tỉnh.
Từ kết quả điều tra về từng nhóm nội dung trong các bộ chỉ số, đặc biệt là chỉ số thành phần về năng lực, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ CBCCVC có thể khẳng định: việc tạo niềm tin cho người dân mấu chốt từ yếu tố con người; trong đó, đội ngũ CBCCVC từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh phải thực sự “gần dân, sát dân, trọng dân”, thể hiện rõ thái độ, tinh thần phục vụ cũng như phải nhận thức rõ vai trò là “công bộc” của nhân dân. Như vậy, mới xây dựng được một bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.