Để cánh đồng lớn thật sự lớn

Ngay từ khi mới hình thành, mô hình cánh đồng mẫu sản xuất một giống lúa đã được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho ngành lúa gạo, phù hợp với xu thế sản xuất lớn gắn với thị trường tiêu thụ để đem lại lợi nhuận cao và phát triển bền vững. Sự kỳ vọng đó càng lớn hơn khi có chủ trương nâng cấp từ cánh đồng mẫu lên thành cánh đồng lớn, cùng kết quả bước đầu khả quan. Thế nhưng, thực tiễn cho thấy, mô hình này vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để thật sự lớn như kỳ vọng.

Với mục tiêu hình thành những vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với phương thức sản xuất tiên tiến, kỹ thuật đồng bộ nhằm gia tăng năng suất và giá trị cho hạt lúa; gắn sản xuất với tiêu thụ thông qua liên kết “4 nhà”, mô hình cánh đồng mẫu (sau này được đổi thành cánh đồng lớn - CĐL) đã xuất hiện lần đầu tiên ở Sóc Trăng vào năm 2005. Tuy nhiên, phải kể từ vụ lúa Đông - Xuân 2010 - 2011, mô hình này mới có điều kiện phát triển trên diện rộng và tăng nhanh qua từng vụ sản xuất, nhờ sự trợ giúp của tiến trình cơ giới hóa khâu thu hoạch. Thế nhưng, ngay từ khi mới khai sinh, đã có không ít ý kiến cảnh báo về tính hiệu quả và bền vững của mô hình mới này nếu không thực hiện được liên kết chuỗi giá trị một cách thực chất và hiệu quả.

Ngay từ khi có chủ trương, Sóc Trăng đã xây dựng khá nhiều mô hình cánh đồng mẫu, CĐL có hiệu quả. Ảnh: Tích Chu

Ngay từ khi có chủ trương, Sóc Trăng đã xây dựng khá nhiều mô hình cánh đồng mẫu, CĐL có hiệu quả. Ảnh: Tích Chu

Cảnh báo trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi về lý thuyết, nếu sản xuất không gắn được với tiêu thụ thì khó có khả năng phát triển bền vững được. Và thực tế cho thấy, sau 10 năm thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu và sau này là CĐL sản xuất lúa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, số lượng cánh đồng mẫu tuy có tăng lên, nhưng quy mô cũng chỉ mới dừng lại ở mức vài trăm hécta và chỉ mới có một số CĐL thực hiện được liên kết với doanh nghiệp một cách đúng nghĩa. Nói một cách khác, mô hình cánh đồng mẫu đến nay chỉ mới đạt được mục tiêu đầu tiên là xây dựng những vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, còn mục tiêu lớn hơn, xa hơn là thu hút được doanh nghiệp để tạo chuỗi liên kết và xây dựng thương hiệu thì vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Để hỗ trợ CĐL phát triển hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng phải liên kết hợp tác với sản xuất và chế biến. Trước mắt phê duyệt quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo theo hướng ưu tiên cho các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với người sản xuất lúa được làm đầu mối xuất khẩu gạo; hạn chế thấp nhất các doanh nghiệp chỉ kinh doanh thương mại tham gia xuất khẩu gạo; đồng thời có lộ trình phù hợp để thực hiện chủ trương doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2018, diện tích cánh đồng lớn tại ĐBSCL khoảng 380.000ha, chiếm 9,2% diện tích gieo trồng lúa của cả vùng, nhưng đến năm 2020, chỉ duy trì trong khoảng 140.000 - 150.000ha, tập trung nhiều nhất tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, mặc dù lợi nhuận từ CĐL luôn cao hơn bên ngoài từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là có quá ít CĐL thực hiện được liên kết chuỗi giá trị một cách thực chất và hiệu quả. Trong lần trò chuyện với chúng tôi trước đây, ông Quách Văn Quang – Giám đốc HTX Sản xuất lúa giống và Dịch vụ Vĩnh Tiền, TX. Ngã Năm chia sẻ: “HTX tôi cũng đi lên từ cánh đồng mẫu, từng được chứng nhận GlobalGAP, nhưng thật lòng mà nói, nếu chúng tôi không xây dựng được mối liên kết đầu tư, tiêu thụ với DNTN Hồ Quang Trí của kỹ sư Cua (Hồ Quang Cua - NV), không biết giữ chữ tín trong làm ăn thì cũng khó mà phát triển mạnh như ngày hôm nay được”.

Để CĐL thật sự lớn như kỳ vọng rất cần có sự tham gia của doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo. Ảnh: Tích Chu

Để CĐL thật sự lớn như kỳ vọng rất cần có sự tham gia của doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo. Ảnh: Tích Chu

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là mô hình cánh đồng mẫu, CĐL là không hiệu quả, nhưng chủ yếu chỉ mới dừng lại ở việc tiết kiệm chi phí, ứng dụng cơ giới hóa, sản xuất cùng một loại giống… chứ chưa tạo được liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị một cách thực chất và hiệu quả. Đây cũng chính là một phần nguyên nhân làm cho những cánh đồng chẳng những không lớn mà còn mất tiếng dần, nên nay hầu như ít nghe ai nhắc đến cụm từ này nữa. Gần đây, nhờ có sự hỗ trợ từ Dự án VnSAT cùng sự tham gia đầu tư xây dựng vùng lúa nguyên liệu đặc sản nên mô hình này bắt đầu có sự khởi sắc trở lại. Cụ thể, mỗi hécta lúa tham gia trong CĐL có thể giảm chi phí sản xuất 10 - 15%, sản lượng tăng 20 - 25% và người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật, hạn chế rủi ro, còn doanh nghiệp thì chủ động được nguồn nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh.

Theo Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua – nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, để tạo được liên kết “4 nhà” cơ sở đầu tiên là phải có giống tốt để có thể kéo dài, nâng cao được chuỗi giá trị sản xuất và nhất là vai trò rất quan trọng của lãnh đạo xã. Thực tế cho thấy, hầu hết những cánh đồng mẫu hay CĐL ký kết được hợp đồng tiêu thụ đều sản xuất những giống lúa đặc sản có giá trị cao như: Tài nguyên Thạnh Trị, ST5, ST20, ST24, RVT, hay một số giống lúa thơm phân khúc tầm trung khác… và thường do một đầu mối trung gian để kết nối. Kỹ sư Hồ Quang Cua phân tích: “Doanh nghiệp không thể đến trực tiếp với nông dân và chính quyền xã do họ thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Vì vậy cần có bộ phận trung gian để kết nối họ lại với nhau mới hình thành liên kết “4 nhà”, vì phần lớn những cánh đồng mẫu thực hiện được liên kết “4 nhà” thời gian qua đều không thể thiếu khâu trung gian này, mà chúng tôi tạm gọi là “Dịch vụ tư vấn khoa học công nghệ cánh đồng mẫu”. Trong mô hình liên kết này, cần xác định vai trò của lãnh đạo xã là rất quan trọng”.

Một doanh nghiệp lớn trong ngành lúa gạo ĐBSCL nhận định rằng: “Mô hình CĐL là rất tốt để doanh nghiệp liên kết xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cả về mặt chất lượng lẫn số lượng. Tuy nhiên, mối liên kết sẽ khó duy trì bền vững, lâu dài nếu doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư bảo đảm các khâu sản xuất, vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và nông dân không giữ được chữ tín”. Còn theo GS. TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, mô hình CĐL muốn thành công phải xuất phát từ thị trường. Đặc biệt là doanh nghiệp phải nắm chắc, hiểu rõ nhu cầu của thị trường, bảo đảm được đầu ra mới hợp đồng sản xuất cùng nông dân đạt hiệu quả.

Để phát huy hơn nữa mô hình CĐL trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do song phương lẫn đa phương, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, các HTX kiểu mới cần phát huy tốt hơn nữa vai trò trung gian, làm cầu nối tạo liên kết chuỗi giá trị công bằng và hiệu quả một cách chặt chẽ, thực chất giữa nông dân và doanh nghiệp, trên tinh thần tự nguyện, tự giác, cùng có lợi để cả hai có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/de-canh-dong-lon-that-su-lon-41517.html