Đề cao biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ

Trung tâm Y tế Biên Hòa (Đồng Nai) vừa ghi nhận người đàn ông 33 tuổi làm thợ chụp ảnh tự do, mắc bệnh đậu mùa khỉ. Đây là bệnh nhân đậu mùa khỉ thứ hai được phát hiện tại Đồng Nai và là ca thứ 17 trong cả nước. Các chuyên gia y tế nhận định bệnh đậu mùa khỉ đã du nhập vào Việt Nam và lưu hành trong cộng đồng, điều này khiến nhiều người lo lắng.

Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên của Việt Nam là bệnh nhân ở TPHCM đã xuất viện sau 3 tuần điều trị.

Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên của Việt Nam là bệnh nhân ở TPHCM đã xuất viện sau 3 tuần điều trị.

Đường lây gần giống HIV

Thế giới hiện ghi nhận 90.618 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 115 nước trên thế giới, trong đó có 157 trường hợp tử vong; số ca bệnh trung bình toàn cầu trong tuần gần khoảng 200 trường hợp/tuần. Hầu hết các ca bệnh tập trung tại khu vực châu Mỹ, và châu Âu. Riêng khu vực Đông Nam Á, đến nay đã ghi nhận 427 trường hợp, chủ yếu tại Thái Lan.

Về nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng, bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho rằng, người dân không nên lo lắng quá mức bởi bệnh không dễ lây lan ra cộng đồng. Đậu mùa khỉ có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc bệnh. Tuy nhiên, khác với HIV, bệnh sẽ tự thải trừ hoàn toàn virus và nhanh khỏi nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt. Đậu mùa khỉ chỉ diễn tiến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng với người suy giảm miễn dịch (AIDS, xơ gan, tiểu đường...).

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cũng cho rằng, người bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi, khi khỏi sẽ không lây truyền bệnh cho người khác, trong khi người nhiễm HIV không thể tự khỏi nên nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây lo ngại trên toàn cầu, dỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất vào ngày 11/5/2023.

Theo bác sĩ Khanh, những người có triệu chứng nghi ngờ như phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu khác như sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược,... cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục, đồng thời liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

Điều trị triệu chứng là chủ yếu

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ có thể nhận biết nếu gặp một số biểu hiện như: Sốt cao, đau cơ, hạch bạch huyết, phát ban... Thông thường, bệnh có thể kéo dài 2-4 tuần và triệu chứng bệnh có thể phát hiện sau khi cơ thể nhiễm virus từ 5-21 ngày.

Hầu hết các ca đậu mùa khi ghi nhận đều thấy rằng biểu hiện ban đầu phần lớn là sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng hạch bạch huyết và kiệt sức. Với người bệnh đã khởi phát cơn sốt phần lớn người bệnh đều nổi ban kèm ngứa ngáy 1-3 ngày. Mặt là bộ phận đầu tiên xuất hiện và sau đó sẽ lan rộng sang các bộ phận còn lại trên cơ thể. Ban đầu mụn có mủ nước sẽ chỉ xuất hiện lưa thưa nhưng sau đó sẽ phát tán và số nốt có thể đến hàng nghìn. Bên trong mỗi nốt mụn chứa đầy dịch được gọi là mủ. Khi điều trị tốt chúng sẽ dần đóng vảy và tiêu biến dần đến khi da trở lại trạng thái bình thường. Ông Phu cũng khuyến cáo người dân không nên hoang mang, cần đề cao biện pháp phòng bệnh, dự phòng cá nhân.

Theo Bộ Y tế, nguyên tắc điều trị chung của bệnh đậu mùa khỉ là giám sát và cách ly, chủ yếu điều trị triệu chứng, đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng điện giải và hỗ trợ tâm lý, dùng thuốc đặc hiệu với nhóm nguy cơ cao và theo dõi dấu hiệu chuyển nặng hoặc biến chứng.

Ở thể nhẹ, người bệnh được điều trị hạ sốt, giảm đau, chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng; theo dõi các biến chứng như viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... Bệnh nhân nặng điều trị ở khoa hồi sức, dùng các thuốc đặc hiệu như: Tecovirimat, cidofovir, brincidofovir, globulin miễn dịch (còn gọi là huyết thanh). Tecovirimat là thuốc dùng đường uống và truyền. Brincidofvir là thuốc đường uống còn cidofovir dùng để truyền tĩnh mạch. Các thuốc này dùng cho cả người lớn và trẻ em, song liều lượng khác nhau. Riêng globulin miễn dịch, Bộ Y tế yêu cầu cân nhắc tính an toàn và hiệu quả khi sử dụng cho người bệnh đậu mùa khỉ.

Về vaccine đậu mùa khỉ, lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết thế giới hiện chỉ có hai loại vaccine được Mỹ cấp phép sử dụng, đều là vaccine virus sống. Vaccine có lộ trình hai liều, tiêm cách nhau 4 tuần, dành cho người trên 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo không tiêm đại trà vaccine này, mà chỉ dùng cho nhóm nguy cơ cao. Vaccine đậu mùa và đậu mùa khỉ hiệu quả nhất nếu được tiêm trước khi tiếp xúc với virus. Các chuyên gia cũng cho rằng tiêm ngay sau khi lây nhiễm có thể ngăn ngừa bệnh hoặc làm cho các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.

WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường giám sát, truy vết tiếp xúc và quản lý các ca nhiễm. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo việc mua sắm thuốc và vaccine một cách ồ ạt, bừa bãi khi ca nhiễm còn tương đối thấp sẽ để lại tác động tiêu cực.

THANH MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/de-cao-bien-phap-phong-benh-dau-mua-khi-5741324.html