Đề cao tính năng 'bà đỡ' của chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Không thể không thừa nhận sự quan trọng của bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong việc bù đắp thu nhập cho người lao động (NLĐ) khi họ bị mất việc làm, để hỗ trợ học nghề, tìm việc làm mới phù hợp, sớm đưa NLĐ trở lại thị trường lao động. Hay nói cách khác, chính sách BHTN chính 'bà đỡ' của thị trường lao động khi NLĐ mất việc làm.

Mở rộng đối tượng tham gia BHTN thông qua việc hoàn thiện chính sách BHTN là cần thiết. (Ảnh minh họa - Nguồn: ST)

Mở rộng đối tượng tham gia BHTN thông qua việc hoàn thiện chính sách BHTN là cần thiết. (Ảnh minh họa - Nguồn: ST)

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Việc làm hiện hành cho thấy, đối tượng tham gia BHTN hiện hành chưa bao phủ đối tượng là NLĐ làm công hưởng lương và có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, như NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

Về hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, quy định tại Luật Việc làm hiện hành và các văn bản hướng dẫn về điều kiện hưởng quá chặt chẽ, hiếm khi xảy ra, do đó, người sử dụng lao động khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ này.

Đơn cử như trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, dù có quy định đặc thù, nhưng thực tế triển khai hỗ trợ không thực hiện được. Doanh nghiệp cũng không muốn lấy tiền để đào tạo, vì quy định đòi hỏi liên quan số lượng, trong khi kinh phí thấp chỉ 3 triệu/người, mặt khác, công tác kiểm tra, kiểm toán liên tục nên doanh nghiệp ngại...

Mặt khác, một số quy định tại Luật Việc làm về mức đóng, mức hưởng đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định không còn phù hợp chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW; loại trừ các trường hợp bị sa thải, bị xử lý kỷ luật vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp/hỗ trợ học nghề là chưa đúng với bản chất của BHTN…

Do đó, việc sửa đổi Luật trong đó cần chú trọng sửa đổi chính sách BHTN theo hướng hỗ trợ người sử dụng lao động và NLĐ duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động là cần thiết. Tạo điều kiện để NLĐ tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách nói chung và chính sách về BHTN nói riêng là một trong những nội dung nổi bật trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được trình Quốc hội trong chương trình Kỳ họp thứ 8.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) ở nhóm chính sách 2 hướng tới việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN thông qua việc hoàn thiện chính sách BHTN như một công cụ quản trị thị trường lao động. Ở nhóm chính sách này, đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHTN gồm: NLĐ có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất, bảo đảm thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Luật Việc làm hiện hành quy định mức đóng BHTN của NLĐ và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng. Điều này chưa bảo đảm tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng BHTN, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái hoặc khi quỹ kết dư lớn.

Do đó, dự thảo đề xuất linh hoạt mức đóng BHTN theo hướng: NLĐ đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những NLĐ đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung thêm một trường hợp không được hưởng là NLĐ bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức…

Có thể thấy, ở lần sửa đổi này, ban soạn thảo đã cố gắng xây dựng để bảo đảm BHTN thực hiện được nguyên tắc “bà đỡ” của thị trường lao động khi NLĐ mất việc làm.

H.Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/de-cao-tinh-nang-ba-do-cua-chinh-sach-bao-hiem-that-nghiep-post531660.html