Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thi hành pháp luật
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác triển khai thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực thiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành luật, nghị quyết; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong thi hành pháp luật.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ ban hành 56 văn bản
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, sau khi kết thúc các Kỳ họp của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các luật, nghị quyết đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Ở một số địa phương cũng đã và đang nghiên cứu để ban hành văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết, trong đó dự kiến phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành hữu quan để triển khai thực hiện sâu rộng đến Nhân dân tại cơ sở.
Về phổ biến các luật, nghị quyết mới được ban hành, đa số các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện lồng ghép nội dung chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến luật, nghị quyết mới trong kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024. Bên cạnh đó, đã có 27/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch, công văn hướng dẫn phổ biến các luật, nghị quyết mới. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã tổ chức các hội nghị tập huấn, biên soạn tài liệu phục vụ việc phổ biến, giới thiệu luật, nghị quyết đến người dân và doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản phối hợp với các bộ, ngành chủ trì tham mưu xây dựng luật, pháp lệnh mới biên soạn tài liệu giới thiệu 7 Luật. Bên cạnh đó, trên cơ sở nền tảng các ứng dụng báo chí trên mạng xã hội, các website, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng có những biện pháp để đẩy mạnh truyền thông, đưa nội dung luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Cụ thể, qua theo dõi, thống kê cho thấy đã có một số lượng lớn tin, bài đăng tải thông tin liên quan đến các Luật và Nghị quyết mới được thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội khóa XV.
Cũng trên cơ sở kết quả các Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm của Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết; Trong đó xác định rõ tên văn bản, nội dung giao quy định chi tiết, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp và thời hạn trình, ban hành văn bản. Để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ ban hành 56 văn bản (29 nghị định, 5 quyết định, 22 thông tư). Hiện nay, các bộ được giao chủ trì soạn thảo đang tiến hành triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với quyết tâm cao nhằm bảo đảm về tiến độ và chất lượng của văn bản.
Đối với tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao theo các Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, theo yêu cầu tại Kế hoạch số 736/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ báo cáo tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ban hành hoặc báo cáo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các nội dung được giao tại các Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Cụ thể:
Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18.1.2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Trong đó Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy và thông qua tại Kỳ họp thứ Tám); đối với 2 dự án Luật còn lại, Chính phủ đang đề xuất bổ sung vào Chương trình năm 2024 (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám và thông qua tại Kỳ họp thứ Chín).
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5.1.2024, đề ra 17 chỉ tiêu cụ thể về cải cách thủ tục hành chính các bộ, ngành, địa phương cần đạt được trong năm 2024. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 25.1.2024 ban bành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm trong năm 2024.
Chính phủ đang xem xét Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025. Sau khi xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Quyết định bổ sung Phụ lục Danh mục và phân công cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV ban hành kèm theo Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, dự kiến, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Cư trú, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Giám định tư pháp, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán, Luật Bình đẳng giới. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng mới dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi tại một số tỉnh, thành phố, dự án Luật điều chỉnh về bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật điều chỉnh về khu công nghiệp, khu kinh tế.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29.11.2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ Sáu, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu nêu tại Nghị quyết; thực hiện việc rà soát, cho ý kiến đối với các kiến nghị do các cơ quan của Quốc hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi đến sau khi Chính phủ có Báo cáo số 587/BC-CP để tổng hợp, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy.
Nội dung giao quy định chi tiết khá lớn, thời gian ban hành gấp
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành luật, nghị quyết.
Đó là, nội dung giao quy định chi tiết là khá lớn, thời gian ban hành gấp, dẫn đến khó khăn trong việc bảo đảm có hiệu lực đồng thời của văn bản quy định chi tiết với luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành. Nhiều vấn đề khó, phức tạp không thể quy định trong luật, giao xuống Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quy định chi tiết, dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức soạn thảo, ban hành.
Hoạt động phổ biến các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới tại một số bộ, ngành, địa phương còn triển khai chưa kịp thời. Nguồn lực đảm bảo cho công tác thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật, cán bộ pháp chế còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc. Kinh phí dành cho công tác xây dựng pháp luật mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng còn hạn chế, chưa tương xứng với khối lượng công việc phải thực hiện trong công tác xây dựng và triển khai thi hành pháp luật.
Tổ chức soạn thảo, ban hành 56 văn bản quy định chi tiết đúng tiến độ, chất lượng
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp sau:
Ban hành theo thẩm quyền kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết. Tăng cường quán triệt văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức được giao tham mưu, tổ chức thi hành luật, nghị quyết, nhất là những luật có nhiều nội dung mới, phức tạp như: Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông, Luật Căn cước…
Tổ chức soạn thảo, ban hành 56 văn bản quy định chi tiết đúng tiến độ, chất lượng, bảo đảm văn bản quy định chi tiết có cùng hiệu lực với văn bản được quy định chi tiết nhằm sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.
Các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình soạn thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua cần kết hợp xử lý các nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong Báo cáo số 587/BC-CP và trong các đợt rà soát trước đây mà chưa xử lý, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tham mưu, thực hiện nghiêm túc, toàn diện các nội dung tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 liên quan đến rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành luật, nghị quyết; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong thi hành pháp luật.
Quan tâm bố trí hợp lý các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, biên chế và các điều kiện cần thiết khác để triển khai thi hành luật, nghị quyết bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
Về đề xuất, kiến nghị, nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết, Chính phủ đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội một số nội dung sau:
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét cho ý kiến, thông qua các luật, nghị quyết bảo đảm khoảng thời gian có hiệu lực của luật, nghị quyết để Chính phủ, các cơ quan có liên quan có đủ thời gian ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã tham gia xây dựng các luật, nghị quyết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết.
Ủy ban Pháp luật phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng Đề án Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.