Đề cao trách nhiệm trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô

Chiều 28/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 07 chương và 54 điều. Trong đó, về phạm vi điều chỉnh và bố cục, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền Thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.

Về mô hình tổ chức chính quyền, trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị quyết số 97 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, theo đó, không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố. Ngoài ra, liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, dự thảo Luật phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù.

Về điều khoản thi hành, dự thảo Luật dự kiến thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô là từ ngày 01/01/2025, trừ 07 nội dung cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 53 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 để các cơ quan có thời gian ban hành văn bản quy định chi tiết.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Thùy Linh - Dương Dung - Hoàng Hương

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/de-cao-trach-nhiem-trong-xay-dung-bao-ve-phat-trien-thu-do-223665.htm