Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng - Vấn đề lý luận và thực tiễn, đó là Tọa đàm khoa học do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức sáng 4/9, tại Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tại Tọa đàm, Tiến sỹ Nguyễn Thái Học, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, người đứng đầu có vị trí, vai trò rất quan trọng, đôi khi là có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng. Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tệ nạn này thời gian qua là: Quyết tâm chính trị là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, nếu không có sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu, quyết tâm chính trị không thể trở thành hiện thực.

Cần những giải pháp mang tính đột phá

Nêu những chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, Tiến sỹ Nguyễn Thái Học cho rằng, ở nhiều nơi, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này chưa được phát huy tốt, có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Đáng chú ý là vẫn còn tình trạng người đứng đầu chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng; có trường hợp nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí bao che cho các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, hoặc tiếp tay cho tham nhũng…

Thời gian qua, số vụ tham nhũng được chỉ đạo phát hiện, xử lý trong nội bộ cơ quan, đơn vị chưa phản ánh được thực trạng tình hình tham nhũng. Qua sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy, từ năm 2016 đến nay, cả nước phát hiện 1.121 vụ án, 2.473 bị can tham nhũng, trong đó chỉ có 38 vụ với 44 người có hành vi sai phạm liên quan đến tham nhũng được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị cũng chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý. 5 năm qua, cả nước chỉ có 140 người đứng đầu bị đề nghị xử lý trách nhiệm, trong đó đã xử lý hình sự 8 người, xử lý kỷ luật 82 người.

“Tình hình này đặt ra yêu cầu cần phải có những giải pháp đột phá để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần tạo nên sự chuyển biến đồng bộ, toàn diện hơn nữa công tác này trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thái Học chỉ rõ.

Nhất quán phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí

GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Cho rằng cần phải nghiên cứu, vận dụng các quan điểm của Mác - Ăng ghen, Lê Nin và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong đấu tranh với căn bệnh quan liêu, tham nhũng, Tiến sỹ Cẩm Thị Lai, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chỉ rõ: Việc nghiên cứu các quan điểm, tư tưởng này càng có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay bởi hệ thống chính trị của nước ta là do Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện.

Các tổ chức Đảng là thiết chế tổ chức thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trên tất cả các phương diện. Vì vậy, các tổ chức Đảng có vai trò, trách nhiệm chính trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt khi mà bối cảnh hệ thống chính trị ở nước ta, chủ thể của hành vi tham nhũng chủ yếu là các đảng viên - những người nắm giữ hầu hết các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước. Cấp ủy Đảng là tập hợp những đảng viên ưu tú được tổ chức đảng và đảng viên tín nhiệm bầu lên để đại diện thay cho họ, thay cho tổ chức đảng thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức, gánh vác những công việc của đảng, tổ chức giữa hai kỳ đại hội. Cấp ủy có trách nhiệm chính trong mọi hoạt động của tổ chức đảng, bao gồm hoạt động phòng, chống tham nhũng.

Điều đó cũng có nghĩa là cần xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy đảng trong mối liên hệ với tổ chức đảng nói chung và người đứng đầu cơ quan, tổ chức nói riêng trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến tham nhũng…, Tiến sỹ Cẩm Thị Lai đóng góp ý kiến.

Theo Tiến sỹ Cẩm Thị Lai, cần gắn chặt hơn vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng và quan liêu, lãng phí, bởi đây là những tệ nạn thường đi liền với nhau, là hệ quả của nhau, phải tiến hành đồng thời, không thể tách rời nhau.

Giữa chốn sinh tử, chọn tuyển người tài

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nhấn mạnh cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay vừa là nơi hiểm nguy, vừa là chốn sinh tử, Tiến sỹ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: Muốn lấy người cần cho công việc, muốn lựa lấy nhân tài cho đại sự thì đại cuộc chống tham nhũng chính là trận tuyến khắc nghiệt nhất, xứng đáng qua đó vừa để thanh lọc đội ngũ, vừa để thẩm xét, lựa chọn nhân tài, nhất là người đứng đầu.

Theo Tiến sỹ Nhị Lê, cùng với việc chỉnh đốn bộ máy và cơ chế, cần phải sửa đổi tư duy làm đầu. Không thể sửa sai những lỗi lầm bằng “những thứ tư duy đã đẻ ra nó”. Chống tham nhũng càng phải vậy. Trong rất nhiều vấn đề, phải gắn chống tham nhũng với chống lãng phí, nếu không mới chống tham nhũng “một nửa”. Lãng phí là “cái ô”, là “lô cốt” để tham nhũng núp bóng, cố thủ và hoành hành. Mặt khác, phải định lượng trách nhiệm để từ đó kiểm soát quyền lực cả kinh tế, chính trị, đạo đức, xã hội.

Đổi mới việc thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực, thông qua cơ chế này để kiểm soát bộ máy của toàn hệ thống chính trị từ Đảng tới mỗi thành viên, kiểm soát theo hướng không sót, không lọt một ai. Đây chính là cái gốc, động lực để đổi mới thể chế hiện nay. Và người đứng đầu ở tất cả các cấp trong hệ thống chính trị, trước hết là các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Bộ Chính trị, phải thật sự nêu gương và có trách nhiệm - Tiến sỹ Nhị Lê nêu ý kiến.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/de-cao-vai-tro-trach-nhiem-cua-nguoi-dung-dau-cac-cap-trong-phong-chong-tham-nhung-20200904134657976.htm