Để cây sắn vùng biên phát triển bền vững
Những năm gần đây, cây sắn đang được xem là 'cây thoát nghèo' đối với bà con huyện Mường Lát. Để cây sắn phát triển bền vững, tránh những rủi ro đòi hỏi chính quyền địa phương cần có định hướng lâu dài, gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm ổn định.
![Nhiều diện tích sắn ở huyện Mường Lát chậm thu hoạch do giá thấp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_361_51468681/b9e37b394a77a329fa66.jpg)
Nhiều diện tích sắn ở huyện Mường Lát chậm thu hoạch do giá thấp.
Thời điểm này đang là vụ thu hoạch sắn của bà con ở huyện vùng biên Mường Lát. Trên các tuyến đường, sắn được bà con tập kết chờ thu mua. Thay vì tâm lý hồ hởi, vui mừng, nhiều người dân tỏ vẻ rầu rĩ khi chúng tôi hỏi về giá sắn năm nay. Gia đình ông Mua Seo Vư ở bản Nàng 2, xã Mường Lý, cho biết: "Niên vụ 2023-2024, sắn có giá thu mua từ 2.000 đồng/kg trở lên, thậm chí cao điểm lên đến 2.900 đồng/kg. Nhưng sang niên vụ 2024-2025, giá thu mua sắn hiện tại chỉ từ 1.200 - 1.500 đồng/kg. Do giá sắn xuống thấp khiến cho việc thu hoạch chậm hơn so với mọi năm, việc này ảnh hưởng ít nhiều đến cơ cấu mùa vụ mới".
Thấy lợi nhuận từ cây sắn vụ trước mang lại cao nên niên vụ 2024-2025, gia đình anh Giàng A. H. ở bản Nàng 1, xã Mường Lý đã mở rộng diện tích trồng với hy vọng tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, giá sắn năm nay “tụt dốc”, thương lái thu mua kén chọn khiến gia đình anh gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Anh H. nói: “Việc không liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra khiến cho gia đình gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào cánh thương lái. Bên cạnh đó, việc thu mua, thanh quyết toán của thương lái với các hộ dân trồng sắn cũng không được sòng phẳng khi tình trạng nợ tiền, chậm trả tiền cho bà con diễn ra thường xuyên”.
Xã Mường Lý - địa phương có diện tích trồng sắn nhiều nhất huyện Mường Lát với 1.076ha. Cây sắn được trồng ở 15/15 bản của xã. Tuy nhiên, diện tích mà bà con có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và Vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) chỉ khoảng hơn 300ha. Việc không liên kết đầu ra ổn định khiến các hộ dân trồng sắn ở xã Mường Lý có nguy cơ gặp nhiều rủi ro cao.
Theo ông Lê Hữu Chuân, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý, cho biết: "Năm nay diện tích trồng sắn của xã tăng cao. Đây là diện tích bà con tự mở rộng, không có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và Vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh nên đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Để diện tích sắn sau thu hoạch của bà con không bị tồn, chính quyền xã đã đấu mối với phía Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và Vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh để hỗ trợ thu mua. Đồng thời, đề nghị phía công ty mở rộng hơn nữa diện tích liên kết bao tiêu sắn cho người dân trong những vụ tới".
![Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và Vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) thu mua sắn nguyên liệu cho bà con huyện Mường Lát.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_361_51468681/3832fce8cda624f87db7.jpg)
Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và Vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) thu mua sắn nguyên liệu cho bà con huyện Mường Lát.
Trao đổi với ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, cho biết: "Cây sắn chủ yếu được trồng xen canh với đất rừng sản xuất tại các xã Trung Lý, Mường Lý, Pù Nhi và Tam Chung... với tổng diện tích hơn 3.000ha. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1.600ha là có hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Để cây sắn phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch, huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện tốt việc tìm kiếm, liên kết bao tiêu sản phẩm, nhằm đảm bảo ổn định về giá cả, đầu ra cho bà con. Sở dĩ giá sắn năm nay thấp là do diện tích trồng sắn tăng cao, trong khi thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn".
"Việc phát triển cây sắn một cách đại trà, không liên kết đầu ra tiềm ẩn nhiều rủi ro với người trồng, đặc biệt là tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, việc mở rộng diện tích một cách ồ ạt dẫn đến những nguy cơ về xâm hại đất rừng, phá vỡ vùng quy hoạch cây trồng, hoặc phát triển ở những vùng có diện tích đồi núi cao, dốc, đất đai không phù hợp dẫn đến năng suất thấp, việc chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế không cao. Để cây sắn phát triển bền vững, huyện Mường Lát đã quy hoạch những vùng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trồng sắn. Đồng thời, khuyến cáo bà con trong việc chuyển đổi cây trồng phù hợp. Bên cạnh cây sắn cần hướng đến những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như măng tre bát độ; cây giang, cây trẩu, cây tếch... tránh những rủi ro trong việc được mùa, mất giá" - ông Thắng trao đổi thêm.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/de-cay-san-vung-bien-phat-trien-ben-vung-239540.htm