Để chè Hà Nội tiến ra thế giới

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 2.000ha trồng chè, chủ yếu ở các xã miền núi, đồi gò, với sản lượng hơn 20.000 tấn/năm. Mặc dù diện tích cũng như sản lượng chè của Hà Nội khá lớn, song kim ngạch xuất khẩu lại khiêm tốn, đòi hỏi ngành Nông nghiệp Thủ đô có kế hoạch tái canh cây chè, đẩy mạnh xuất khẩu.

Mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì). Ảnh: Huyền Đào

Mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì). Ảnh: Huyền Đào

Còn hạn chế trong chế biến

Xã Ba Trại (huyện Ba Vì) là vùng trồng chè nổi tiếng của Hà Nội. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cây chè phát triển trên các vùng đồi Ba Trại được đánh giá cao về chất lượng và còn được gọi bằng cái tên “Đệ nhất trà Hà thành”, với hương thơm tự nhiên, vị đậm đà khác biệt.

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại Nguyễn Tạ Tấn cho biết, với hơn 470ha trồng chè, Ba Trại là xã có diện tích trồng chè lớn nhất thành phố. 9/10 thôn của Ba Trại đã được thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề chế biến chè búp khô truyền thống. Năng suất bình quân chè Ba Trại đạt 8,5 tấn/ha, nhiều hộ chăm sóc tốt, sản lượng chè có thể đạt tới 10-12 tấn/ha và tổng sản lượng chè xã Ba Trại đạt hơn 5.000 tấn/năm.

Trên thị trường, “Chè búp khô Ba Trại” đang được bán với mức giá từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm chè của Ba Trại được phân phối đến khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. “Chè Ba Trại được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và môi trường. Năm 2021, sản phẩm “Chè sạch Ba Trại” được công nhận đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao”, ông Nguyễn Tạ Tấn thông tin.

Mặc dù chất lượng tốt như vậy, nhưng khi đề cập đến việc xuất khẩu chè, người trồng chè ở Ba Trại vẫn còn nhiều băn khoăn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại Đinh Công Phu cho hay, nông dân Ba Trại coi cây chè là cây trồng “làm giàu” của mình và mong muốn đưa chè Ba Trại ra thị trường thế giới. “Nếu được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nhất là khâu sơ chế, chế biến, thì chè Ba Trại hoàn toàn có thể xuất khẩu. Bởi, có những giống chè của Ba Trại còn được đánh giá ngon như các sản phẩm chè đặc sản của Hà Giang, Thái Nguyên”, ông Đinh Công Phu chia sẻ.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều vùng trồng chè trên địa bàn Thủ đô. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, dù tổng diện tích lớn, song quy mô sản xuất chè ở các địa phương nhỏ lẻ, bình quân khoảng 0,1-0,2ha/hộ, khó khăn trong việc tiếp cận với các thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại và chứng nhận sản phẩm an toàn. Đáng chú ý, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất chè còn hạn chế.

Toàn thành phố mới có 356ha/2.005ha chè ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chiếm khoảng 10,2% diện tích, trong đó có 30ha ứng dụng đồng bộ công nghệ cao; 186ha sử dụng giống mới giá trị và chất lượng cao; 90ha sử dụng phân bón sinh học, hữu cơ, thuốc thảo dược; 30ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm… Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội mới có vùng chè Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), Long Phú (huyện Quốc Oai) xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Đông…, nhưng với số lượng khiêm tốn.

Tái canh bằng giống chè mới

Về tiềm năng cây chè của Hà Nội, Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam Hoàng Vĩnh Long đánh giá, Hà Nội hoàn toàn có thể phát triển sản phẩm chè xuất khẩu, chưa kể Hà Nội còn có sản phẩm chè sen không phải tỉnh, thành phố nào cũng có. Tổng sản lượng chè của Hà Nội hiện đạt hơn 20.000 tấn/năm, chiếm khoảng 16-18% tổng sản lượng chè của cả nước.

Cây chè của Hà Nội được trồng chủ yếu tại các vùng đồi, núi. Đây là vùng có điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho cây chè phát triển. Nhiều vùng trồng chè của Thủ đô còn gắn với phát triển du lịch sinh thái, giúp tăng khả năng quảng bá cho sản phẩm chè Hà Nội. Tuy nhiên, để tiến vào thị trường thế giới, cây chè Thủ đô cần một cuộc tái canh lớn.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam Hoàng Vĩnh Long cho rằng, Hà Nội nên duy trì, phát triển cây chè ở vùng đồi núi, vì ở đó khí hậu ít bị ô nhiễm. Cây chè thường cho thu hoạch khoảng 20-30 năm, trong khi hầu hết vườn chè của Hà Nội đã vượt qua 30 năm, nên cần phải cải tạo, đưa các giống chè mới vào sản xuất.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội sẽ bảo tồn các vùng trồng chè truyền thống, có thế mạnh. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương trồng chè rà soát, xây dựng kế hoạch tái canh cây chè và xây dựng một hoặc hai vùng chè nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hà Nội cũng sẽ kết nối với các doanh nghiệp để đưa công nghệ hiện đại vào khâu chế biến các sản phẩm chè, đẩy mạnh xuất khẩu.

“Làm sao để nông dân trồng chè tiếp cận được những phương thức canh tác hiện đại, đạt chuẩn về chất lượng là điều ngành Nông nghiệp Hà Nội cần thực hiện song hành với việc tái canh cây chè. Đặc biệt, thương hiệu, mã vùng trồng, chất lượng cũng là những vấn đề cần được bàn kỹ khi thực hiện tái canh”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-che-ha-noi-tien-ra-the-gioi-666438.html