Trong lịch sử nhân loại, đế chế hùng mạnh Mali từng thống trị một vùng đất rộng lớn và vô cùng giàu có. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, đế chế Mali cai trị phần lớn Tây Phi từ năm 1235 sau khi lật đổ đế chế Sosso trong khu vực.
Đến thế kỷ 14, đế chế Mali bước vào thời kỳ hưng thịnh nhất. Vào thời kỳ đó, đế chế này cai trị hơn 400 thành phố trải dài ở các vùng đất ngày nay là: Senegal, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Chad, Bờ biển Ngà...
Để cai trị vùng đất rộng lớn hơn 3.200 km, đế chế Mali đã thực hiện nhiều cuộc chinh phục thành công, thôn tính các vùng đất trù phú lân cận.
Không những vậy, đế chế Mali vô cùng giàu có nhờ hoạt động khai thác vàng và mỏ muối. Đế chế này còn thu vô số cống phẩm từ những nơi chinh phục được. Trong khi nhiều vương quốc ở châu Âu đương đầu với nạn đói, bệnh dịch hạch và chiến tranh, đế chế Mali phát triển mạnh vào thời Trung cổ.
Mansa Musa I là một trong những hoàng đế nổi tiếng nhất của đế chế Mali. Trong thời gian cai trị, ông hoàng này sở hữu khối tài sản ước tính hơn 400 tỷ USD và được coi là hoàng đế giàu nhất trong lịch sử nhân loại. Các nhà khoáng sản học ước lượng số vàng đã khai thác dưới thời hoàng đế Mansa Musa I không ít hơn 3.000 tấn.
Với khối tài sản kếch xù, hoàng đế Mansa Musa I có lối sống xa hoa. Trong số này có việc ông từng trả 200 kg vàng cho một kiến trúc sư để xây dựng đền thờ Djinguereber.
Đặc biệt, vào năm 1324, hoàng đế Mansa Musa I thực hiện chuyến hành hương đến thánh địa Mecca theo truyền thống trong đạo Hồi. Trong chuyến đi này, ông phô trương sự giàu có của mình bằng cách dẫn theo đoàn tùy tùng gồm hàng chục nghìn quân lính, thường dân và nô lệ, 500 sứ giả mặc trang phục bằng lụa và đeo trang sức vàng, nhiều lạc đà và ngựa chở theo 50 tấn vàng.
Nhà vua Mansa Musa I đưa vợ yêu là Inari Konte và 500 hầu gái đi cùng chuyến hành hương kéo dài 1 năm. Trên đường đi, ông hoàng giàu có này phân phát vô số vàng cám cho người nghèo, mua thức ăn cho đoàn tùy tùng hay mua đồ lưu niệm mang về quê hương đều bằng vàng...
Đoàn hành hương của vua Mansa Musa I đã chi tiêu ở Ai Cập khoảng 12,3 tấn vàng. Điều này khiến thị trường vàng ở Ai Cập mất 12 năm mới phục hồi như trước khi vua Mansa Musa I đến.
Khi đến thánh địa Mecca, vua Musa quyên tặng 20 tấn vàng để trùng tu, sửa chữa các công trình tôn giáo linh thiêng.
Mời độc giả xem video: Hé lộ nền văn minh đã mất tích qua tàn tích khảo cổ.
Tâm Anh (theo LS)