Để chiếc smartphone hữu ích trong giờ học
'Thầy cô làm chủ được giờ học, kiểm soát tốt học sinh thì cho sử dụng nếu bài học cần, còn lo lắng sự cố rủi ro thì có thể không cho'.
Không bàn đến xu thế tất yếu công nghệ 4.0 mà nói ngay đến tiện ích của mạng thông tin số khổng lồ và hữu ích mà nó đem lại cho mọi người không riêng gì người đang học.
“Với lứa tuổi học sinh phổ thông chúng em, việc được phép dùng điện thoại cho học tập là một cơ hội tốt, thậm chí là rất tốt. Đôi khi chúng em cần hiểu nhanh, hiểu đúng nghĩa một từ tiếng Việt, một khái niệm, từ tiếng Anh, một công thức tính toán, chỉ một thao tác, chúng em đã hiểu và không phải chờ gặp thầy cô để hỏi.
Vả lại, đôi khi thầy cô cũng không thể giải đáp kết quả nhanh chừng mấy phần nhìn giây như google như thế. Bản thân em, từng sử dụng nhiều cho tự học nhưng ở lớp vẫn không dám (trường Chuyên làm nghiêm lắm), trừ khi thầy cô cho phép" - em Nguyễn Đức Long, cựu học sinh 12A1, THPT Chuyên Vĩnh Phúc cho biết.
Trong giờ Ngữ văn Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ sáng 19/9, "những em nào muốn sử dụng điện thoại để học?" - người viết nêu vấn đề với học sinh ở 3 lớp 10A2, 10A3, 10A4 (THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) và trắc nghiệm biểu quyết thì phần lớn đều đồng ý nhưng một số em do bố mẹ chưa cho phép dùng smartphone nên thờ ơ. Các em đều thừa nhận nếu học trực tuyến online vừa qua mà không có điện thoại thông minh hoặc máy tính thì không thể thi đỗ vào trường.
Được phép sử dụng hay không được phép sử dụng điện thoại trong giờ học là chuyện rất khác nhau. Thông tư 32 cũng có những giới hạn và chỉ cho phép học sinh từ trung học cơ sở, trung học phổ thông được dùng thiết bị điện tử phục vụ mục đích học tập và ràng buộc chỉ khi giáo viên cho phép.
Vai trò quản lý của giáo viên, nhà trường
Nhiều thầy cô THPT Vĩnh Yên đồng tình với quan điểm của cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền: “Thầy cô làm chủ được giờ học, kiểm soát tốt học sinh thì cho sử dụng nếu bài học cần, còn lo lắng sự cố rủi ro thì có thể không cho”.
Để phát huy hiệu quả các ứng dụng tiện ích của công nghệ số và internet, các thầy cô giáo cân nhắc thận trọng, theo từng mục tiêu bài học, thực hiện linh hoạt và hợp lý về thời gian dùng điện thoại trong mỗi giờ học của học sinh.
Thầy giáo Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường THCS Hợp Thịnh, Tam Dương chia sẻ: “Tôi đồng tình với lợi ích của thiết bị điện tử sẽ giúp hỗ trợ đắc lực cho học sinh và giáo viên trong giờ học nếu sử dụng hợp lý. Với học sinh ham học và có ý thức tốt, điện thoại như một công cụ tiện lợi, nhưng với học sinh chưa tự giác và chưa chăm học thì rất khó lường. Chúng tôi nhất trí cho học sinh THCS dùng điện thoại thông minh nhưng sẽ có những quy định riêng, chặt chẽ hơn để gia đình có thể kiểm soát được các con; nhà trường, thầy cô không mất kiểm soát học sinh của mình trong giờ học, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra”.
Tương tự, thầy Nguyễn Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng THPT Vĩnh Yên nêu quan điểm: “Nhà trường và cá nhân tôi ủng hộ việc không cấm hoàn toàn việc học sinh dùng điện thoại trong giờ học. Ban giám hiệu trường THPT Vĩnh Yên sẽ tuyên truyền, có hướng dẫn và quy định cụ thể để học sinh toàn trường hiểu đúng giá trị tiện ích của điện thoại trong học tập và giải trí, giúp các em có thái độ đúng và hình thành thói quen đẹp và hứng thú khi sử dụng điện thoại, không chỉ trong giờ học mà thầy cô cho phép".
“Chúng ta đã lạc hậu trong phương pháp giáo dục thụ động hàng chục năm. Nhưng để biến điện thoại thông minh thành công cụ đắc lực cho đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng mở, để học sinh hiểu điện thoại không chỉ dùng để liên lạc và giải trí thì rất cần có sự định hướng và hướng dẫn các kỹ năng sử dụng, các quy định cụ thể của nhà trường, bài học, môn học của thầy cô" - Thầy Đỗ Tiến Minh, Hiệu trưởng THPT Yên Lạc thống nhất.
Ông Trần Hồng Hiệp, Phó Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho hay, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là các nhà trường làm truyền thông để phụ huynh, học sinh và giáo viên hiểu giá trị tích cực của thiết bị điện tử và điện thoại thông minh, tiện ích to lớn của internet để thầy trò làm chủ thiết bị và công nghệ, để tận hưởng những thành tựu vĩ đại của cách mạng số, biến chiếc điện thoại smartphone thành công cụ tuyệt vời giúp chiếm lĩnh tri thức nhân loại mà các em học sinh đang rất cần có.
Vấn đề rủi ro, sự cố không mong muốn, cá nhân học sinh hay công dân nào vi phạm đều phải xử lý theo quy định của Luật An ninh mạng, nội quy, quy chế của trường - lớp, quy định của các thầy cô giáo bộ môn...