Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp phát huy hiệu quả cao nhất
Ngày 22/5, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội thảo về Đề án 'Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp'.
Tại hội thảo, các vấn đề về nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, cơ chế tài chính, cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin đã được các đại biểu đại diện các Sở, Trung tâm Dịch vụ việc làm khu vực phía bắc bàn luận.
Để giải quyết thất nghiệp, Chính phủ phải đưa ra nhiều chính sách và biện pháp khách nhau, trong đó chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã được nhiều quốc gia lựa chọn và coi là biện pháp tối ưu nhằm bảo vệ người lao động phòng tránh thất nghiệp hoặc có các biện pháp hỗ trợ người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới.
Tuy nhiên, để BHTN thực sự phát huy hiệu quả thì cần có những giải pháp tổng thể, theo từng giai đoạn và phụ thuộc nhiều vào các cơ quan đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Tăng số lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Theo Đề án, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; 100% người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu, 15% người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo, hoàn tất kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp giữa cơ quan lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội. 100% nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm được đào tạo có cấp chứng chỉ nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu, toàn bộ chi phí thực hiện bảo hiểm thất nghiệp và các hoạt động hỗ trợ để người thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động lấy từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp… Đến năm 2030 đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN, 100% trung tâm dịch vụ việc làm đạt tiêu chuẩn và được hiện đại hóa. Đến năm 2045 sẽ có khoảng 55% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN.
BHTN có vai trò hỗ trợ người lao động bảo vệ vị trí việc làm, duy trì việc làm, phòng tránh thất nhiệp. Bên cạnh đó, nếu gặp rủi ro về việc làm, BHTN có các biện pháp nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động, quan trọng hơn nữa là có các biện pháp để hỗ trợ người thất nghiệp tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề…
Hiện nay, trên thế giới có trên 80 nước thực hiện bảo hiểm việc làm, BHTN trên cơ sở hướng tới một chính sách thị trường lao động chủ động bằng các biện pháp hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động miễn phí, hướng tới việc làm bền vững trước khi có các hỗ trợ về tài chính và kỹ năng để người lao động khi bị thất nghiệp nhanh chóng trở lại thị trường lao động.
Để bảo hiểm thất nghiệp bám sát thực tế
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN”.
Theo đó, Đề án đặt ra các mục tiêu về độ bao phủ, các chỉ tiêu về thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, mức độ hài lòng của người lao động và đưa ra 11 giải pháp cũng như giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện BHTN, đảm bảo việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp thuận lợi, hiệu quả từ khâu thu, tiếp nhận, giải quyết đến khâu chi trả bảo hiểm thất nghiệp, khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện hành.
Theo ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, thời gian qua, chúng ta mới chỉ tập trung vào việc chi trả BHTN mà chưa quan tâm đến công tác tư vấn, đào tạo. Lao động thất nghiệp chủ yếu tập trung vào nhóm có tay nghề thấp, vì vậy cần quan tâm hỗ trợ đào tạo lại nghề cho người thất nghiệp.
Bên cạnh những mặt được, kết quả thực hiện BHTN còn bộc lộ một số hạn chế, như đối tượng tham gia BHTN chưa bao phủ hết tất cả các đối tượng có quan hệ lao động, lao động là người nước ngoài, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa thực sự thể hiện được vai trò là công cụ quản trị thị trường hiệu quả do nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về BHTN chưa cao. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chưa hỗ trợ đầy đủ các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và việc triển khai thực hiện BHTN. Chưa có sự kết nối và hỗ trợ lần nhau giữa chính sách bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách khác…
Bên cạnh đó còn nhiều bất cập như đội ngũ nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại một số địa phương còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn. Hiệu quả sử dụng đầu tư cơ sở hạ tầng về cơ bản đã đáp ứng được nhiệm vụ thực hiện BHTN nhưng vẫn có hạn chế trong phần mềm giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khả năng kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin liên ngành…
Do đó, trong thời gian tới, một trong những vấn đề quan trong nhất là cần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan đơn vị thực hiện chính sách BHTN, xây dựng hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được sự phát triển của thị trường lao động.