Để chuyển đổi số không còn là việc 'vừa mới, vừa khó'

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo các chuyên gia, chuyển đổi số là một lĩnh vực 'vừa mới, vừa khó', trong khi Hà Nội có quy mô diện tích, dân số lớn. Do đó, để xây dựng Thành phố thông minh theo hướng chuyển đổi số, Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm.

Năm 2023 được đánh giá là thời điểm mang tính bản lề trong thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thời gian qua, mặc dù Thành phố đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là về chuyển đổi số, đô thị xanh...

Điểm nhấn trong bức tranh chuyển đổi số

Một trong những điểm nhấn cần phải nhắc ngay đó là việc Thành phố Hà Nội đã triển khai hàng nghìn Tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng số cần thiết cho người dân, doanh nghiệp và hộ gia đình để có thể chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Theo nhận định của các chuyên gia công nghệ, các Tổ đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, tiềm năng và lợi ích của chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp và các hộ gia đình; hướng dẫn kỹ năng số cần thiết cho người dân, doanh nghiệp và hộ gia đình để các chủ thể nêu trên có thể chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số (thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử).

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại.

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại.

Các doanh nghiệp cũng đánh giá cao việc Thành phố đã chi hơn 20 tỷ đồng trong năm 2021 và hơn 15 tỷ đồng trong năm 2022 để triển khai các nhiệm vụ của Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn. Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử; xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số thông qua phát triển mạng lưới đối tác.

Ngoài ra, việc phát triển Chính phủ số, chính quyền số cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chẳng hạn, trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, Thành phố đã duy trì Hệ thống quản lý tuyển sinh đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10), vận hành Hệ thống ôn tập và kiểm tra trắc nghiệm trực tuyến HanoiStudy... Đồng thời phát động giáo viên toàn ngành tham gia xây dựng và thẩm định nguồn học liệu số phục vụ giảng dạy và tự học cho học sinh...

Hay như trong lĩnh vực Giao thông - vận tải, Hà Nội đã đưa vào giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn thành phố bằng thiết bị GPS và ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành, thông tin hành khách bằng hệ thống âm thanh và bảng LED trên xe và một số nhà chờ, ứng dụng tìm xe buýt cho hành khách, hệ thống mua vé online. Bên cạnh đó, vận hành phần mềm Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (RBMS) và phản ánh sự cố, hư hỏng mất an toàn giao thông (GT247) vào phục vụ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.

Còn trong lĩnh vực Nông nghiệp, đã triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội (check.hanoi.gov.vn), ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP bằng các thiết bị di động thông minh, đảm bảo an toàn đối với nông, lâm, thủy sản, thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời triển khai xây dựng kho dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp.

Về lĩnh vực Tài chính, triển khai xây dựng phần mềm tổng hợp, theo dõi quyết toán dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Những lĩnh vực khác như: Y tế, Du lịch - Văn hóa thể thao, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, xây dựng… cũng ghi nhận nhiều bước chuyển mới về chuyển đổi số.

Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn người dân chuyển đổi thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử.

Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn người dân chuyển đổi thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử.

Vẫn còn những rào cản

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo các chuyên gia, chuyển đổi số là một lĩnh vực vừa mới, vừa khó. Trong khi đó, Hà Nội có quy mô diện tích, dân số lớn. Cho nên việc xây dựng thành phố thông minh theo hướng chuyển đổi số là việc vô cùng khó khăn.

“Hà Nội đang gặp một số khó khăn trong triển khai chuyển đổi số, như vấn đề vốn đầu tư vào các hệ thống nền tảng của công nghệ số; dân số lớn và địa bàn rộng khiến việc triển khai các hệ thống nền tảng khó khăn hơn so với các địa phương khác...”, ông Đặng Đức Mai, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội (nguyên Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính) cho hay.

TS. Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch VINASA, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA cũng chỉ ra một số rào cản, khó khăn cần tháo gỡ. Đó là một số khái niệm, chủ trương của các chính sách, nhiệm vụ về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số mới được ban hành còn chưa thống nhất, chưa có văn bản quy phạm quy định về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn triển khai của một số Bộ, ngành còn mang tính sự vụ, bị động, chưa có lộ trình tổng thể, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành còn chưa thực sự hiệu quả. Hơn nữa, các chủ trương, định hướng và các nhiệm vụ về chuyển đổi số đều mới, có khối lượng công việc lớn, trong khi có sự thiếu hụt lớn về công chức làm công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước Thành phố.

“Cản trở lớn nhất hiện nay là cần có một cơ chế đầu tư hiệu quả, an toàn để các đơn vị có thể mạnh dạn triển khai các đề án, dự án cụ thể. Nếu nhận thức đúng và khơi thông được các điểm nghẽn này Hà Nội sẽ vươn lên rất nhanh, ngược lại, nếu không thay đổi thì các mục tiêu cụ thể cho năm 2025 sẽ là khó đạt được”, Phó Chủ tịch VINASA nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Hoàng Công Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Hà Nội đang gặp một loạt thách thức khiến quá trình chuyển đối số gặp khó khăn. Trong đó, thách thức lớn nhất là vấn đề tài chính và nguồn nhân lực.

Thực tế, theo Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có đến 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là bởi chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao. Điều này một phần cũng do tác động bởi đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về giảm doanh thu, thiếu hụt nguồn vốn nói chung, trong đó ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, triển khai, duy trì các giải pháp cho chuyển đổi số.

Làm gì để đẩy nhanh quá trình chuyển đối số?

Tiến sĩ Đặng Đức Mai cho rằng, để đạt các mục tiêu năm 2025, Hà Nội cần tập trung nguồn lực để đẩy nhanh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra. Bên cạnh đó, cần xác lập một cơ chế giám sát chặt chẽ để việc triển khai các nhiệm vụ đảm bảo đúng tiến độ. Trong đó, năm 2023 là năm cơ bản chạy đà, khởi động các dự án, nhiệm vụ chưa được khởi công, đảm bảo các dự án chạy và hoàn thành cán đích thành công vào năm 2025.

Đối với nhiệm vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, cần có mạng Hà Nội CLOUD (cloud riêng cho Hà Nội) để vận hành toàn bộ các dịch vụ công của Thành phố và các ứng dụng khác thuộc trụ cột kinh tế số và xã hội số.

Đối với nhiệm vụ xây dựng kinh tế số, xã hội số, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động hoàn toàn trên nền tảng số, tạo ra các sản phẩm số ứng dụng thành công. Triển khai các chương trình đào tạo miễn phí cho chủ doanh nghiệp quy trình chuyển đổi số; khuyến nghị các mô hình chuyển đổi số thành công để các doanh nghiệp vừa và nhỏ học tập và vận dụng trong doanh nghiệp mình. Tổ chức các Tổ công tác tình nguyện (học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên) đến các phường xã để hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số cho người dân, quan tâm người cao tuổi, tập trung vào hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công thiết yếu do Chính phủ và Hà Nội cung cấp.

Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo, xây dựng, thu hút được đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin có chất lượng tốt vào làm việc trong các đơn vị, cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Hà Nội. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn và các nhà đầu tư khác tham gia vào dự án lớn của Thành phố. Những công ty này có thể đưa ra các giải pháp công nghệ thông minh, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu để giúp giải quyết các vấn đề thực tiễn của Thành phố.

Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA nhận xét, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là tiến trình liên tục, không có điểm dừng. Điều quan trọng hơn là tiến trình xanh hóa, thông minh hóa, hiện đại hóa phải tiết kiệm và bền vững. Thực tế chuyển đổi số chỉ phát huy tối đa hiệu quả khi nó được kết hợp với các giải pháp công trình và các giải pháp quản lý phù hợp.

“Việc cần làm ngay là cấy gen 3Q vào các đô thị, gồm: quy hoạch - tức là thông minh hóa cái cũ và thông minh từ đầu cái mới; quy chế phải thuận lợi nhằm khuyến khích mọi thành phần xã hội cùng chung tay vào cuộc; quy chuẩn - tức là phải có chuẩn kết nối, liên thông, từ hạ tầng cơ bản đến hạ tầng số”, ông Nguyễn Nhật Quang chỉ rõ.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//cong-nghe/de-chuyen-doi-so-khong-con-la-viec-vua-moi-vua-kho-1093167.html