Để có một 'sân chơi' bình đẳng
Sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo (ATIGA) đối với ngành đường, khi không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%.
Tuy nhiên, kể từ khi thực thi ATIGA, các DN doanh nghiệp (DN) ngành mía đường và cả người trồng mía gặp nhiều khó khăn. Theo chia sẻ của các DN mía đường, kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam tăng chóng mặt. Lượng đường ngoại nhập chảy vào ồ ạt kèm với việc giá đường hạ thấp khiến cho DN lao đao.
Thực tế này đặt ra yêu cầu về việc, rất cần những công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ các DN sản xuất trong nước, nếu không muốn các DN mía đường thua ngay trên sân nhà.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng nhà quản lý cần phải gấp rút tiến hành các biện pháp điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với mía đường nhập khẩu. Không thể phủ nhận, hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng toàn cầu, song không thể vì hội nhập mà các nước “chơi” sai luật, mà cần phải thực thi “luật chơi” của sân chơi toàn cầu.
Chính bởi vậy, việc tiến hành điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp dù có sẽ đối diện với hàng loạt những khó khăn, thách thức song, vẫn là việc cần phải làm để các DN ngành mía đường có một sân chơi bình đẳng, cạnh tranh một cách lành mạnh.
Theo ý kiến của giới chuyên gia, quá trình điều tra cần bảo đảm đúng về mặt hình thức, tuân thủ quy định luật pháp trong nước và quốc tế. Thứ hai là về kỹ thuật, nghĩa là điều tra hoàn toàn khách quan dựa trên số liệu thống kê đáng tin cậy. Theo đúng quy định, quy trình để thực hiện. Vì thế, dù tốn kém song, nhà quản lý vẫn cần phải dồn lực để làm để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Trước đó, hồi tháng 9-2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước.
Ngành sản xuất trong nước cũng đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường. Và như vậy, việc cơ quan chức năng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại là điều hoàn toàn hợp lý, đúng quy định của pháp luật để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/de-co-mot-san-choi-binh-dang-547146.html