Để có thể 'khai thác' quá khứ
Sau đúng 1 tháng trưng bày chuyên đề 'Bia đá kể chuyện' với chủ đề 'Hiền tài là nguyên khí quốc gia' tại Văn Miếu, vấn đề khai thác di sản và đưa khán giả đến tham quan hiện vật lại có dịp được bàn thêm.
Hình ảnh 82 tấm bia đá trên lưng rùa trong quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là biểu tượng đẹp của tinh thần hiếu học, đề cao sự nghiệp học hành, khoa cử của dân tộc Việt Nam. Đến đây ta có thể tìm thấy tên tuổi của nhiều danh nhân lớn được nhắc nhiều trong các sách sử Việt Nam như: nhà sử học Ngô Sĩ Liên - tiến sĩ năm 1442, người soạn bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư; nhà bác học Lê Quý Đôn - tác giả của cuốn Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ…; nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc Ngô Thì Nhậm đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1775…
Những tấm bia này là bảo vật quốc gia, tuy nhiên, việc tiếp cận nội dung trên bia tiến sĩ lại không hề dễ dàng với công chúng, khách tham quan. “Bia đá kể chuyện” là một cách để những tấm bia nằm im lìm suốt thời gian dài cất lên tiếng nói, câu chuyện về những danh nhân, những bậc hiền tài của đất nước. Từ tấm bia đầu tiên được dựng dưới thời Vua Lê Thánh tông năm 1448 đến nay đã tồn tại hơn 500 năm, nay được đưa ra triển lãm, số hóa thông tin khiến những câu chuyện có hồn hơn. Bởi không đơn thuần là những tấm bia với những dòng chữ Hán ghi tên các vị tiến sĩ, 1.304 tiến sĩ được vinh danh ở đây là 1.304 cuộc đời, sự nghiệp khác nhau. Từ điểm khởi đầu là con đường khoa cử, họ đã dành cả cuộc đời cống hiến, phụng sự đất nước.
Để hiện vật cất lời, ngoài ý nghĩa gốc, còn là cách làm của người đương thời. Di tích Nhà tù Hỏa Lò gần đây tăng mạnh về số lượng người tham quan, đặc biệt phần đông là học sinh, sinh viên. Điều này dường như trái ngược với “định kiến” rằng các điểm di tích lịch sử, văn hóa truyền thống chỉ thu hút khách du lịch nước ngoài, các gia đình có con nhỏ đến tham quan để được “giáo dục” về lòng dũng cảm, kiên định lý tưởng cách mạng nơi “địa ngục trần gian”; và những người cao tuổi đến hồi tưởng một thời gian khổ mà hào hùng. Với một số bạn trẻ, nội dung không chỉ là duy nhất mà hơn hết phải làm mới những câu chuyện bằng hơi thở đời sống của ngày hôm nay, thông qua các nền tảng số. Ngoài ra, họ “đi” Hỏa Lò không chỉ tham quan bằng mắt, mà còn có thể cảm nhận qua đôi tai với hệ thống thuyết minh tự động trực tiếp và podcast trực tuyến. Rồi đến “Đêm Hỏa Lò”, nghe thôi đã cảm giác sợ hãi nhưng lại là sự tò mò của người trẻ.
Ở Thanh Hóa, cũng nhờ việc phối hợp với các đơn vị lữ hành, các cấp học và sự đổi mới chương trình tham quan phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách mà chưa bao giờ Bảo tàng tỉnh đón được đông khách như bây giờ.
Để hiểu câu chuyện lịch sử, ở thời đại 4.0 này, chỉ một cú kích chuột là có đầy đủ thông tin. Vì thế, đưa khách du lịch đến với các điểm di tích, điểm tham quan chắc chắn cần phải có sự đổi mới trong cách để hiện vật kể chuyện. Thanh Hóa vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày lịch sử và là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật chất, tinh thần độc đáo với 1 di sản văn hóa thế giới, 6 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 139 di tích cấp quốc gia và 707 di tích cấp tỉnh.
Hiện vật có nhiều, nhưng để khai thác được hiện vật thì lại rất ít di tích làm được. Đổi mới cách làm để khai thác hiệu quả kinh tế chứ không phải sơn son thếp vàng di tích, biến di tích vài trăm năm trở nên màu mè, mới cóng. Để có thể khai thác tốt di sản, cần nhất vẫn là sự hiểu biết và trân trọng quá khứ của người làm văn hóa.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/de-co-the-khai-thac-qua-khu/25689.htm