Để cổ tích níu chân du khách

Là vùng đất hình thành lâu đời nên Gia Lai có bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, đặc biệt là kho tàng truyện cổ dân gian rất phong phú. Các truyền thuyết, sự tích ly kỳ, hấp dẫn gắn liền với tên tuổi của một vùng đất, con sông, ngọn núi sẽ thu hút không ít du khách nếu được vận dụng một cách phù hợp và khéo léo.

Tấm áo huyền ảo

Không phải đến bây giờ yếu tố thần kỳ mới được khai thác để phát triển du lịch. Bênh cạnh cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch trong cả nước đã biết cách sử dụng các câu chuyện, sự tích để níu chân du khách thập phương. Tại Gia Lai, phần lớn các địa danh cũng đều mang trong mình một câu chuyện riêng. Dù không phải là yếu tố chính yếu nhưng những câu chuyện, truyền thuyết này tựa như tấm áo huyền ảo, ly kỳ khoác lên các điểm du lịch, tạo ra sức hấp dẫn nhất định đối với du khách.

Truyền thuyết về Biển Hồ (hồ Tơ Nưng, TP. Pleiku) là một ví dụ. Chuyện rằng, xưa kia có người phụ nữ neo đơn tên gọi Yă Chao. Bà Yă Chao có nuôi một con heo thần chỉ ăn cát mà lớn nhanh như thổi. Một ngày nọ, chú heo của Yă Chao bị dân làng bắt làm thịt trong một lễ cúng của làng. Yă Chao vì tiếc thương mà thề sẽ không ăn thịt con heo quý, nếu ăn thì bến nước Ia Nueng sẽ bị sụp lở. Nhưng đứa cháu của bà vì quá đói đã đòi ăn, bà đành phải chiều lòng. Thế rồi Ia Nueng sụp lở như lời thề, làm thành một hồ nước mênh mông ngày nay được biết đến với tên gọi Biển Hồ.

Khu sinh thái Lâm viên Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: internet

Khu sinh thái Lâm viên Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: internet

Ngọn Kon Ka Kinh cũng mang một truyền thuyết lay động lòng người. Đó là chuyện về 2 anh em người Bahnar nọ. Một hôm, người anh tên Kơđa vì ăn quả trứng lạ nên đầu biến thành con thuồng luồng. Vì quá xấu hổ nên anh bỏ chạy vào rừng. Người em gái tên Kah King lo lắng đi tìm anh. Sau nhiều ngày lội suối băng rừng, cô gái vẫn không tìm thấy anh mình, cuối cùng gục chết bên một ngọn núi lớn. Đó cũng chính là nơi mà anh cô đã nằm lại. Thú rừng cảm động đã khiêng đất đá làm thành ngôi mộ của cô gái cạnh bên người anh. 2 nấm mộ cứ thế chất cao lên mãi thành núi Ka King (Kông Ka King, ngày nay đọc chệch đi thành Kon Ka Kinh). Tên của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng là tên ngọn núi ấy.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), một trong những người có công sưu tầm nhiều truyện cổ dân gian Bahnar, Jrai cũng kể cho chúng tôi nghe về sự tích của núi Hàm Rồng. Bà con địa phương kể lại rằng: Năm xưa, lũ sâu bọ kéo đến phá hoại mùa màng rất hung dữ. Dân làng làm nhiều cách vẫn không đuổi được hết chúng đi. Cuộc chiến giữa người với côn trùng kéo dài dai dẳng. Cuối cùng bà con mới nghĩ cách đào một cái hố, dụ cho chúng rơi vào rồi dùng lửa đốt, con sâu khổng lồ cuối cùng chết trong tư thế nằm khoanh tròn làm thành hình dáng của núi Hàm Rồng ngày nay.

Ngoài ra, còn rất nhiều câu chuyện được dân làng khắp các vùng kể lại, đó là truyền thuyết về Vua Lửa, núi lửa Chư Đăng Ya, địa danh Pleiku… Mỗi nơi có một “tấm áo” lung linh, huyền ảo được người dân “dệt” nên theo thời gian và truyền từ đời này sang đời khác.

Yếu tố hấp dẫn du khách

Theo Th.s Nguyễn Quang Tuệ, hầu hết du khách đều cảm thấy tò mò, thắc mắc khi đến một địa điểm có cái tên lạ. Bên cạnh việc giúp mọi người hiểu rõ hơn về một vùng đất, truyện cổ dân gian còn thu hút khách du lịch rất hiệu quả. Đó cũng là lý do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa việc sưu tầm truyện cổ dân gian có liên quan đến các điểm du lịch trên toàn tỉnh vào kế hoạch, qua đó phục vụ cho công tác bảo tồn cũng như thu hút du khách trong những năm tới. Theo đó, đã có 2 cuốn truyện tranh ra đời vào năm 2018 là “Sự tích Kông Kah King” và “Sự tích Kon Jrang” (kể về sự tích Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng); dự kiến trong năm nay sẽ có thêm 2 sản phẩm nữa.

Du khách tham quan và nghe giới thiệu về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: P.L

Du khách tham quan và nghe giới thiệu về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: P.L

Ủng hộ việc sưu tầm các câu chuyện cổ dân gian liên quan đến các địa danh du lịch và xuất bản thành truyện tranh, ông Ngô Văn Thắng-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-cho hay: “Khi cuốn truyện tranh về Kon Ka Kinh được xuất bản, chúng tôi đã chủ động mua phát cho các trường học, những người có khả năng truyền đạt trong cộng đồng để lan tỏa hơn sự tích về ngọn núi này, giúp mọi người hiểu rõ hơn về nơi mình ở, từ đó thêm yêu quý, tự hào và góp phần giới thiệu, thu hút du khách”. Cùng quan điểm, ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng-chia sẻ: “Tôi nghĩ việc dùng các câu chuyện cổ để làm du lịch là một cách quảng bá rất hay về vùng đất, con người, thiên nhiên của địa phương. Tôi hy vọng sẽ có nhiều câu chuyện cổ được sưu tầm và lan tỏa đến cộng đồng nhiều hơn”.

Tất nhiên là các địa phương sở hữu nhiều tiềm năng du lịch rất vui mừng khi được du khách quan tâm thông qua màn sương huyền ảo của truyện cổ dân gian. Ông Lương Minh Thiện-Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) tâm sự: “Hà Đông là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch. Chúng tôi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, những con thác hùng vĩ, người dân bản địa lưu giữ nhiều phong tục tập quán đặc sắc, truyền thuyết hay liên quan đến núi non, sông suối. Tôi mong những câu chuyện cổ ấy được quan tâm sưu tầm nhiều hơn, giúp mọi người có cái nhìn đầy đủ về “ốc đảo” xinh đẹp này”.

PHƯƠNG LINH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12399/201908/de-co-tich-niu-chan-du-khach-5644790/