Để con không mắc kẹt khi ba mẹ ly hôn

Ly hôn ảnh hưởng mạnh mẽ đến con trẻ, vì vậy người lớn cần chuẩn bị những chiến lược hỗ trợ phù hợp giúp trẻ và cả gia đình đương đầu với thử thách này. Ảnh minh họa: Internet

Ba mẹ ly hôn ảnh hưởng rất nhiều đến con cái từ tâm lý cho đến quá trình học tập và các khía cạnh khác của cuộc sống. Chính vì vậy, bậc làm cha mẹ cần suy nghĩ thấu đáo trong cách ứng xử để giúp trẻ vượt qua tổn thương tâm lý.

Con trẻ chịu thiệt thòi

Ai đó ví von, cuộc sống hôn nhân như một canh bạc. Tính toán đủ đường nhưng đôi khi vẫn phụ thuộc vào duyên số, vào sự may rủi của đời người. Bởi vậy, nhiều người khi trải nghiệm hôn nhân, thấy cuộc sống hôn nhân khác xa với những suy nghĩ ban đầu, nên họ chỉ mong được giải thoát sớm và đôi khi cảm thấy nhẹ nhõm vì chấm dứt được những rắc rối gia đình. Song, họ không nghĩ rằng, đối với con trẻ thì đây là một sự mất mát.

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết, trong suốt nhiều năm làm việc về trẻ em, có một câu chuyện ở Sơn Hòa khiến bà nhớ mãi. Trường hợp này, vì vợ chồng mâu thuẫn, không thể tiếp tục cuộc hôn nhân nên người vợ chọn ly hôn để lại hai đứa con cho người chồng chăm sóc và vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Người cha từ mâu thuẫn với vợ mà trút giận lên hai đứa con, đánh, mắng và không cho hai đứa trẻ gặp mẹ dù một bé chỉ 4 tuổi, một bé mới 16 tháng tuổi. Hàng xóm sau nhiều lần chứng kiến các cháu bé bị cha đánh đập, cấm đoán không cho ra khỏi nhà, bắt con 4 tuổi đi mua rượu giữa khuya, đã gọi đến trung tâm nhờ can thiệp. Bà Huỳnh Phạm Ái Thy sau đó đã xác minh thông tin và tiếp cận trực tiếp với những đứa trẻ. Đánh giá trường hợp này nếu trẻ ở với cha sẽ không có tương lai tốt, không đảm bảo an toàn, trung tâm đã báo cấp trên, làm việc với địa phương, gia đình và kết nối Làng trẻ em SOS Nha Trang để gửi các bé vào. Cho đến nay, hai bé vẫn sinh sống tại làng trẻ này và định kỳ được về thăm gia đình. Trung tâm vẫn theo dõi thông tin và biết rằng các bé đang có cuộc sống ổn định.

Những cặp vợ chồng khi ly hôn cũng đau, nhưng đau một lần rồi thôi, đa phần họ sẽ đi tìm để xây dựng hạnh phúc mới với người phù hợp hơn và rồi chính họ cũng sẽ có những đứa con. Hơn ai hết, con cái là người bị tổn thương sâu sắc sau khi ba mẹ ly hôn. Dù vậy, nhiều cặp vợ chồng khi ly hôn nhưng lại không suy nghĩ cho những đứa con của mình, đặc biệt là những đứa trẻ chưa hình thành nhân cách.

Dành cho con đủ sự quan tâm sau ly hôn

Ly hôn là việc không ai mong muốn, nó không chỉ là hệ quả của gia đình tan vỡ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con cái khi không được sống trong một gia đình đầy đủ cả ba và mẹ. Chính vì vậy, các chuyên gia tâm lý cho rằng, ba mẹ cần hiểu được ảnh hưởng của việc ly hôn đến con cái để lựa chọn thời điểm phù hợp và biết cách giúp con vượt qua tổn thương tâm lý. Nếu cần thiết, nên xem xét cho trẻ tham vấn tâm lý để đối mặt với việc ba mẹ không thể chung sống cùng nhau trong tương lai.

Sau ly hôn, chị T. T. T. N, giáo viên dạy tiểu học tại một trường ở phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa ôm con về nhà mẹ đẻ để vừa chăm mẹ lớn tuổi, vừa nuôi hai con khi đứa lớn 8 tuổi và đứa nhỏ mới chỉ 3 tuổi. Thời điểm ấy, người ta vẫn nhìn người phụ nữ ly hôn với ánh mắt khắt khe nên bản thân chị N có phần mặc cảm và sống thầm lặng, dồn hết tình thương vào hai đứa con mà không đòi hỏi gì từ chồng cũ. Cũng may, hai đứa bé dần lớn lên và hiểu được tấm lòng của mẹ. Biết gia đình khó khăn, mẹ một mình nuôi hai chị em vất vả, cô con gái lớn của chị N dù học rất khá nhưng chọn một trường cao đẳng để nhanh ra trường phụ mẹ nuôi em. Khi con gái lớn ra trường, thì con trai út cũng vào trường chuyên của tỉnh với thành tích học tập rất nổi bật.

Chia sẻ về việc hôn nhân đổ vỡ và quá trình nuôi con trưởng thành, chị N cho biết: “Khi quyết định buông tay, thường thì người phụ nữ sẽ chọn một mình nuôi con dù biết cuộc sống sẽ có rất nhiều áp lực. Chưa nói đến vấn đề tài chính, những khi ốm đau, những công việc cần sức vóc đàn ông, nhất là quãng thời gian con trai khủng hoảng khi vào tuổi ẩm ương, nói gì cũng không nghe và bướng bỉnh làm theo ý mình, tôi đã rất mệt mỏi. Tôi từng nghĩ rằng giá như thằng bé có ba cùng chia sẻ, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Nhưng ba đã có gia đình mới, không còn quan tâm nhiều đến con, chỉ còn tôi là điểm tựa nên tôi chọn yêu thương, chấp nhận và lắng nghe. Tôi đã từng chia sẻ với con rất nhiều khi quyết định chấm dứt hôn nhân, tiếp tục chia sẻ với con những khó khăn của gia đình, về tình thương của tôi dành cho con là không thay đổi suốt quá trình con lớn lên. Tôi cũng nói ra suy nghĩ của mình khi con bắt đầu trở nên bướng bỉnh và cũng mong con nói cho mình biết con đang có những cảm xúc gì, con mong muốn điều gì. Cuối cùng cũng may là ba mẹ con đều vượt qua thời khắc khó khăn đó”.

Theo các chuyên gia tâm lý, ly hôn không chỉ là một sự kiện khủng hoảng đối với các cặp đôi mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến con trẻ bao gồm những cảm giác mất mát và lo âu trước sự tan vỡ. Khi đó người lớn cần chuẩn bị những chiến lược hỗ trợ phù hợp giúp trẻ và cả gia đình đương đầu với thử thách này. Cụ thể, nên trao đổi trực tiếp, lựa chọn lý do phù hợp để giải thích cho việc vì sao đi đến quyết định chấm dứt mối quan hệ để giúp con hiểu hơn và tôn trọng quyết định của cha mẹ; đồng thời, lắng nghe con bày tỏ cảm xúc và giúp con ổn định tâm lý. Đối với người lớn, ly hôn cũng là khoảng thời gian rất căng thẳng nên cũng cần giữ sức khỏe về thể chất, tinh thần, đồng thời có thể nhờ sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè để chăm sóc tốt và giúp trẻ hòa nhập với hoàn cảnh sống mới.

Nếu phải ly hôn, hãy suy nghĩ về những nỗi đau của con trước, rồi hãy suy nghĩ và quyết định cho mình.

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/81/277564/de-con-khong-mac-ket-khi-ba-me-ly-hon.html