Để công tác dân số và phát triển đi vào thực chất

Công tác dân số và phát triển đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định xã hội, phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Trong năm 2024, tỉnh Hòa Bình đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong công tác này, tuy nhiên vẫn tồn tại những vấn đề cần được tập trung giải quyết, như: Tỷ số giới tính khi sinh còn cao (110,8 nam/100 nữ); tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên vẫn chiếm 17% và tình trạng tảo hôn mặc dù giảm nhưng còn xảy ra ở một số địa phương. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến cơ cấu dân số, chất lượng cuộc sống và sự phát triển lâu dài của địa phương.

Công tác dân số và phát triển đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định xã hội, phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Trong năm 2024, tỉnh Hòa Bình đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong công tác này, tuy nhiên vẫn tồn tại những vấn đề cần được tập trung giải quyết, như: Tỷ số giới tính khi sinh còn cao (110,8 nam/100 nữ); tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên vẫn chiếm 17% và tình trạng tảo hôn mặc dù giảm nhưng còn xảy ra ở một số địa phương. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến cơ cấu dân số, chất lượng cuộc sống và sự phát triển lâu dài của địa phương.

Kết quả cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh năm 2024 đạt 110,8 nam/100 nữ, giảm 0,2% so với năm 2023 (111,0%). Tổng số trẻ sinh ra trong năm là 11.649 trẻ, trong đó 5.527 trẻ là nữ. Con số trên cho thấy, mặc dù giảm nhẹ, tỷ số này vẫn cao hơn nhiều so với mức cân bằng tự nhiên (103-106 nam/100 nữ). Đây là tình trạng tiếp tục phản ánh sự tồn tại của quan niệm "trọng nam khinh nữ" còn phổ biến ở một số địa bàn. Hệ lụy của mất cân bằng giới tính sẽ dẫn đến thiếu hụt nữ giới trong tương lai, làm tăng nguy cơ các vấn đề xã hội như hôn nhân muộn, buôn bán phụ nữ và mất cân đối nguồn lực lao động.

Đối với tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, năm 2024 là 17%, giảm 0,2% so với năm 2023 (17,2%). Trong tổng số trẻ là con thứ ba trở lên (1.983 trẻ) có 158 trường hợp bố/mẹ là đảng viên. Tỷ lệ mặc dù đã giảm nhưng vẫn khá cao so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, việc một số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số cho thấy vai trò gương mẫu chưa được phát huy triệt để. Nguyên nhân chính là do tâm lý "thích đông con", mong muốn "có con trai nối dõi". Đây cũng là những ảnh hưởng từ phong tục tập quán, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số và nhận thức về chính sách dân số và phát triển còn hạn chế ở một bộ phận người dân.

Tình trạng tảo hôn năm 2024 giảm 50 trường hợp so với năm 2023 (229 trường hợp). Việc giảm số lượng tảo hôn là kết quả tích cực, phản ánh công tác tuyên truyền và can thiệp đã mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, tảo hôn vẫn còn tồn tại ở vùng sâu, vùng xa, nguyên nhân chính là do phong tục tập quán lạc hậu; nhận thức hạn chế của người dân; công tác giám sát và xử lý vi phạm chưa thực sự triệt để.

Trước những tồn tại, thách thức trong thực hiện công tác dân số và phát triển, theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, trong thời gian tới sẽ tập trung thực hiện những giải pháp hữu hiệu để cải thiện công tác dân số tỉnh như: Đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục, trong đó, tăng cường tuyên truyền về bình đẳng giới, xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ; đưa các chính sách dân số vào các buổi họp thôn, xóm và các hoạt động cộng đồng; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong việc tuyên truyền chính sách dân số. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; siết chặt công tác quản lý và giám sát việc thực hiện chính sách dân số, đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo tính gương mẫu của đội ngũ lãnh đạo.

Việc phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng là một giải pháp quan trọng. Theo đó, cần mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nhất là ở vùng sâu, xa; đảm bảo cung cấp đầy đủ các biện pháp tránh thai an toàn và hiện đại cho người dân. Tăng cường ngăn chặn tảo hôn; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương để phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng tảo hôn; xây dựng các mô hình can thiệp cộng đồng hiệu quả và phổ biến kinh nghiệm ra toàn tỉnh.

Việc xây dựng và cụ thể hóa quy định xử lý vi phạm cũng là vấn đề quan trọng. Cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể hóa các biện pháp xử lý phù hợp với Chỉ thị số 12/CT-UBND, ngày 4/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về xây dựng biện pháp thực hiện để duy trì mỗi cặp vợ chồng sinh hai con trong nội dung hương ước, quy ước của khu dân cư; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025 và đặc thù địa phương.

Việc nâng cao nhận thức cộng đồng, siết chặt công tác quản lý và phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản sẽ là chìa khóa để ổn định cơ cấu dân số, cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển bền vững trong tương lai. Việc cụ thể hóa các hương ước, quy ước và chính sách dân số sẽ giúp công tác dân số và phát triển đi vào thực chất, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững.

Hồng Duyên

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/196667/de-cong-tac-dan-so-va-phat-trien-di-vao-thuc-chat.htm