Để công tác dân tộc hiệu quả, thực chất hơn
Năm 2023, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 188 chính sách tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) đã được triển khai đồng bộ. Đặc biệt, việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS-MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719) đã phát huy hiệu quả rõ nét. Nhờ vậy, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao.
Hiệu quả Chương trình 1719
Trong năm qua, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình 1719. Một số địa phương đã lồng ghép các nguồn lực để hoàn thành sớm các mục tiêu.
Ngoài 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai các dự án xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội nhằm thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các DTTS.
Nhờ đó, đến cuối năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,9% (giảm 1,1%); tỉ lệ hộnghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,6%); tỉ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,8% (giảm 3,2%). Một số địa phương vùng DTTS có tốc độtăng trưởng GRDP cao như: Bắc Giang 13,45%, Hậu Giang 12,27%, Ninh Thuận 9,4%, Phú Yên 9,16%…
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 của các địa phương thực hiện Chương trình 1719 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 chuyển sang) khoảng 13.567 tỉ đồng, đạt 81,4% kế hoạch.
Tại Phú Yên, nguồn kinh phí trung ương giao thực hiện Chương trình 1719 năm 2023 gần 300 tỉ đồng (bao gồm nguồn vốn năm 2022 chuyển sang). Đến cuối năm 2023, tỉnh đã giải ngân được 101,3 tỉ đồng.
Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 1719 đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS-MN; kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước sinh hoạt... được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện diện mạo vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Còn nhiều băn khoăn
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, các địa phương nêu nhiều băn khoăn trong quá trình thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình 1719.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Chính phủ xem xét, điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu, lộ trình thực hiện các mục tiêu của Chương trình 1719 theo hướng cho phép địa phương lựa chọn các nội dung, dự án thành phần có nhu cầu cấp thiết đầu tư để triển khai, đảm bảo lộ trình và phù hợp với số vốn được giao; các nội dung còn lại sẽ mở rộng hỗ trợ, đầu tư vào giai đoạn sau.
Đây cũng là kiến nghị, đề xuất của một số địa phương khác nhằm tạo động lực thúc đẩy, tăng hiệu quả thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình 1719.
Các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Bạc Liêu, Hòa Bình đề nghị UBDT có văn bản hướng dẫn cụ thể và công nhận thôn, xã thuộc vùng đồng bào DTTS-MN đối với thôn, xã không thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn nhưng đáp ứng đủ tiêu chí 15% hộ đồng bào DTTS sinh sống để địa phương có cơ sở áp dụng thực hiện.
Trong khi đó, Phú Yên cùng một số địa phương cũng trình bày nhiều khó khăn về cơ chế quản lý, sử dụng vốn; việc hướng dẫn thực hiện Chương trình 1719 còn một số nội dung chồng chéo, chưa thống nhất. Công tác rà soát đối tượng thụ hưởng ở các địa phương còn chưa sát thực tế.
Một số dự án, tiểu dự án chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa thống nhất; một số địa phương có tiểu dự án được phân bổ vốn nhưng không có đối tượng thụ hưởng hoặc đối tượng thụ hưởng ít so với vốn được giao…
Theo ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, đã qua 2 năm triển khai, nhưng một số bộ, ngành trung ương vẫn chậm ban hành văn bản hướng dẫn Chương trình 1719 hoặc đã ban hành nhưng phải sửa đổi. Một số chính sách còn trùng lắp đối tượng thụ hưởng chương trình khác.
“Đơn cử, việc triển khai tiểu dự án “Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS-MN” tại Phú Yên đang rất khó thực hiện. Bởi lẽ, vùng DTTS-MN của tỉnh có rất ít sản phẩm sản xuất theo quy mô hàng hóa; chủ yếu là tự sản, tự tiêu. Do đó, khi triển khai thu thập thông tin về hàng hóa để tổ chức hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng rất khó khăn.
Thậm chí, một số địa bàn không có sản phẩm để tham gia. Do đó, việc tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm không hiệu quả hoặc đạt hiệu quả thấp. Phú Yên cũng đề xuất UBDT sớm hướng dẫn cụ thể về hình thức cho vay, định mức vốn cho vay, thời gian và lãi suất vay đối với nội dung hỗ trợ cho các hộ DTTS còn nhiều khó khăn (thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 9)...”, ông Trương Văn Phương cho biết.
Chuẩn bị tốt cho năm 2024
Theo UBDT, năm 2024 là năm tăng tốc để chuẩn bị về đích, hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu của các chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2025. UBDT sẽ tăng cường kiểm tra, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc; tham mưu điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.
Đây cũng là thời điểm ngành Dân tộc chuẩn bị xây dựng khung chương trình cho giai đoạn 2026-2030 đảm bảo tính khả thi; rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế đặc thù, thông tư, văn bản hướng dẫn giai đoạn tiếp theo theo hướng tập trung, tránh chồng chéo, phù hợp với thực tiễn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm trong năm 2024 cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương như: Tham mưu Chính phủ trình Quốc hội về điều chỉnh một số nội dung của Chương trình 1719; xây dựng đề án Đổi mới về mô hình và tổ chức hoạt động của cơ quan làm chương trình dân tộc các cấp; đề án Đổi mới mô hình hoạt động của hệ thống trường chuyên biệt do UBDT quản lý; đề án Đổi mới mô hình hoạt động của hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú vùng DTTS-MN...
Tại buổi làm việc với UBDT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Công tác dân tộc năm 2024 cần tổ chức thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình 1719; tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Đề nghị UBDT phát huy vai trò làm đầu mối tham mưu giữa các bộ, ngành trong thực hiện các chính sách dân tộc; ưu tiên nguồn lực cho các trường học vùng đồng bào DTTS; tránh đầu tư dàn trải các công trình, dự án. Các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm đến công tác dân tộc; tăng cường công tác phối hợp, linh hoạt áp dụng các chính sách dân tộc phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của từng địa phương để đạt hiệu quả cao nhất; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai các chính sách dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân chủ động vươn lên phát triển kinh tế, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại…
Việc thực hiện đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn vùng đồng bào DTTS góp phần đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS. Đến cuối năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,9% (giảm 1,1%); tỉ lệ hộnghèo DTTS còn khoảng 17,8% (giảm 3,2%).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/312071/de-cong-tac-dan-toc-hieu-qua-thuc-chat-hon.html