Đề cương tuyên truyền hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng

LTS: Thực hiện Công văn số 1709-CV/BTGTU ngày 12/8/2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng và Công văn số 1534-CV/BTGTU ngày 20/8/2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên, Báo Hưng Yên đăng Đề cương tuyên truyền Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng.

I- CHỦ ĐỀ, QUY MÔ, Ý NGHĨA CỦA HỘI NGHỊ

Hội nghị của Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức luân phiên 2 năm một lần tại các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (TBD) với mục đích chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả, giải pháp hữu ích trong công tác xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC theo các tiêu chí của UNESCO giữa các thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - TBD; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản để phát triển du lịch bền vững.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (sau đây gọi tắt là Hội nghị) với chủ đề: “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất", được tổ chức tại Cao Bằng từ ngày 05/9 - 15/9/2024, với khoảng 800 - 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng phối hợp Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Ngoại giao chủ trì Hội nghị.

Hội nghị là dịp để tỉnh Cao Bằng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát huy giá trị mô hình CVĐC với các nước trên thế giới; cơ hội xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Cao Bằng, tiềm năng du lịch miền đất và con người Cao Bằng tới đại biểu trong nước, đặc biệt là đại biểu quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, khát vọng tạo thương hiệu du lịch Cao Bằng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, các Chương trình hành động của tỉnh, mở ra cho du lịch Cao Bằng nhiều cơ hội mới, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đột phá cho ngành du lịch của địa phương, từng bước vững chắc hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

II- CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG KHUÔN KHỔ HỘI NGHỊ

1. Trước khai mạc Hội nghị

(1) Từ ngày 08 - 09/9/2024, diễn ra các phiên họp của Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO. Nội dung: Trao đổi các nội dung hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, đánh giá hồ sơ thẩm định, tái thẩm định.

(2) Ngày 10/9/2024, diễn ra phiên họp của Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu (GGN ExB). Nội dung: Trao đổi, đánh giá tiến độ triển khai các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu năm 2024; trao đổi thảo luận, xây dựng phương hướng, thống nhất, đưa ra các quyết định liên quan đến các hoạt động của Mạng lưới.

(3) Ngày 11/9/2024

- Các cuộc tiếp xúc, làm việc giữa tỉnh Cao Bằng với Hội đồng và Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO; đại diện tổ chức Liên hợp quốc, UNESCO và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; Đại sứ quán các nước. Nội dung: Sơ bộ một số nội dung mà Hội đồng CVĐC đã thực hiện khi đến Cao Bằng; giới thiệu về tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch của Cao Bằng và khả năng hợp tác với các nước.

- Phiên họp của Ban cố vấn Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - TBD (APGN AC). Nội dung: Trao đổi, đánh giá tiến độ triển khai các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - TBD liên quan đến các lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản, quản lý và vận hành CVĐC toàn cầu UNESCO, giáo dục và cộng đồng, kế hoạch hoạt động giai đoạn 2022 - 2024, định hướng các hoạt động trao đổi, hợp tác trong Mạng lưới giai đoạn 2024 - 2026, các quốc gia ứng cử đăng cai Hội nghị quốc tế lần thứ 9 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu Khu vực Châu Á - TBD năm 2026 trình bày hồ sơ ứng viên...

- Phiên họp của Ban điều phối Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - TBD (APGN CC). Nội dung: (1) Báo cáo kết quả hoạt động của Mạng lưới khu vực Châu Á - TBD, CVĐC các quốc gia trong khu vực giai đoạn 2022 - 2024 và 9 tháng đầu năm 2024; trao đổi, thống nhất các hoạt động, sáng kiến, triển khai phương hướng hoạt động của Mạng lưới; thông báo sơ bộ về kết quả lựa chọn quốc gia đăng cai Hội nghị quốc tế lần thứ 9 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - TBD năm 2026. (2) Bầu Ban điều phối của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - TBD năm 2024 - 2026.

- Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Mạng lưới CVĐC toàn cầu (2004 - 2024). Nội dung: Ôn lại truyền thống, quá trình xây dựng và phát triển Mạng lưới CVĐC toàn cầu qua 20 năm trong việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản địa chất, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể, các hoạt động bảo vệ môi trường, vì sự phát triển của cộng đồng và phát triển bền vững; nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các thành viên Mạng lưới trong việc thực hiện các mục tiêu chung của CVĐC toàn cầu UNESCO; quảng bá hình ảnh CVĐC toàn cầu UNESCO.

2. Khai mạc Hội nghị và các phiên hội thảo chuyên đề

(1) Sáng ngày 12/9/2024: Khai mạc Hội nghị tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng. Ngay sau Khai mạc là Lễ cắt băng khánh thành không gian trưng bày, triển lãm, quảng bá.

(2) Phiên họp toàn thể các Công viên địa chất được tổ chức trong ngày 12/9/2024. Nội dung: Tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nối, hợp tác giữa các thành viên trong Mạng lưới; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình hiệu quả trong công tác xây dựng và phát huy mô hình CVĐC.

(3) Các phiên hội thảo chuyên đề được tổ chức vào chiều ngày 12/9, ngày 13/9 và sáng ngày 15/9/2024.

Các đại biểu dự Hội nghị trình bày các báo cáo, tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát triển, phát huy giá trị mô hình CVĐC, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản địa chất, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể, các hoạt động bảo vệ môi trường, gắn với các hoạt động phát triển du lịch, vì sự phát triển của cộng đồng và phát triển bền vững.

Các phiên Hội thảo với 06 chủ đề: (1) Tri thức bản địa và sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển CVĐC; (2) Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tai biến địa chất và thích ứng với Biến đổi khí hậu; (3) Điều tra, đánh giá, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị các loại hình di sản; (4) CVĐC với các mục tiêu phát triển bền vững; (5) Tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng ở CVĐC; (6) Khó khăn, thách thức ở các khu vực muốn trở thành CVĐC.

Mỗi hội thảo sẽ có 02 chuyên gia chủ trì (chuyên gia về các lĩnh vực chuyên ngành, thành viên Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu, Mạng lưới Châu Á - TBD).

(4) Chiều ngày 15/9/2024, bế mạc Hội nghị tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng. Nội dung: Đánh giá tổng kết công tác tổ chức Hội nghị; chương trình biểu diễn nghệ thuật và thực hiện nghi lễ trao cờ cho đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị APGN lần 9 năm 2026.

3. Các hoạt động diễn ra song song và bên lề Hội nghị

(1) Hội thảo quốc tế phát huy giá trị danh hiệu UNESCO tại Việt Nam phục vụ phát triển bền vững. Thời gian: Ngày 11/9/2024. Nội dung: Chia sẻ việc kinh nghiệm xây dựng, phát triển, quản lý, và phát huy các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam,...

(2) Hội nghị thường niên của Tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam. Thời gian: Ngày 12/9/2024. Nội dung: Sơ kết các hoạt động của Tiểu Ban, các CVĐC trong Mạng lưới CVĐC Việt Nam, chia sẻ khó khăn thách thức trong công tác xây dựng, quản lý và phát triển CVĐC tại Việt Nam.

(3) Hoạt động trao đổi, ký kết biên bản hợp tác giữa các CVĐC trong Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - TBD và một số hoạt động hội nghị, hội thảo chuyên đề và trao đổi hợp tác khác. Thời gian: Trong thời gian diễn ra hội nghị, theo đăng ký của các CVĐC.

(4) Chương trình trải nghiệm các tuyến du lịch CVĐC Non nước Cao Bằng. Đại biểu tham gia hội nghị đăng ký lựa chọn 1 trong 2 tuyến tham quan: (1) Tuyến tham quan “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên": Cảnh quan karst trưởng thành và già đặc sắc với cảnh quan hùng vĩ, non nước hữu tình, những danh thắng nổi tiếng thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần Núi (huyện Trùng Khánh), hồ Thăng Hen (huyện Quảng Hòa),...; các làng nghề truyền thống như làng rèn Phúc Sen, làng hương Phia Thắp, làng làm giấy bản Dìa Trên (huyện Quảng Hòa),...; khám phá những bản sắc truyền thống của đồng bào qua các lễ hội dân gian: Hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên; hội Thanh minh; hội Lồng tồng; hội Nàng Hai...; trải nghiệm cuộc sống thanh bình với những ngôi làng cổ, thưởng thức làn điệu hát then đàn tính, ẩm thực mang hương vị núi rừng. (2) Tuyến tham quan “Khám phá Phja Oắc – vùng núi của những đổi thay”: Thăm di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình gắn liền với sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; đây cũng là nơi gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ngắm cảnh quan núi đá vôi ấn tượng với cảnh quan lưng rồng, vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén cùng nhiều loại khoáng sản quý hiếm như đá granite, vonfram..., hệ động thực vật đa dạng, phong phú; tìm hiểu những dấu vết về môi trường biển qua san hô cổ được tìm thấy tại xã Lang Môn, huyện Nguyên Bình...

(5) Không gian trưng bày, triển lãm, quảng bá

Được diễn ra từ ngày 12/9 đến hết ngày 15/9/2024 tại khu vực Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng, khu vực quảng trường km5, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng. Nội dung: Triển lãm ảnh đẹp Non nước Cao Bằng, các gian hàng quảng bá giới thiệu các CVĐC toàn cầu và tiềm năng của Mạng lưới, gian hàng Câu lạc bộ “Cùng em khám phá CVĐC" Non nước Cao Bằng; Không gian văn hóa dân tộc trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng; Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm xe điện của Công ty Vinfast; Triển lãm trưng bày các sản phẩm OCOP (trong và ngoài tỉnh), sản phẩm Mạng lưới đối tác CVĐC (có gắn logo CVĐC);...

(6) Hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ tại Phố đi bộ Kim Đồng.

Thời gian: Ngày 13 - 14/9/2024. Nội dung: Tổ chức các hoạt động văn hóa, triển lãm ảnh, văn nghệ và thể thao để các đại biểu tham dự Hội nghị trải nghiệm.

III- MỘT SỐ NÉT GIỚI THIỆU VỀ CAO BẰNG - ĐỊA ĐIỂM ĐĂNG CAI TỔ CHỨC HỘI NGHỊ

Nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Cao Bằng có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế, đối ngoại; có bề dày về lịch sử, văn hóa, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng - được ví như “viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc Việt Nam - nơi hội tụ những yếu tố đặc trưng, lợi thế để phát triển du lịch bền vững. CVĐC Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu thứ 5 của Đông Nam Á và thứ 2 của Việt Nam.

1. Đặc điểm địa lý, điều kiện tự nhiên

Địa hình đồi núi chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh với đặc điểm là đồi núi, thấp dần từ khoảng 1.500 - 2.000m ở phía Tây - Tây Bắc xuống khoảng 200m ở phía Đông - Đông Nam. Đặc điểm địa hình phức tạp, đa dạng, mức độ cắt xẻ lớn, có thể chia làm 03 dạng địa hình chính là:

- Địa hình karst, chiếm diện tích hầu hết các huyện phía đông tỉnh như Hà Quảng, Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa và một số khu vực phía Bắc huyện Thạch An, phía Đông - Nam huyện Bảo Lạc, phía Đông - Bắc huyện Nguyên Bình...

- Địa hình đồi núi đất cao, chủ yếu thấy ở các huyện phía Tây của tỉnh như Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thạch An và một phần phía Nam huyện Hòa An. Trong đó, điển hình là các hệ thống núi cao phía Tây Bắc - Đông Nam Bảo Lạc, Nguyên Bình (gồm nhiều dãy núi kéo dài từ phía Tây Nam huyện Bảo Lạc sang phía Tây Nam huyện Nguyên Bình với các đỉnh Phja Dạ (huyện Bảo Lạc) cao 1.980m asl, Phja Oắc (huyện Nguyên Bình) cao 1.931m asl, Phja Đén (huyện Nguyên Bình) cao 1.428m asl và Ngân Sơn - Thạch An (vòng cung Ngân Sơn, gồm các dãy núi kéo dài từ phía Bắc - Tây Bắc huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) qua thị trấn Ngân Sơn, Bằng Khẩu theo hướng Tây - Tây Bắc đến huyện Thạch An rồi rẽ sang phía Tây - Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn).

- Địa hình đồi núi đất thấp, thung lũng sông suối, phân bố xen kẽ với các dạng địa hình kể trên với kích thước, hình thái đa dạng. Đáng chú ý nhất là trũng Cao Bằng rộng tới 7 - 8km, kéo dài tới 30km theo phương Tây Bắc - Đông Nam ở gần trung tâm tỉnh, gần như chia Cao Bằng ra làm hai nửa phía Đông (karst) và Tây (phi karst) như mô tả ở trên.

Đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa lục địa miền núi cao, so với các tỉnh miền núi Đông Bắc khác còn có thêm tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới. Đặc điểm khí hậu và địa hình kể trên tạo cho Cao Bằng nhiều tiểu vùng khí hậu đặc biệt, khiến cho vùng đất này có tính đa dạng sinh học và hệ sinh thái rất cao, hình thành các vùng sản xuất cây, con đặc sản phong phú, đa dạng như hạt dẻ, hồng không hạt, đậu tương có hàm lượng đạm cao, mía, thuốc lá, chè đắng...

Hệ thống sông, suối và hồ phong phú, đa dạng. Các dòng chảy bắt nguồn từ các vùng núi cao phía Bắc, Đông Bắc giáp Trung Quốc như núi Phja Dạ (huyện Bảo Lạc), Phja Oắc (huyện Nguyên Bình), chủ yếu theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và Bắc - Nam. Có đến 1.200 sông suối lớn nhỏ thuộc 5 hệ thống sông chính là sông Bằng, sông Hiến, sông Gâm, sông Bắc Vọng và sông Quây Sơn. Lưu lượng nước các sông suối không ổn định, thường thay đổi theo mùa, tài nguyên nước mặt và nước dưới đất của Cao Bằng có trữ lượng tương đối và chất lượng khá tốt...

2. Văn hóa, lịch sử

Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, có bản sắc của một vùng đất ngàn năm văn vật, với các di chỉ hậu kỳ đá cũ như Thượng Hà (huyện Bảo Lạc), Bó Mạ (Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng)... di chỉ thời kỳ đá mới ở Ngườm Bốc (huyện Hòa An), Ngườm Vài, Ngườm Càng, Ngườm Slấn (huyện Hà Quảng), di chỉ thời đại kim khí với trống đồng, rìu đồng, lao đồng, đồ gốm sứ... của nền văn hóa Đông Sơn được tìm thấy ở hầu hết các huyện trong tỉnh.

Cao Bằng nổi tiếng với nhiều nhân vật kiệt xuất, được ghi danh trong các truyền thuyết, cổ tích, dã sử, chính sử hoặc giai thoại dân gian, như Nùng Trí Cao, Hoàng Lục chống quân Tống; Hoàng Thắng Hứa chống quân Nguyên; Bế Khắc Thiệu, Nông Đắc Thái chống quân Minh; Lương Tuấn Tú, Mã Quốc Anh chống thực dân Pháp... Truyền thuyết Thạch Sanh... Trong cuộc sống thường nhật, Cao Bằng sản sinh ra nhiều nhà văn hóa như Nông Quỳnh Văn được suy tôn là Vua Ca Đáng; Bế Văn Phụng được phong chức Tư thiên quản nhạc; quan Ngự sử Đốc trấn Cao Bằng Bế Hựu Cung, tác giả sách Cao Bằng thực lục; nhà thơ Tày Hoàng Đức Hậu...

Ngày 28/01/1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về Tổ quốc qua cột mốc 108 (nay là cột mốc quốc giới số 675) xã Trường Hà, huyện Hà Quảng; xây dựng căn cứ địa, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cao Bằng trở thành quê hương cội nguồn cách mạng Việt Nam.

Cao Bằng là vùng đất sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc anh em như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô,... trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 95,3% dân số. Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán với nét sinh hoạt văn hóa rất riêng, độc đáo, phong phú, tạo nên sự giao hòa văn hóa giữa các dân tộc, hình thành văn hóa đa dân tộc và đậm đà bản sắc miền non nước Cao Bằng với nhiều di sản văn hóa truyền thống...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 271 di tích, trong đó, 102 di tích đã được xếp hạng, gồm 03 di tích quốc gia đặc biệt (Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (huyện Hà Quảng) - gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng giai đoạn 1941 - 1945; Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Binh) - nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 (huyện Thạch An) - nơi lần đầu tiên và duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận quan sát và chỉ đạo Chiến dịch), 27 di tích cấp quốc gia, 72 di tích cấp tỉnh, 02 bảo vật Quốc gia (Đôi chuông Chùa Viên Minh và Đền Quan Triều, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng; Bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê thái Tổ, huyện Hòa An).

Hơn 2.000 di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, trong đó: loại hình tiếng nói, chữ viết có 06 di sản; loại hình ngữ văn dân gian có 150 di sản; tập quán xã hội và tín ngưỡng có 745 di sản; lễ hội truyền thống có 200 di sản; nghề thủ công truyền thống có 112 di sản; tri thức dân gian có 487 di sản; nghệ thuật trình diễn dân gian có 300 di sản. Có 7 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đặc biệt, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” (trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các lễ hội tại Cao Bằng rất phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài lễ hội đền, chùa mỗi dịp đầu xuân năm mới, có các lễ hội dân gian truyền thống như: Lễ hội lồng tồng của người Tày, Nùng; Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên (huyện Quảng Hòa) và thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An); Lễ hội Nàng Hai của người Tày xã Tiên Thành (huyện Quảng Hòa) và xã Kim Đồng (huyện Thạch An); Lễ hội Thanh Minh của người Nùng An, xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa)... Những lễ hội văn hóa cổ truyền thể hiện niềm tin về tín ngưỡng, tôn giáo, sự tri ân với thế hệ đi trước; góp phần động viên, khích lệ các tầng lớp Nhân dân thực hiện nghĩa cử cao đẹp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một số điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Cao Bằng đã và đang được đưa vào vận hành khai thác hiệu quả, thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, như: Làng đá cổ Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh); xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc); xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (huyện Nguyên Bình); Bản Giuồng, xã Tiên Thành (huyện Quảng Hòa); làng rèn xóm Pác Rằng, làng nghề làm hương xóm Phja Thắp, xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa).

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng của vùng núi Đông Bắc, Cao Bằng hình thành các vùng trồng cây đặc sản như: Miến dong Phja Đén (huyện Nguyên Bình), quả lê và thạch đen (huyện Thạch An), hạt dẻ và thạch trắng Mác Púp (huyện Trùng Khánh), chè giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ. Cao Bằng nổi tiếng như một thiên đường ẩm thực với các sản vật được công nhận: Lê Đông Khê (huyện Thạch An) lọt vào Top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2012; Bánh Coóng phù Cao Bằng lọt vào Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam năm 2015; xôi trám, bánh Coóng phủ, hạt dẻ lọt top 100 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam vào tháng 02/2021; bánh cuốn, bánh áp chao lọt Top món ăn đặc sản Việt Nam (2021 - 2022); bánh chè lam, miến dong Phja Đén lọt Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2021-2022)... cùng nhiều danh hiệu khác.

3. Danh lam, thắng cảnh

Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái, tô điểm những thắng cảnh được ví như “xứ sở thần tiên” say đắm lòng người như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần Núi, cảnh quan Phong Nặm - Ngọc Côn (huyện Trùng Khánh); quần thể hồ Thăng Hen (huyện Quảng Hòa)... trong đó, có những giá trị nổi bật về hệ sinh thái, với sự hiện diện của nhiều giống loài quý hiếm như: Khu bảo tồn vượn Cao Vít (huyện Trùng Khánh), Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (huyện Nguyên Bình) với đặc trưng rừng rêu và đa dạng sinh học với trên 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý hiếm...

Tiêu biểu, danh thắng thác Bản Giốc được các hãng thông tấn, báo chí thế giới vinh danh là một trong 4 thác nước lớn trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia; là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á; Hãng Sputnik Nga đánh giá là một trong những thác nước đẹp nhất thế giới; Tạp chí Touropia bình chọn là một trong 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới; Hãng tin Anh Fox News bình chọn là top 7 thác nước hùng vĩ nhất thế giới; Tạp chí National Geographic (của Hiệp hội địa lý Hoa Kỳ) bình chọn vào top 7 kỳ quan thiên nhiên ở châu Á.

Gần đây, trên nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Booking.com trong giải thưởng Traveller Review Awards, Cao Bằng là 1 trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam 2024.

4. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng

Cao Bằng là địa phương thứ hai trong cả nước đón nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu do Hội đồng UNESCO công nhận vào tháng 4/2018. Báo Insider bình chọn CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là một trong 50 địa điểm có tầm nhìn ngoạn mục, nổi bật nhất trong những kỳ quan và phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn trên khắp thế giới.

CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng hội tụ hơn 200 điểm di sản độc đáo, phản ánh lịch sử hình thành trên 500 triệu năm của Trái đất, bao gồm toàn bộ diện tích của thành phố Cao Bằng và các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang và một phần diện tích các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An, với diện tích hơn 3.683 km² cùng bốn “tuyến đường trải nghiệm":

Tuyến 1: Tuyến du lịch cụm phía Bắc "Hành trình về nguồn cội": Là tuyến du lịch cụm phía Bắc, tập trung ở các huyện Hòa An và Hà Quảng - miền đất có nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Điểm nhấn của tuyến này là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn trong quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1941 - 1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu Di tích Lịch sử Kim Đồng; hóa thạch cúc đá (nhóm các loài sinh vật biển thân mềm tiến hóa cao nhất, cách đây 66 triệu năm), có giá trị định tuổi các tầng lớp đá chứa chúng và xác định đứt gãy địa tầng. Hóa thạch cúc đá được chọn vào logo của CVĐC Non nước Cao Bằng, làm biểu tượng đại diện cho khoa học về hai cấu trúc diện mạo địa chất điển hình karst trẻ, karst già và cũng là biểu trưng giá trị văn hóa đặc sắc của Cao Bằng.

Tuyến 2: Tuyến du lịch cụm phía Tây "Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay": Là tuyến du lịch cụm phía Tây, tập trung ở huyện Nguyên Bình với 16 điểm tham quan. Điểm nhấn của tuyến này là Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén, trong đó đình Phja Oắc cao 1.931m. Về địa chất, nơi đây có sự đan xen giữa các loại đá lục nguyên, đá vôi và đá xâm nhập granite, tạo nên các dãy núi đất xen với núi đá. Xưa kia người Pháp đã chọn Phja Oắc - Phja Đén làm nơi nghỉ mát, hiện vẫn còn các dấu tích của các biệt thự, nhà nghỉ của các công chức thời Pháp. Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén cũng nổi tiếng với các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động, thực vật đặc hữu, có nhiều loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như nghiến, bách vàng, hoàng liên chân gả, bảy lá một hoa, vượn cao vít, khỉ mặt đỏ, rắn hổ chúa... Rừng ở đây còn giữ được nhiều nét nguyên sinh, trong đó đặc trưng là các khu rừng lùn.

Tuyến 3: Tuyến du lịch cụm phía Đông "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên": Là tuyến du lịch phía Đông tập trung ở các huyện Quảng Uyên, Trùng Khánh và Hạ Lang. Điểm nhấn của tuyến này là thác Bản Giốc (Trùng Khánh), được mệnh danh là một trong 4 thác nước lớn và đẹp nhất thế giới (trong số các thác nước nằm trên đường biên giới giữa hai quốc gia), và là trung tâm của Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng còn giữ được cảnh đẹp nguyên sơ và những giá trị địa chất, văn hóa bản địa cốt lõi; những hang động lớn có thạch nhũ đá đẹp thuộc loại nhất nhì Việt Nam như động Ngườm Ngao (huyện Trùng Khánh), hang Dơi (huyện Hạ Lang)... hay quần thể hồ - sông hang ngầm Thang Hen (huyện Trùng Khánh).

Tuyến 4: Tuyến du lịch "Một thời hoa lửa": Là tuyến kéo dài qua địa phận thành phố Cao Bằng, các huyện Quảng Hòa và Thạch An - gắn liền với huyền thoại Đường số 4; sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Điểm nhấn của tuyến này là núi Báo Đông - nơi ghi dấu sự kiện lần đầu tiên và duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận theo dõi và chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê - trận đánh mở màn cho Chiến dịch Biên giới năm 1950.

5. Du lịch biên giới

Không chỉ sở hữu nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn, tỉnh Cao Bằng còn có đường biên giới dài hơn 333 km với nhiều cặp cửa khẩu (cặp cửa khẩu song phương, cửa khẩu phụ); nhiều lối mở và cặp chợ biên giới tạo cho Cao Bằng trở thành cầu nối, giao thương xuất, nhập khẩu, du lịch và dịch vụ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong năm 2023, tỉnh Cao Bằng phối hợp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức lễ nâng cấp/công nhận cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc). Đặc biệt, ngày 15/9/2023, Lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) được tổ chức, Cao Bằng trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai trên thực địa mô hình hợp tác du lịch liên quốc gia, với kỳ vọng Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Đức Thiên) là mô hình hợp tác du lịch xanh, du lịch bền vững tiêu biểu, đây cũng là kỳ quan hứa hẹn một điểm đến tiềm năng, là khu du lịch trọng điểm của Việt Nam trong thời gian tới.

6. Định hướng, giải pháp phát triển du lịch thời gian tới

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định: Từng bước đưa du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Phấn đấu đến năm 2025, đón trên 5 triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng. Phấn đấu Khu du lịch thác Bản Giốc đạt tiêu chí trở thành Khu du lịch quốc gia. Thời gian tới, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, huy động các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ đột phá và tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt nhằm khai thác tối đa lợi thế chính của tỉnh. Tập trung hoàn thành tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) vào năm 2025. Quan tâm đầu tư phát triển hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Thứ hai, thu hút và hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược, xây dựng hạ tầng các khu, điểm của tỉnh theo hướng đồng bộ, đa chức năng. Khai thác và phát huy tối đa hiệu quả danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, 3 di tích quốc gia đặc biệt, các danh thắng quốc gia. Coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững của địa phương, xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác chuẩn bị để tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 diễn ra vào tháng 9/2024.

Thứ ba, triển khai hiệu quả Kế hoạch thực thi Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), hướng tới xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh.

Thứ tư, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tích cực tham mưu bổ sung chương trình đào tạo du lịch vào các cơ sở đào tạo của tỉnh, hướng tới thành lập các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cho tỉnh Cao Bằng và khu vực miền núi phía Bắc.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên báo chí và các nền tảng số. Tăng cường hoạt động xúc tiến, liên kết du lịch, phối hợp xây dựng khai thác các tour, tuyến, các sản phẩm du lịch địa phương và liên vùng. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là chính sách thu hút đầu tư, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái.

TIỂU BAN TRUYỀN THÔNG -
Hội nghị lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên
địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á -
Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/de-cuong-tuyen-truyen-hoi-nghi-quoc-te-lan-thu-8-cua-mang-luoi-cong-vien-dia-chat-toan-cau-unesco-kh-3174778.html