'Để dành ngày mai ấy': Ký ức hào hùng sống lại trên sân khấu sinh viên

Tại Hội trường Văn Khoa, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) đã diễn ra chương trình kịch nói gây quỹ mang tên 'Để dành ngày mai ấy' và cuộc gặp gỡ của sinh viên với những chứng nhân lịch sử.

“Nước mắt ngày gặp lại”

Chương trình do Đoàn - Hội khoa Báo chí và Truyền thông tổ chức, được thực hiện bởi nhóm sinh viên năm thứ ba, ngành Báo chí. Với mong muốn gửi lời tri ân sâu sắc đến những người đã cống hiến xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, Ban Tổ chức đã “mượn” ánh đèn sân khấu để tái hiện một phần ký ức hào hùng nhưng cũng đầy gian khổ của người lính năm xưa.

Nguồn cảm hứng chủ đạo của chương trình xuất phát từ cuốn hồi ký Nước mắt ngày gặp mặt của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang). Những trang viết về một thời chiến tranh gian khổ mà thấm đượm tình người cùng khát vọng hòa bình đã thôi thúc các bạn sinh viên tái hiện một phần câu chuyện lịch sử. Đặc biệt, chương trình đã vinh dự mời được chính ông Tư Cang đến để chia sẻ về tháng ngày làm tình báo cùng cuộc đời cách mạng vẻ vang của mình.

Cuộc gặp mặt của nhân vật Tư và gia đình là chi tiết đắt giá của vở kịch.

Cuộc gặp mặt của nhân vật Tư và gia đình là chi tiết đắt giá của vở kịch.

Vở kịch có thời lượng 90 phút, bao gồm ba hồi: Dành câu hứa - Qua thời lửa - Đến ngày mai. Để chuyển tải trọn vẹn tinh thần của cuốn hồi ký, vở kịch đã được dàn dựng một cách công phu. Trần Ngọc Thủy Tiên (trưởng ban Nội dung) chia sẻ: “Việc xây dựng kịch bản thật sự là một quá trình rất khó. Chúng mình luôn trăn trở làm sao để khai thác chủ đề chiến tranh một cách chân thật, không cứng nhắc hay mang tính tuyên truyền, mà để người xem tự cảm nhận và rung động”.

Bài hát Đất nước trọn niềm vui vang lên trong niềm hạnh phúc của khán giả.

Bài hát Đất nước trọn niềm vui vang lên trong niềm hạnh phúc của khán giả.

Sinh viên tham dự chương trình.

Sinh viên tham dự chương trình.

Tiên cho biết, để kịch bản được trọn vẹn, đảm bảo tính chính xác và tinh thần lịch sử xuyên suốt chương trình, Ban tổ chức đã nhờ đến sự hỗ trợ từ Cố vấn lịch sử: PGS. TS Hà Minh Hồng – Nguyên Trưởng khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM). “Mỗi lời thoại, mỗi tình huống đều được cân nhắc kỹ lưỡng để giữ lại cái hồn của cuốn hồi ký, đồng thời gần gũi với người trẻ hôm nay. Hy vọng, khán giả sẽ tìm thấy sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại qua từng khoảnh khắc trên sân khấu”, Thủy Tiên bày tỏ.

Những chứng nhân lịch sử

Tiếp nối mạch cảm xúc, phần talkshow đã mang đến những chia sẻ sâu sắc từ các khách mời đặc biệt: Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu, bà Đặng Thị Thiệp (vợ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai) và ông Lâm Quốc Dũng (chiến sĩ quân báo Biệt động Sài Gòn).

Tại đây, ba vị khách mời đã có những khoảnh khắc lắng đọng về những tháng ngày “bom rơi đạn lạc” của mình.

Đã 98 tuổi, ông Tư Cang nghẹn ngào chia sẻ: “Để nói lên rằng, chiến tranh… nó dài quá, con người ta hy sinh nhiều quá. Để giành lại được nền độc lập, hòa bình như ngày hôm nay, không phải dễ”.

Ông Tư Cang chia sẻ về thời gian làm chỉ huy cụm tình báo và phải sống dưới nhiều lớp vỏ bọc.

Ông Tư Cang chia sẻ về thời gian làm chỉ huy cụm tình báo và phải sống dưới nhiều lớp vỏ bọc.

Ông Lâm Quốc Dũng là người đứng sau những “vỏ bọc hoàn hảo” giúp hàng trăm cán bộ, chiến sĩ hoạt động an toàn, công khai ngay giữa lòng địch thông qua việc làm giả giấy tờ tùy thân, đặc biệt là căn cước.

Đằng sau những chiến công của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai là sự hy sinh thầm lặng của người vợ - bà Đặng Thị Thiệp (tên thật: Đặng Thị Tuyết Mai). Để bảo vệ thân phận của chồng là một chiến sĩ biệt động Sài Gòn, bà đã chấp nhận mang tiếng xấu “gái trẻ giật chồng” suốt 10 năm trời.

Ông Lâm Quốc Dũng kể chuyện làm giả “căn cước rồng xanh” để qua mặt quân địch.

Ông Lâm Quốc Dũng kể chuyện làm giả “căn cước rồng xanh” để qua mặt quân địch.

Sau khi xem trọn vẹn chương trình, Ngô Hữu Hoàng Đạt (năm hai) xúc động: “Mình cảm thấy từng phút giây ngồi trong hội trường này đều vô cùng đáng giá. NhờĐể dành ngày mai ấy mà mình đã có một góc nhìn cận hơn vào những gì mà cha ông ta phải trải qua trong thời bão lửa. Qua đó, người trẻ như mình lại thêm trân quý và ra sức giữ gìn hòa bình, độc lập của dân tộc”.

Ngay tại sự kiện, Ban Tổ chức đã tạo điều kiện để khán giả có thể trực tiếp ủng hộ Quỹ hỗ trợ các thương bệnh binh bằng cách quét mã QR. Toàn bộ lợi nhuận từ chương trình và tấm lòng trân quý của những người tham dự, sẽ được Ban tổ chức chuyển đến Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thu Thảo

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/de-danh-ngay-mai-ay-ky-uc-hao-hung-song-lai-tren-san-khau-sinh-vien-post1740386.tpo