Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021, cần nỗ lực vượt bậc
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi COVID - 19 diễn biến phức tạp nhưng 6 tháng đầu năm 2021 tỉnh Quảng Trị vẫn đạt được kết quả phát triển kinh tế- xã hội nổi bật. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 tỉnh Quảng Trị với 2 kịch bản: Nếu có dịch thì đạt 6,5% và không có dịch thì đạt 7%?. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Cục trưởng Cục Thống kê Quảng Trị TRẦN ÁNH DƯƠNG để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
- Có thể thấy rằng, tuy kết quả tăng GRDP trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 6,1% thấp hơn một số năm gần đây, nhưng cao hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2020 (4,17%) và cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước (5,64%), đây là nỗ lực lớn của tỉnh. Mặt khác, năm nay do COVID - 19 trong nước diễn biến phức tạp và Quảng Trị cũng đã xuất hiện một số ca bệnh, có thời gian thực hiện giãn cách xã hội nên đề cập đến vấn đề tăng trưởng kinh tế không tách rời, đánh giá độc lập mà phải trên cơ sở xem xét “mục tiêu kép”, với góc độ đó, kết quả trên là rất cao.
Động lực chính đảm bảo cho tăng trưởng là các ngành xây dựng tăng 9,3%; công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 8,61%; y tế tăng 8,61%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 15,88%; bán buôn, bán lẻ tăng 6,96%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,14%. Ngành nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 4,69% nhưng là ngành chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, liên tục có mức tăng trưởng cao, ổn định qua nhiều năm liên tiếp và cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước nên có thể khẳng định đây là “điểm sáng” nổi bật nhất trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tình hình thu ngân sách, xuất nhập khẩu và lĩnh vực đầu tư về giao thông cũng có mức tăng cao so cùng kỳ của nhiều năm trước…
- Trong kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa VIII khi đề cập đến tăng trưởng kinh tế có vai trò các dự án năng lượng. Tuy nhiên, về đầu tư các dự án điện gió, một số đại biểu có ý kiến đề cập đến những khó khăn, vướng mắc có thể để lại những hậu quả nếu không tính toán, cân nhắc kỹ, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Trước hết, vấn đề mục tiêu “Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung” đã được bàn bạc, cân nhắc, tính toán kỹ nên không nêu lại vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề cần bàn là làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu đó trong khoảng thời gian sớm nhất. Để trả lời vấn đề trên, theo quan điểm cá nhân tôi là không có “đáp án” trong kỳ họp này vì hiện nay 2 tài liệu rất quan trọng, có tính quyết định chưa có, đó là: Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt và Quy hoạch chung của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng chưa hoàn thành.
Mặt khác, nội dung chất vấn chủ yếu đề cập về một vấn đề liên quan đến ảnh hưởng môi trường và việc trả lời chất vấn cũng chưa thể giải tỏa được các băn khoăn, thắc mắc vì thiếu đánh giá tác động cộng hưởng của nhiều dự án. Vấn đề này giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã giải trình, đề cập đến thời gian hoàn thành, phấn đấu thực hiện sớm, trong đó có cả khả năng thuê các chuyên gia giỏi để đánh giá toàn diện. Tin tưởng việc này sẽ được cơ quan chuyên môn giải quyết thấu đáo.
Các ý kiến chất vấn là những ý kiến rất có trách nhiệm, thẳng thắn, nắm vững tình hình thực tiễn và nghiên cứu kỹ nên chất vấn có cơ sở và chất lượng, nói lên được tiếng nói của cử tri. Tôi tâm đắc với chất vấn của đại biểu Ly Kiều Vân vì đại biểu đã đề cập đến một nội dung hết sức quan trọng đó là vấn đề phát triển bền vững, liên quan đến đời sống của Nhân dân các vùng có dự án triển khai, dự báo đến “rủi ro” trong tương lai. Đặt ra nội dung này vào thời điểm hiện nay cũng dễ hiểu vì khi cả nước, các địa phương đang dồn sức cho phòng, chống COVID - 19 và những ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh gây ra thì bên cạnh những thành tựu đạt được cũng xuất hiện nhiều khó khăn về phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương mà cụ thể ở đây là khả năng chống chịu để ổn định sản xuất, sinh kế của người dân, thực thi các chính sách...
Đối với Quảng Trị, những năm gần đây liên tiếp chịu hậu quả nặng nề của sự cố môi trường biển năm 2016, lũ lụt lịch sử năm 2020, ảnh hưởng của COVID- 19. Vì vậy, công tác kế hoạch, quy hoạch của tỉnh phải làm rõ, nhất là các dự án điện gió nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung như: Lộ trình triển khai; phương thức, giải pháp huy động vốn; công nghệ; tác động ảnh hưởng môi trường; các chính sách, thậm chí phải tính đến các yếu tố cạnh tranh về giá cả, vấn đề xử lý phế thải khi các dự án điện gió này hết hạn sử dụng… Suy cho cùng người trả tiền, gánh trách nhiệm “hộ” cho các chủ đầu tư vẫn là người dân, thông qua đơn giá tiền điện và cuộc sống sau này... Tôi tin chắc rằng vấn đề này khi hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và hoàn thành Quy hoạch chung tỉnh Quảng Trị sẽ được tính đến và chắc chắn sẽ được giải quyết, hạn chế thấp nhất những “đánh đổi” mà các đại biểu đã chỉ ra vì lợi ích chung, tính khả thi và vì cuộc sống bình an của người dân.
- Hiện nay, cả nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, ông có bình luận gì về mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 tỉnh Quảng Trị với 2 kịch bản: Nếu có dịch thì đạt 6,5% và không có dịch thì đạt 7%?
- Theo quan điểm cá nhân, nếu phải dùng từ kịch bản thì chỉ nên áp dụng đối với cả nước. Vì về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, việc tính toán, dự báo về GDP cả nước sẽ dễ hơn việc tính GRDP các địa phương, nguồn thông tin đầy đủ hơn, phương pháp tính toán cũng đảm bảo hơn. Mặt khác, thẩm quyền, tính độc lập về chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách của cả nước gần như là tuyệt đối còn các địa phương cũng lệ thuộc rất nhiều vào các quyết định của Trung ương. Còn về số liệu, do rất nhiều nguyên nhân mà số liệu cả nước cũng đảm bảo tính ổn định cao hơn các tỉnh, thành phố. Do đó, các tỉnh, thành phố nếu xây dựng kịch bản cũng rất khó chính xác.
Liên quan đến từ “kịch bản” tăng trưởng GRDP của Quảng Trị, nếu hiểu theo đúng nghĩa từ này thì hoàn toàn không phải mà thực ra, bản chất vấn đề đơn giản hơn rất nhiều. Vì ở đây không hề có giả thiết về kinh tế, cũng không có giải pháp cụ thể để giải quyết từng giả thiết. Vấn đề nữa là lộ trình, “phân vai”, mức độ ảnh hưởng đến kết quả…cũng rất mơ hồ. Tức là, không phải là câu chuyện về kinh tế mà đơn giản hơn rất nhiều vì thuần túy liên quan đến các con số hay đúng hơn là phép tính số học. Hai con số 6,5% và 7% là cận dưới và cận trên của mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua vào cuối năm 2020, hay nói cách khác là không có thay đổi về mục tiêu kế hoạch năm 2021. Nên cụm từ “nếu có dịch” hoặc “nếu không có dịch” là thừa và không đúng. Vì sự khác nhau về kết quả giữa “có dịch” và “không có dịch” chỉ chênh lệch nhau 0,5% thôi sao?
Xin dẫn lại kết quả của cả nước và tỉnh Quảng Trị năm 2020 để thấy bị ảnh hưởng dịch và không bị ảnh hưởng dịch sẽ có độ chênh lệch đến mức nào, tức là thiệt hại do dịch gây ra vô cùng lớn (mặc dù năm nay kinh nghiệm, giải pháp đạt mục tiêu kép hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại, ứng phó có thể hiệu quả hơn trước). Đối với cả nước mục tiêu đặt ra tăng trưởng GDP năm 2020 là tăng gần 7% thì khi ảnh hưởng COVID- 19 chỉ còn 2,91% và ở Quảng Trị thì khi xây dựng mục tiêu tăng trưởng trên 8,5% nhưng khi có dịch chỉ còn khoảng 3,61%.
Hiện tình hình đang khó khăn hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2020, nhất là vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, yếu tố quyết định đảm bảo cho tăng trưởng GRDP cũng rất ít, chỉ bố trí 22.000 tỉ đồng. Điều này, cũng có nghĩa là nếu thuận lợi, khai thác, sử dụng, thực hiện hiệu quả các nguồn lực thì Quảng Trị giữ mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 6,5% - 7% đã là khó. Còn nếu tình hình COVID-19 trong nước kéo dài, dù Quảng Trị từ nay đến cuối năm 2021 không xảy ra dịch thì rất khó có khả năng đạt mức tăng trưởng 6,5%. Giả dụ nếu chỉ đạt mức tăng trưởng GRDP: 4% - 5% vào năm 2021 khi dịch không xảy ra trên địa bàn nhưng đặt trong tình hình kết quả tăng trưởng kinh tế GDP và bối cảnh chung của thế giới, của cả nước thì cũng là thành quả rất đáng mừng. Vì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cả nước, các tỉnh, thành phố không phải thực hiện duy nhất một mục tiêu tăng trưởng GDP hay GRDP mà cố gắng phấn đấu thực hiện tốt nhất “mục tiêu kép”.
Đối với tỉnh Quảng Trị, để phát triển bên cạnh dựa vào yếu tố nội lực thì một phần rất lớn lại dựa vào yếu tố ngoại lực từ Trung ương, từ các tỉnh, thành phố, thậm chí từ các nước trong khu vực. Trong khi thuận lợi không nhiều, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro không ít thì nên giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 6,5% - 7% là rất lạc quan rồi nên không có lý do gì lại điều chỉnh cao hơn. Ngược lại, cũng không nên điều chỉnh giảm mục tiêu vì thời gian còn lại không nhiều, vẫn để mục tiêu như vậy để phấn đấu với nỗ lực cao nhất.
- Xin cảm ơn ông!
Trần Cát Linh (thực hiện)