Để đề án phân loại rác tại nhà mang lại hiệu quả

ThS Huỳnh Huy Việt, Phó Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) hướng dẫn người dân ủ phân hữu cơ tại nhà. Ảnh: THÁI HÀ

Nhằm góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian và nguồn lực xử lý rác, biến rác thải thành phân hữu cơ phục vụ trồng trọt, hướng đến bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, Hội LHPN phường 7 (TP Tuy Hòa) đã triển khai thí điểm đề án Phân loại rác thải, phố phường đẹp mãi từ đây đến năm 2025. Để đề án triển khai thành công, đi vào thực chất thì việc thu gom, xử lý rác cần được tiến hành đồng bộ.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Thực hiện đề án Phân loại rác thải, phố phường đẹp mãi, Hội LHPN phường 7 phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tổ chức phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phường.

Chị Tô Thị Mỹ Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường 7 cho biết: “Bỏ rác thải vào chung với nhau là thói quen của hầu hết người dân. Để thay đổi thói quen này, Hội LHPN phường 7 xác định công tác tuyên truyền cần phải được làm tốt. Do đó, chúng tôi đã thành lập các nhóm nòng cốt tuyên truyền đến từng gia đình, hướng dẫn các hộ thực hiện đúng các bước phân loại rác, quy trình về ủ rác thành phân hữu cơ phục vụ cho việc bón cây trồng cũng như góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn phường. Sau các đợt tuyên truyền, ý thức của người dân về phân loại rác thải tại hộ được nâng lên rõ rệt”.

Thực hiện đề án, mỗi gia đình tự phân loại và đựng rác thải vào 2 thùng riêng biệt. Đối với rác hữu cơ, một số hộ tận dụng để ủ phân trong thùng xốp làm phân bón cho cây trồng. Các loại rác tái chế được bỏ riêng để bán cho những người thu gom. Đối với rác thải vô cơ, người dân tập kết, chờ xe thu gom rác của phường đến đưa đi xử lý. Ban đầu, một số người còn ngại khó nhưng đến nay, các gia đình tham gia thực hiện đề án đã hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, dần hình thành thói quen sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt.

Theo bà Đồng Thị Ngọc Phượng ở khu phố Trường Chinh, phường 7, trước đây toàn bộ rác thải, kể cả những rác thải hữu cơ đều được bà gom chung lại với nhau và xe thu gom rác sẽ chở đi. Thế nhưng từ khi tham gia tập huấn phân loại rác tại nhà, bà đã hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác giúp giảm ô nhiễm môi trường nên lúc nào gia đình bà cũng có 2 thùng rác để đựng từng loại riêng biệt. Với rác hữu cơ, bà Phượng dành để ủ phân nên lượng rác của gia đình thải ra môi trường giảm đi đáng kể.

Thu gom, xử lý rác cần đồng bộ

Đề án Phân loại rác thải, phố phường đẹp mãi chỉ mới được triển khai ở 1 tổ với 15 hộ tham gia trên địa bàn phường 7. Theo kế hoạch, trong năm 2022, phường 7 phải triển khai được 3 tổ với trên 40 hộ tham gia. Đến năm 2025, mỗi khu phố (phường 7 có 6 khu phố) phải có ít nhất 1 tổ phân loại rác tại nhà. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình sẽ khó khả thi nếu người dân chưa thấy được hết ý nghĩa của việc phân loại rác.

Chia sẻ những băn khoăn về việc phân loại rác tại nhà hiện nay, bà Đồng Thị Ngọc Phượng cho biết: “Gia đình tôi rất sẵn sàng phân loại rác và thực tế thời gian qua đã tiến hành phân loại. Tuy nhiên, việc Công ty CP Môi trường Đô thị Phú Yên chỉ có 1 xe thu gom chung các loại rác thải khiến người dân phân vân, không biết rằng liệu việc phân loại rác tại các gia đình có thực sự mang lại ý nghĩa? Nếu chúng tôi phân loại tại nhà mà rác lại mang đi đổ gộp chung lại thì chúng tôi phân loại để làm gì?”.

Chia sẻ về thắc mắc này, ThS Huỳnh Huy Việt, Phó Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho biết: Hiện tại, bãi rác Thọ Vức đã thực hiện thí điểm ủ phân từ rác hữu cơ nên việc người dân phân loại rác tại nhà sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho đơn vị thu gom, xử lý rác. Ngoài việc phân loại rác tại nhà, nếu người dân có nhu cầu ủ rác thành phân, ủ rác thải nhà bếp thành nước rửa chén thì Chi cục Bảo vệ môi trường sẵn sàng hướng dẫn. Trong bối cảnh hàng năm, riêng TP Tuy Hòa, Nhà nước phải bù 10 tỉ đồng để xử lý rác thải thì việc giảm thiểu được chi phí này sẽ giúp địa phương có thêm nguồn lực để làm được nhiều việc ý nghĩa, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Theo bà Huỳnh Thị Kiều Diễm, Bí thư Đảng ủy phường 7, việc tuyên truyền, thay đổi thói quen, nhận thức của người dân là rất khó khăn, vì vậy để hoạt động phân loại rác đi vào thực chất, quá trình thu gom, phân loại rác cần được thực hiện đồng bộ và phương tiện chuyên chở phải ghi rõ thu gom chất thải hữu cơ hoặc thu gom chất thải khác. Nếu thu gom, xử lý rác không theo quy củ thì công tác quản lý vệ sinh môi trường sẽ rất khó khăn. “Hiện nay, phường 7 đang xây dựng để trở thành phường văn minh đô thị kiểu mẫu nên việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình là một nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi mong có sự đồng hành của các sở, ngành liên quan để phường đạt tiêu chí này”, bà Diễm nói.

Phân loại rác thải là việc làm không quá khó khăn, cũng không tốn nhiều thời gian, công sức. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, đoàn thể và sự chủ động, tích cực của mỗi người dân, xử lý rác thải sinh hoạt sẽ không còn là bài toán khó với phường 7 trên hành trình xây dựng phường văn minh đô thị kiểu mẫu.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/281038/de-de-an-phan-loai-rac-tai-nha-mang-lai-hieu-qua.html