Để di sản thành tài sản

Tại hội thảo khoa học 'Thực trạng, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững' do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức sáng qua 29/8, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đó là làm gì để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, biến di sản thành tài sản và nguồn lực cho phát triển.

Theo thống kê, hiện Bắc Giang có gần 3.000 di tích, trong đó 746 di tích được xếp hạng. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh như: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng), chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên); Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; Di tích địa điểm Chiến thắng Xương Giang (thành phố Bắc Giang); Hệ thống di tích- danh thắng Tây Yên Tử; Thắng tích Suối Mỡ (huyện Lục Nam); Cây Dã Hương nghìn năm tuổi gắn với đình, chùa Tiên Lục (huyện Lạng Giang)…

Ngoài ra, Bắc Giang còn có một không gian văn hóa phong phú, độc đáo với hàng trăm lễ hội truyền thống, nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, trò chơi dân gian… hấp dẫn du khách. Đây là những tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế -xã hội, biến văn hóa thành nguồn lực nội sinh cho phát triển.

Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều di tích ở Bắc Giang đang trong tình trạng xuống cấp, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đứng trước nguy cơ bị mai một. Trong khi đó, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác tu bổ, tôn tạo di tích; việc bố trí nguồn lực cho công tác này chưa đưa vào lộ trình, kế hoạch cụ thể. Chưa kể, một số nơi, việc tu bổ, tôn tạo di tích còn tùy tiện, thậm chí theo ý muốn chủ quan của tổ chức, cá nhân tài trợ dẫn tới vi phạm, ảnh hưởng đến giá trị di tích…

Di sản, bản thân nó đã phải luôn đương đầu với những nghiệt ngã của thời gian; là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước thiên tai, con người. Nhưng những tổn thương về kinh tế có thể phục hồi được, còn tổn thương về văn hóa, cụ thể là di sản thì rất khó phục hồi.

Vấn đề các nhà khoa học đặt ra tại hội thảo, đó là rất cần Bắc Giang có sự kiểm kê, đánh giá đúng nguồn lực văn hóa mình đang sở hữu. Và khi đánh giá đúng rồi, nhận diện được cái mình đang có, đang sở hữu thì cần sớm xây dựng các kế hoạch, cả trước mắt và lâu dài để bảo tồn, tôn tạo hệ thống di sản văn hóa; đặc biệt là các di sản đã được ghi danh, mang giá trị, ý nghĩa và biểu tượng của văn hóa Bắc Giang như: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà; các điểm di tích trong hệ thống Những di tích Khởi nghĩa Yên Thế, Di tích ATK II Hiệp Hòa, Di tích địa điểm chiến thắng Xương Giang, Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử…

Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho phát triển. Bảo tồn và phát huy tốt hệ thống di sản văn hóa sẽ hướng tới mục tiêu kép: Vừa làm gia tăng sức sống cho các giá trị văn hóa, vừa góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương và như thế, mới biến di sản văn hóa thành tài sản, nguồn lực trực tiếp cho phát triển.

Bảo Châu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/410864/de-di-san-thanh-tai-san.html